Cụm kè ngã ba sông thành 'bẫy' tàu thuyền

Khu vực cụm kè xảy ra hàng chục vụ tai nạn đường thủy và đang trở thành nỗi ám ảnh đối với phương tiện...

Cụm kè vây gần ngã ba sông Kinh Thầy - Kinh Môn đã trở thành điểm đen tai nạn đường thủy

Cụm kè vây gần ngã ba sông Kinh Thầy - Kinh Môn đã trở thành điểm đen tai nạn đường thủy

Mỗi khi thủy triều lên, cụm kè tại ngã ba sông Kinh Thầy - Kinh Môn bị chìm dưới nước, vô tình trở thành “bẫy” nguy hiểm cho tàu thuyền. Đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra tại đây, nhưng đến nay cơ quan quản lý chưa có phương án khắc phục.

Liên tiếp tai nạn chìm tàu, kè hỏng

Sông Kinh Thầy, Kinh Môn nằm trên Hành lang vận tải thủy số 1 ở phía Bắc (Việt Trì - Hải Phòng - Quảng Ninh qua sông Đuống). Nhằm chỉnh trị, tạo luồng chảy, cách đây hơn 3 năm, Dự án phát triển giao thông Đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6) đã đầu tư xây dựng cụm kè tại ngã ba sông Kinh Thầy - Kinh Môn (ngã ba Kèo, Km 25 sông Kinh Thầy, Hải Dương).

Một số thuyền viên cho biết, chỉ sau một thời gian đưa vào khai thác, khu vực cụm kè xảy ra hàng chục vụ tai nạn đường thủy và đang trở thành nỗi ám ảnh đối với phương tiện thường xuyên đi trên tuyến này. “Khi chưa có kè, ngã ba này rất thông thoáng, còn khi kè xây xong, tai nạn thường xuyên xảy ra. Trong năm nay tôi đã chứng kiến ít nhất 1 vụ tàu đâm nhau và một vụ tàu đâm vào kè. Giờ đi qua vẫn còn thấy có đoạn kè bị đổ gãy do tàu đâm”, thuyền viên Bảo, tàu PT-6216 kể.

Ngoài cụm kè ngã ba Kèo, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện trên tuyến hành lang vận tải Việt Trì - Hải Phòng còn một số vị trí kè chỉnh trị, tạo luồng thuộc dự án WB6 đã bị gãy đổ, xuống cấp như: Cụm kè Vân Phúc, Tiến Thịnh trên sông Hồng...

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, ở bờ trái sông Kinh Thầy có cụm kè khép kín (khung vây) dạng hình chữ nhật, từ bờ ra lòng sông khoảng 200m; còn phía bờ trái có bờ kè, cao hơn mặt nước (lúc bình thường) khoảng hơn 1m. Đến nay, cụm kè khung vây vẫn còn một số đoạn bị đứt gãy, là dấu tích của các vụ phương tiện đâm va.

“Khi con nước bình thường có thể nhìn thấy rõ thân kè, nhưng khi thủy triều lên, thân kè, đầu kè bị lập lờ trong nước khiến phương tiện rất khó phát hiện, dễ bị đâm va và xảy ra tai nạn”, ông Vũ Cao Khải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 7, đơn vị quản lý bảo trì tuyến sông Kinh Thầy nói và cho biết, mỗi tháng có khoảng hơn 20 ngày thủy triều lên. Năm 2018 đã xảy ra 5 vụ tai nạn gây chìm đắm, hỏng phương tiện, đổ kè, còn tai nạn va chạm nhưng không báo cơ quan chức năng rất nhiều.

Chi cục ĐTNĐ phía Bắc xác nhận, năm 2017 và 2018, tại khu vực cụm kè trên xảy ra gần chục vụ tai nạn, trong đó có vụ gây chìm đắm phương tiện, mắc cạn. “Thời điểm đâm va nước ngập tràn qua đỉnh kè. Ngày 20/7/2018, tàu NĐ-1872 lao vào khu vực kè cọc vây, hơn 2/3 chiều dài tàu bị mắc trên thân kè, ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu kè vây. Ngày 12/8, tàu PT-2168 đâm va với tàu HP-4754 và bị đắm. Ngày 30/10, tàu HP-4524 trọng tải 800 tấn đi từ hạ lưu sông Kinh Thầy sang sông Kinh Môn đâm làm vỡ khoảng 200m kè”, thống kê của Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho hay.

Sẽ đánh giá, đưa ra giải pháp khắc phục

Theo Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 7, tuyến sông Kinh Thầy phục vụ giao thông 24/24h và đa số phương tiện có trọng tải từ hơn 500 tấn, với nhiều đoàn lai, tàu tự hành. Năm 2018 dù Cục ĐTNĐ Việt Nam đã cho bổ sung báo hiệu giao thông tại khu vực cụm kè và ngã ba Kèo, nhưng sau đó tai nạn vẫn xảy ra.

“Cụm kè khung vây bố trí không hợp lý, vươn dài ra sông và thường bị ngập nước nên ban đêm tàu bè tránh nhau rất khó phát hiện. Giải pháp chỉ có thể dỡ bỏ toàn bộ khung vây. Nếu chưa làm được, nên tổ chức điều tiết, hướng dẫn giao thông”, ông Khải đề xuất.

Đại diện Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho rằng, sau khi hoàn thành xây dựng, đoạn kè trên bộc lộ bất hợp lý, tạo thành điểm đen tai nạn đường thủy tại ngã ba Kèo. “Trước khi có cụm kè, khu vực trên chỉ có một ngã ba giao cắt tự nhiên giữa sông Kinh Thầy và Kinh Môn, nhưng sau khi cụm kè khung vây được xây dựng đã tạo ra một đảo nổi và một luồng chạy tàu đi tắt từ sông này sang sông kia. Luồng tàu tắt cong cua, tầm nhìn bị hạn chế, dòng nước thường chảy xiết nên đặc biệt nguy hiểm khi mùa lũ, ban đêm, khi nước ngập đỉnh kè”, báo cáo của Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết.

Đại diện chi cục cũng cho biết, khu vực trên đã được xếp vào danh sách điểm đen tai nạn đường thủy, đồng thời đã đề xuất Cục ĐTNĐ Việt Nam cho sửa chữa, khắc phục kè hoặc bố trí lực lượng thường trực điều tiết, bảo đảm ATGT đường thủy trong mùa bão lũ theo quy định.

Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, đã nắm được tình hình trên và trong năm 2019 sẽ đánh giá tình trạng các kè bị hư hỏng, tạo thành điểm đen để đưa ra phương án khắc phục.

Hồng Xiêm

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/cum-ke-nga-ba-song-thanh-bay-tau-thuyen-d283407.html