Cùn mòn trong 'xu hướng'

Khi Nguyễn Tuấn Hải (Hải bánh) mãn hạn tù và tái hòa nhập với xã hội như một công dân bình thường, điều không ít người từng dự đoán đã xảy ra. Đó chính là sự xuất hiện của hàng loạt nội dung trên TikTok, Youtube, Facebook reel liên quan tới 'Hải bánh'.

Đại đa số những nội dung ấy không phải do "Hải bánh" hay người thân của mình tạo ra. Chúng được những kẻ ăn theo đăng tải. Cơ bản, ở thời điểm sự kiện, "Hải bánh" là một cái tên "tạo ra xu hướng theo dõi". Từ đó, đội ngũ kinh doanh nội dung "thính mùi" đã nhao vào xu hướng ấy để không bị "trượt ra ngoài cuộc chơi".

Và bây giờ, bản thân Nguyễn Tuấn Hải cũng có kênh riêng của mình, với những nội dung riêng. "Hải bánh" tham dự "sân chơi" này để làm gì, chỉ anh ta mới hiểu. Nhưng suy cho cùng, ít ra anh ta có hai cái lợi cá nhân. Thứ nhất, có 1 kênh chính thức để tránh được các kênh lợi dụng tên tuổi của mình trên mạng. Thứ hai, lượt xem nếu nhiều, biết đâu cũng thêm được một đầu doanh thu không nhỏ.

Ví dụ từ câu chuyện "Hải bánh" chỉ để khẳng định rằng xu hướng theo dõi những nội dung liên quan tới giang hồ, xã hội đen là không nhỏ. Thậm chí, chỉ cần vài bài viết lăng nhăng, thông tin mờ mịt không chân xác nhưng có tính giật gân liên quan đến dăm ba cái tên xã hội đen thôi cũng đã đủ câu kéo được rất nhiều người theo dõi rồi chứ chưa cần nói đến những nội dung video với tính tin cậy lớn hơn nhờ vào hình ảnh có thật. Cái xu hướng tò mò với những gì liên quan tới xã hội ngầm này, thậm chí còn có chút tạm gọi là "ngưỡng mộ" thật ra là tập quán chung của đám đông, không chỉ ở Việt Nam. Từ trong lịch sử, những tác phẩm về giới ngoài vòng pháp luật vẫn có sức hút rất lớn, nhờ vào cái tính cấm kỵ của nó. Điển hình nhu Robin Hood, Kẻ trộm thành Bagdad… trong lịch sử và dòng phim "hak se wui" (hắc xã hội) lừng danh của điện ảnh Hong Kong một thời.

Việc ngưỡng mộ những gì được xem là cấm kỵ, tò mò với nó, kích thích bởi nó có thể là cái cớ để khai thác đề tài ấy, song giới hạn khai thác tới đâu lại là một câu hỏi lớn, và đòi hỏi sự tự trọng của những người sáng tạo nội dung. Người sáng tạo nội dung, nhất là nghệ sĩ, không thể đánh đồng mình ngang hàng như những TikToker hay Youtuber câu view mọi giá kiểu như nhân bản nội dung về Hải bánh ở trên được. Nhưng ở môi trường giải trí Việt Nam hôm nay, dường như đang tồn tại sự dễ dãi, bị định hướng bởi số lượt xem và doanh thu kéo theo từ nó để rồi rất nhiều người cùn mòn trong chính cái gọi là xu hướng và từ đó số lượng các nội dung về xã hội đen trở nên nhan nhản.

Nằm trong nhóm xu hướng theo dõi nhiều nhất hiện nay đang là nội dung "Xóm Chùa" với nhiều nhân vật giải trí đình đám. Nó nhàm chán với câu chuyện bắt chước Hong Kong ngày nào từ cái gọi là "xã đoàn" và motif tranh giành địa bàn chủ yếu để phô diễn các pha đâm chém. Trong khi đó, ở phía Bắc, các nội dung tương tự cũng đầy rẫy. Thậm chí, mới đây cư dân mạng còn lục lại cả thước phim mà nghệ sĩ Chu Hùng diễn xuất cùng các cái tên như Phú Lê, Đường Nhuệ vv và vv… Vẫn biết, cứ có người thuê thì nhận việc thôi, miễn là không trái pháp luật. Nhưng đã là nghệ sĩ, việc mình diễn cùng ai cũng nên là cân nhắc cẩn trọng. Cân nhắc cẩn trọng ấy hiện tại không hề tồn tại khi thực trạng cho thấy không ít diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ phía Bắc chơi khá thân với giang hồ mạng và tham gia vào các sản phẩm nhố nhăng của giới này.

Ở đây, chúng ta không thể đổ lỗi cho kiểm duyệt, đặc biệt là kiểm duyệt nhà nước, khi thời đại đã rất khác. Lỗi, nếu có, nằm ở chính những người đang được xem là nghệ sĩ, với câu hỏi về tự trọng nghề của mình. Họ bị "lái' đi bởi cái xu thời, các con số lượt xem, doanh thu quảng cáo mà google ads mang lại đến mức độ bất chấp chính cả thể diện của mình. Và có chăng, họ cũng mang một tâm thức sùng bái cái gọi là "hak se wui", với sự thích thú nhất định các hành vi, cách hành xử của giới này? Câu hỏi này có lẽ không khó trả lời, nếu lục lại vài tuyên bố rất ''anh chị'' của những ca sĩ thời thượng suốt những năm qua…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/cun-mon-trong-xu-huong-i664480/