'Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng'

Trong một năm có rất nhiều dịp cúng lễ quan trọng nhưng người Việt lại có quan niệm: 'Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng'.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày rằm tháng Giêng, các gia đình người Việt thường sắm hai lễ cúng rằm, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên vào giờ Ngọ.

Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán vùng miền mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau nhưng đều thể hiện tinh thần chung là tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, Phật thánh.

Cũng vào dịp rằm tháng Giêng, nhiều người lại đổ về các cơ sở thờ tự, chịu ngồi dưới lòng đường, vỉa hè, khấn vái và đốt cả đống vàng mã để mong xóa bỏ vận hạn, cầu may mắn, tài lộc... Vậy nhưng, thần thánh nào giúp giải hạn?

Rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, tục xưa gọi là Tết Nguyên Tiêu. Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười).

Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ tết quan trọng nên ông bà ta có câu: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng. Vào dịp rằm tháng Giêng, bà con nông dân khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, nên tối ngày 15/1 âm lịch là thời điểm ra đồng ruộng tập trung cỏ khô, lá khô, châm lửa tiêu hủy sâu bọ. Một số ý kiến khác cho rằng Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Bởi vậy, những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đến đức Phật.

Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng Nguyên và Tết Nguyên Đán trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng.

Từ một ngày lễ Tết có nguồn gốc từ Trung Hoa, qua quá trình ngàn năm du nhập, thấm nhuần Phật pháp, Tết Nguyên Tiêu đã trở thành ngày lễ mang bản sắc rất riêng của dân tộc Việt. Vào dịp rằm tháng Giêng, người người đi lễ chùa cầu cho quốc thái dân an, cầu nguyện bình an, khỏe mạnh, cầu cuộc sống ấm no, thịnh vượng và cầu cho đất nước phát triển, điều này còn thể hiện rõ tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”.
Khá nhiều chùa chiền nhân dịp tết Nguyên Tiêu đã lập đàn Dược Sư, tụng kinh Dược Sư trong suốt tháng Giêng (hoặc từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng), khuyến khích Phật tử tham gia tụng niệm rồi phục nguyện hồi hướng công đức an lành cho Phật tử. Đây cũng là một cách tu tập, cầu nguyện có hiệu quả nhất để đem lại phước báo an lành như mong cầu của mọi người trước thềm năm mới.

Vấn đề kinh tế tác động lên tâm lý của người dân khiến họ quan tâm đến cầu nguyện chỉ là một trong những nguyên nhân thứ yếu. Nguyên nhân chính yếu vẫn là xuất phát từ nhu cầu tìm về những giá trị tâm linh đạo đức truyền thống và mong cầu sự phát triển bền vững trên nền tảng đạo đức và tuệ giác Phật giáo của người dân.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày rằm của người dân cũng ít nhiều thay đổi. Bên cạnh việc đi lễ chùa, các gia đình sắm sửa lễ cúng Rằm tháng Giêng tại gia đình để bày tỏ lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cảm ơn bề trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.

Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài... Nhiều người lại đổ về các cơ sở thờ tự khấn vái và đốt cả đống vàng mã để mong xóa bỏ vận hạn, cầu may mắn, tài lộc... Nhưng chẳng có thần thánh nào giúp giải hạn, khi công chức bỏ bê công việc để đi lễ chùa như 7 cán bộ kho bạc Nhà nước TP Nam Định, tỉnh Nam Định và Giám đốc điện lực huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cấm cán bộ đi lễ hội trong giờ hành chính thể hiện ý thức vô tổ chức, kỷ luật. Những cán bộ này không sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật mà trông chờ vào sự ban phát từ thế giới tâm linh chẳng những không giải được “vận hạn” mà còn rước họa vào thân để rồi phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm minh nhằm răn đe, giáo dục “ Tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi” mà phải làm việc nghiêm túc ngay từ ngày đầu năm mới.

Vũ Xuân Bân |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/-cung-ca-nam-khong-bang-ram-thang-gieng-60197