Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải duy trì đà tăng trưởng khả quan

Từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động khai thác tại các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khả quan với tổng khối lượng hàng hóa thông quan tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Có được những kết quả này là nhờ chính quyền địa phương và các nhà đầu tư đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.

Tàu làm hàng tại Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép. Ảnh: PC

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu Lương Anh Tuấn, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có thế mạnh về khai thác kinh tế cảng biển, tỉnh có điều kiện thuận lợi nằm trên tuyến hàng hải quốc tế nối liền Bắc – Nam và Đông – Tây của thế giới (chiếm 85% vận chuyển thương mại thế giới); có sông Thị Vải là luồng hàng hải nước sâu tự nhiên, ít bồi lắng và được kết nối với đường thủy nội địa, đường bộ thuận lợi với các tỉnh trong khu vực, đặc biệt là các đô thị lớn TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Bởi vậy, cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển là một trong 5 lĩnh vực kinh tế trọng tâm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt ra, hiện nay với 47 cảng biển đang hoạt động với mức đầu tư trên 2 tỷ USD, hệ thống cảng biển đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần trở thành một cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.

Đặc biệt, trong đó cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải qua trung chuyển qua nước thứ 3. Hàng tuần có 20 chuyến tàu mẹ với trọng tải trên 80 nghìn tấn vào làm hàng tại cảng Cái Mép - Thị Vải trong đó, có 2 chuyến tàu kích cỡ trên 160 nghìn tấn. Đây là một trong những tàu container lớn nhất thế giới và cũng là tàu cỡ lớn nhất đã từng cập cảng Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, giữa tháng 6 vừa qua, Cảng container quốc tế SSIT đã chính thức mở cảng và đón chuyến tàu container đầu tiên có sức chở 4.860 TEUs, trọng tải hơn 63 nghìn tấn thuộc sở hữu của hãng tàu Mediterranean Shipping Company S.A. (MSC), là công ty vận tải container lớn thứ hai trên thế giới. Sự kiện này đã đưa cảng SSIT vào đúng con đường kinh doanh tàu container như thiết kế ban đầu.

Cũng trong tháng 6, Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã đón tàu One Stork có trọng tải toàn phần 139 nghìn tấn, sức chở lên đến 14.028 TEUs của hãng tàu Ocean Network Express (ONE). Việc tàu One Stork cập Cảng TCIT đã đánh dấu mốc cho sự phát triển dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển trực tiếp từ cảng TCIT nói riêng và Việt Nam nói chung đến các cảng của Hoa Kỳ mà không qua cảng trung chuyển.

Trước đó, vào tháng 5, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng đã được Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam cho phép chính thức tiếp nhận tàu trọng tải 194.000DWT/sức chở 21.500 TEUs cập cảng hàng tuần. Theo kế hoạch, các hãng tàu sẽ đưa tàu loại này vào CMIT khoảng nửa đầu năm 2019.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu Lương Anh Tuấn, 6 tháng đầu năm 2018, số lượng tàu vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có hơn 50% tàu trọng tải lớn trên 80.000 tấn. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó hàng container đạt hơn 1,2 triệu chiếc, tăng 25% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy những dấu hiệu lạc quan, tích cực, tạo đà để kinh tế cảng biển phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Được biết, trong 5 năm gần đây, cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải liên tục nằm trong danh sách các cảng có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới, với mức tăng đạt 22,7%, cao thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, đến nay, mục tiêu cụm cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế vẫn chưa đạt được. Lực cản của mục tiêu trên là do công suất cảng còn thấp, hạ tầng kết nối liên cảng thiếu, chưa đồng bộ; hạ tầng đường thủy từ TP. Hồ Chí Minh đến Cái Mép – Thị Vải chưa hoàn thiện.

Container hàng hóa tại Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) - Ảnh: PC

Theo các chuyên gia về cảng biển, để cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đạt được mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế thì cần các giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đó là: Không đầu tư mới cảng container tại Cái Mép - Thị Vải; hạn chế công suất các cảng tại TP.Hồ Chí Minh; đầu tư hoàn thiện hạ tầng cứng và hạ tầng mềm của cảng; xây dựng cảng có tính chuyên môn hóa cao.

Song song đó, các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khu vực cảng; điều chỉnh giảm khung giá áp dụng cho dịch vụ xếp dỡ hàng trung chuyển quốc tế để cạnh tranh hơn so với các cảng trong khu vực, giảm phí lệ phí hàng hải cho tàu trọng tải dưới 50.000 tấn ra, vào khu vực cụm cảng nước sâu Cái Mép- Thị Vải; các công trình hạ tầng giao thông kết nối cần bảo đảm tiến độ, sớm đưa vào khai thác. Bộ Giao thông vận tải cần sớm có giải pháp nạo vét luồng Cái Mép- Thị Vải đến độ sâu -15,5 m để thu hút các tàu kích cỡ siêu lớn và tăng tàu mẹ cập cảng khu vực cảng này.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu Lương Anh Tuấn cũng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu sẽ tập trung triển khai, kiến nghị Trung ương giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền về phát triển hạ tầng như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Cầu Phước An; nạo vét luồng hàng hải và dịch vụ hậu cần để phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực kinh tế cảng biển, đặc biệt cụm cảng Cái Mép - Thị Vải./.

Phạm Cường

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/cum-cang-cai-mep-thi-vai-duy-tri-da-tang-truong-kha-quan-490027.html