Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau vận hành theo phương thức mới

Việc nâng cấp từ sự Phối hợp vận hành lên Quy trình vận hành là cơ sở để các bên phối hợp theo một nguyên tắc thống nhất, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và tăng hiệu quả chế b

Cụm dự án công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đưa vào vận hành từ năm 2007. Khí được lấy từ mỏ PM3 đưa vào bờ, cung cấp cho PV Gas sản xuất gas; cho PV Power sản xuất điện và cung cấp cho Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất phân bón. Hàng năm với công suất vận chuyển khoảng 2 tỷ m3 khí/năm, cung cấp khí cho 2 nhà máy điện Cà Mau của PV Power sản xuất, cung cấp nguồn điện cho lưới điện quốc gia, chiếm trên 7% sản lượng điện toàn quốc; cho Nhà máy Đạm Cà Mau công suất thiết kế 800.000 tấn phân đạm/năm, chiếm 40% sản lượng đạm cả nước, cho PV Gas sản xuất 1,5 triệu tấn khí hóa lỏng LPG đáp ứng 70% nhu cầu trong nước. Mỗi năm, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đóng góp ngân sách tại địa phương trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 40% - 50% ngân sách của tỉnh Cà Mau.

Từ 2007 đến nay, Cụm công nghiệp này vận hành dựa trên việc phối hợp chặt chẽ giữa PV GAS là bên cung cấp dịch vụ vận chuyển khí với các chủ mỏ và các hộ tiêu thụ khí. Nhưng tháng 5 vừa qua, việc khánh thành Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau - công trình chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị khí, tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đòi hỏi quy trình vận hành giữa khí, điện, đạm chặt chẽ hơn.

Vì thế, ngày 20/7/2018, 3 đơn vị là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp vận hành Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau năm 2018, mà thực chất là tìm kiếm một phương thức vận hành mới cho cụm công nghiệp này. Các bên đã đóng thảo luận về những vấn đề cần lưu tâm trong công tác phối hợp thời gian qua, đặc biệt là việc đối phó với các sự cố ngoài giàn khai thác, với vấn đề chất lượng khí vào bờ và những tác động đối với toàn bộ hệ thống cũng như từng đơn vị. Đặc biệt, trước viễn cảnh nguồn cung khí PM3 hiện hữu về bờ có thể suy giảm, đòi hỏi quá trình tìm kiếm nguồn khí bù, đặc biệt là việc nhập khẩu khí cũng được các bên đặt ra những vấn đề thảo luận nghiệm túc.

Trên cơ sở những thảo luận đó, 3 bên đã thực hiện ký kết Quy trình vận hành Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau được cập nhật khi Nhà máy xử lý khí Cà Mau đi vào vận hành thương mại trong thời gian tới. Nội dung chính của Quy trình quy định nhiệm vụ, quyền hạn tất cả các bên; các công tác phối hợp trong ấn định, điều độ, bảo dưỡng sửa chữa; phối hợp trong vận hành bình thường và khi có sự cố.

Việc nâng cấp từ sự Phối hợp vận hành lên Quy trình vận hành là cơ sở để các bên phối hợp theo một nguyên tắc thống nhất, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và tăng hiệu quả chế biến sâu của ngành công nghiệp khí cho khu vực Tây Nam bộ.

Hoàng Hải

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/cum-khi-dien-dam-ca-mau-van-hanh-theo-phuong-thuc-moi-2018072408259735p0c77.htm