Cụm tin quốc tế 11/7: Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng

Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng; Châu Âu ứng phó khủng hoảng năng lượng khí đốt; Ngoại trưởng Anh tranh cử Thủ tướng; Các nước thay đổi cách đối phó với đại dịch Covid-19; Thế giới sắp chạm mốc 8 tỷ người... là những tin tức quốc tế nổi bật tối ngày 11/7.

XUNG ĐỘT NGA – UKRAINE TIẾP TỤC DIỄN BIẾN CĂNG THẲNG

Trong những giờ qua, cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục có nhiều diễn biến căng thẳng, khi Nga tuyên bố tập kích kho chứa đạn pháo của Mỹ sản xuất tại Ukraine, trong khi Ukraine cáo buộc Nga tấn công khu vực dân cư khiến nhiều dân thường thiệt mạng.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, các lực lượng của Nga đã phá hủy nhiều sở chỉ huy và 2 nhà kho chứa nhiều lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất, được sử dụng để bắn phá các khu dân cư ở Donetsk. Phía Ukraine chưa đưa ra bình luận về thông tin này, tuy nhiên Ukraine đã cáo buộc Nga pháo kích một chung cư ở thị trấn Chasiv Yar thuộc tỉnh Donetsk, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng. Nga từ trước đến nay đều phủ nhận việc tấn công vào dân thường.

CHÂU ÂU ỨNG PHÓ KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG KHÍ ĐỐT

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt đang gặp khó khăn vì các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nhất là việc phải chuẩn bị lượng khí đốt dự trữ cho mùa đông tới, nhiều nước châu Âu đã có những chiến lược riêng để ứng phó với những khó khăn liên quan tới nguồn cung năng lượng.

Tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết chính phủ Pháp đang chuẩn bị cho việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Ông BRUNO LE MAIRE, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp: “Chúng ta cần chuẩn bị cho việc cắt giảm hoàn toàn khí đốt từ Nga - đây vẫn là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc đảm bảo sự độc lập về năng lượng, đẩy nhanh việc lấp đầy các kho dự trữ năng lượng, nhanh chóng xây dựng nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nổi ở Le Havre.”

Pháp ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung từ Nga, khi năng lượng từ Nga chỉ chiếm 17% lượng khí đốt nhập khẩu. Tuy nhiên để đối phó với tình trạng có thể thiếu nguồn cung trong thời gian tới, Bộ trưởng Tài chính Pháp kêu gọi người dân tiết kiệm tiêu thụ năng lượng. Chính phủ Pháp thậm chí cân nhắc đến các biện pháp quyết liệt hơn, ví dụ như xem xét từng công ty để xem công ty nào có thể buộc phải giảm sản lượng để tiết kiệm năng lượng, nếu cần thiết.

Đối với Đức, nếu nguồn cung năng lượng bị ảnh hưởng thì ngành công nghiệp sẽ là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch khẩn cấp của Chính phủ liên bang Đức, ngành công nghiệp - chiếm khoảng 36% tổng lượng tiêu thụ, sẽ tự tìm cách vận hành trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Hiện chính phủ Đức đang đẩy nhanh việc xây dựng nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng nổi, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng cần thêm các biện pháp ứng phó khẩn cấp, nhất là trong bối cảnh đường ống dẫn khí lớn nhất từ Nga sang Đức, Nord Stream 1, đang bị dừng hoạt động trong 10 ngày liên tục vì lí do bảo trì kĩ thuật, dự kiến sẽ có thể còn kéo dài hơn.

Ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban Châu Âu cho biết, xung đột và bất hòa có thể xảy ra với các nước châu Âu vào mùa đông này do khủng hoảng năng lượng, và Liên minh Châu Âu (EU) cần chuẩn bị nhiều kịch bản cho thời điểm khó khăn này. Để tránh những hậu quả do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra, ông Frans Timmermans khẳng định EU nên tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngắn hạn.

NGOẠI TRƯỞNG ANH TRANH CỬ THỦ TƯỚNG

Ngoại trưởng Anh Liz Truss vừa thông báo bà sẽ tham gia cuộc đua kế nhiệm ông Boris Johnson làm lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng Anh.

Ngoại trưởng Anh khẳng định bà quyết định tự ứng cử vì tin tưởng bản thân có thể lãnh đạo và đưa ra những quyết định then chốt, cũng như có tầm nhìn rõ ràng về tương lai của nước Anh. Như vậy, hiện số ứng cử viên tham gia cuộc đua tranh cử chức vụ thủ tướng Anh đã lên tới 11 người. Trên thực tế, bà Truss, 46 tuổi, là một trong những ứng cử viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ.

CÁC NƯỚC THAY ĐỔI CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19

Những ngày qua, dịch Covid-19 một lần nữa lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, khi chủng virus Omicron đột biến thành các biến thể phụ dễ lây truyền hơn. Tuy nhiên, các đợt bùng phát mới không còn kéo theo những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như phong tỏa kéo dài và đóng cửa biên giới nữa, mà các nước đã có sự thay đổi trong cách ứng phó với đại dịch, trong đó tập trung vào mũi tiêm vaccine tăng cường, cũng như việc nghiên cứu thế hệ vaccine tiếp theo.

Mặc dù các biến thể phụ của Omicron cho đến nay đã nhẹ hơn, nhưng lại dễ lây lan hơn, dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và nhập viện vì Covid-19 ngày càng tăng tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. Tuy nhiên, thay vì giãn cách và phong tỏa, hầu hết các chính phủ Châu Á đang áp dụng những quy định y tế được điều chỉnh hợp lý, tăng cường tiêm chủng và theo dõi chặt chẽ tỷ lệ nhập viện. Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất còn theo đuổi chính sách “Zero Covid” cùng những biện pháp kiểm dịch chặt chẽ.

Biến thể BA.5 của Omicron cũng đang lan rộng khắp Châu Âu, trong bối cảnh giới chuyên gia nhận định, liều vaccine thứ tư sẽ giúp làm chậm tốc độ lây nhiễm. Tuy nhiên việc phát triển thế hệ vaccine tiếp theo hiện đang rất cần thiết. 0308 - Cơ quan Quản lý dược phẩm Châu Âu đã để ngỏ khả năng “bật đèn xanh” cho các loại vaccine ngừa Covid-19 thế hệ mới.

Ông MARCO CAVALERI, Cơ quan Quản lý dược phẩm Châu Âu: “Chúng tôi tạo điều kiện để phát triển vaccine thế hệ mới có khả năng tiêu diệt biến thể BA.4 và BA.5, nhưng vì đây là sự phát triển hoàn toàn nên chúng tôi cũng phải xem xét kỹ càng đến khi nào vaccine mới này được cấp phép, dù có thể hơi muộn so với kế hoạch của các quốc gia thành viên thực hiện các chiến dịch tiêm chủng mùa thu.”

Các chính phủ trên toàn cầu hy vọng rằng với những biện pháp kiểm soát mà họ đang áp dụng, cũng như khả năng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn của các biến thể phụ Omicron, mọi thứ có thể trở nên tốt hơn, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm tăng đột biến.

THẾ GIỚI SẮP CHẠM MỐC 8 TỶ NGƯỜI

Hôm nay 11/7 là Ngày dân số thế giới. Nhân dịp này, Liên hợp quốc đưa ra dự báo, dân số thế giới sẽ chạm mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11 tới đây, sau đó đạt mốc 8,5 tỷ người vào năm 2030.

Dự báo của Cơ quan Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc cho biết tốc độ gia tăng dân số thế giới hiện đang ở mức chậm nhất kể từ năm 1950. Dân số thế giới có thể đạt mốc 9,7 tỷ người vào năm 2050, lên tới khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080 trước khi ổn định ở mức này cho đến năm 2100. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, những con số này là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc quan tâm đến hành tinh cũng như để suy nghĩ về việc thế giới vẫn còn thiếu các cam kết.

Thực hiện : Hồng Nhung Thu Ngoan

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cum-tin-quoc-te-117-xung-dot-nga-ukraine-tiep-tuc-dien-bien-cang-thang