Cúi xuống thật gần

Năm nay, tôi gần như phải đối mặt với rất nhiều thay đổi lớn trong cuộc sống: vừa đổi việc, vừa đổi nhà, và cả đổi trường cho con, không phải chỉ một mà là ba đứa cùng lúc, từ đầu bên này sang đầu bên kia của thành phố.

Tôi phải tìm trường, xin trường và nếu được nhận thì chúng tôi mới quyết định chuyển nhà đến gần chỗ học của con. Hai bạn lớn tạm xong, còn bạn nhỏ vẫn phải chờ có ai đó chuyển đi, trường mới nhận. Đến 1 - 2 ngày trước khai giảng, ngôi trường mà chúng tôi mong muốn vẫn chưa có câu trả lời. Trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, tôi buộc lòng phải quyết định nộp đơn qua trường khác. Oái oăm thay, trường mới đồng ý nhận, qua trường cũ xin rút hồ sơ, nộp xong, không còn tơ tưởng thì nhận được cuộc gọi từ ngôi trường đang mong chờ. Và như vậy tôi lại phải quay lại trường xin rút lại hồ sơ vừa mới nộp, xin lại giấy đồng ý của trường mới gọi, rồi mang ngược sang trường cũ để xin chuyển trường một lần nữa…

Câu chuyện, mà không, đúng ra phải là một phần nhỏ của câu chuyện, chỉ kể thôi đã thấy mệt, huống gì nhân vật chính, một kẻ bị hay bị rối loạn tiền đình như tôi, lại chạy ngược chạy xuôi giữa hai đầu thành phố như thế. Ngay sau khi xin được trường, phải gấp rút tiến hành ký hợp đồng thuê nhà, rồi gấp rút chuyển một số đồ đạc cần thiết để các con kịp ngày khai giảng. Những món đồ còn lại, chúng tôi quyết định mỗi ngày chuyển một chút cho nhẹ. Đó là những ngày mưa, hai vợ chồng với đồ chất cao hơn người, chất đầy trước và sau xe, chạy từ Tân Phú về giáp ranh Nhà Bè trong cơn mưa tầm tã, đành lột cả kiếng cận dò dẫm đường đi. Không phải là dân chở đồ chuyên nghiệp nên đồ đạc cái nghiêng bên này cái ngả bên kia, vừa đi vừa dừng để cột lại.

Về đến nơi, nhìn bọn trẻ ngủ thiếp đi trong căn hộ xa lạ mà thương, chúng không chờ nổi đến khi ba mẹ về… Giữa đống đồ tích cóp hơn chục năm đó, đôi khi tôi phải ngồi thật thẳng để tìm chút hơi thở, mà thực ra có muốn ngồi cong cũng không được khi đồ chèn cả bốn bên. Tôi nhớ mình nói với chồng, vừa nói vừa hít thở: Cơ hội để ép cái lưng cho thẳng (cái lưng tôi có chút cong cong cố hữu, không cong eo mà cong lưng mới kỳ). Bạn tài xế chồng, cũng nhanh chóng hưởng ứng: “Hôm nay may mà không có mưa”. Hôm mắc mưa bạn ấy lại an ủi: “Dù sao thì đồ cũng nhẹ hơn ngày hôm qua, em cũng ngồi rộng hơn một chút”. Thực ra nếu mưa không quá lớn, gió không quá lạnh đến mức làm chúng tôi run cầm cập, thì việc chạy trên đường mưa rõ ràng là một việc thú vị.

Nơi ấy, có rất nhiều ngày tôi cứ phải dừng xe giữa đường sững sờ trước những cánh đồng lau nhìn mặt trời lặn và bầy chim én không hiểu chuyện gì mà cứ kéo nhau bay qua, bay lại rồi bay lên bay xuống, chao tới chao lui. Không hiểu những con én báo tin gì, chỉ nhận ra rằng cánh đồng này nơi tôi vẫn đi qua hàng ngày mà không thấy hết vẻ đẹp của nó cho đến khi mình đổi lộ trình, men theo cái eo của con đường thay vì ngang qua trước mặt. Nhờ vậy tôi đã phát hiện ra một vẻ đẹp khác, nói theo ngôn ngữ của tuổi teen là “góc nghiêng thần thánh” của bầy lau.

Dọn về nhà mới một thời gian, những người bạn thiết thỉnh thoảng hỏi han: Về chỗ mới ra sao, mấy đứa nhỏ có thích nghi tốt không… Không biết phải trả lời như thế nào, có thể có quá nhiều xáo trộn để có thể trả lời ngay cảm giác của mình, tôi đành qua quýt: “Phải thích nghi thôi! Dù sao đó cũng là một trải nghiệm thú vị”.

Ít lâu sau đó tôi có việc quay về nhà cũ. Những con phố từng rất quen bỗng dưng trở nên xa lạ, quãng đường xa bằng nhau, nhưng đường đi hình như dài hơn đường về. Cũng chính xác lộ trình ngày xưa, thỉnh thoảng tôi từ Tân Phú xuống quận 7, Nhà Bè chơi (lúc chưa dọn về), nhưng đã đảo chiều. Đường đi ngày trước giờ thành đường về, và vì là đường về nên nó gần hơn, thân thuộc hơn trước. Hình như cảm giác được trở về đã làm quãng đường gần lại. Con đường làm tôi nhận ra có lẽ mình đã thích nghi. Thích nghi với cảnh “nhà cao cửa hẹp” của chung cư.

Khung cửa hẹp ấy, nơi tôi giật mình tỉnh dậy trong nắng chói chang, tưởng trễ giờ cho con đi học, ai ngờ mới chừng năm rưỡi sáng. Nơi tôi học cách ngủ trong ánh sáng của những ngọn đèn đêm và cả ánh sáng trời. Việc đầu tiên mở mắt ra là ngồi dậy, nhìn xuống một góc dòng Nhà Bè, xem sớm nay sông đầy hay sông cạn. Nơi ấy, cũng có những ngày tôi thức dậy sớm hơn mặt trời, đứng im lìm nhìn dòng sông cũng im lìm bên dưới, không một tiếng tàu. Và đêm, hai dãy đèn bên sông không ngủ, những mái nhà bên dưới cũng không ngủ, cứ nhấp nháy nhấp nháy mãi. Thỉnh thoảng lại một tiếng tàu khuya lạch bạch, những tiếng còi làm mình mơ màng không biết mình đang ở… trong một bộ phim nào, hay ở một bến tàu nào. Những tiếng còi tàu không làm tôi trở mình mà trở đầu, kê cao gối để… ngắm sao khuya.

Nơi ấy, có rất nhiều ngày tôi cứ phải dừng xe giữa đường sững sờ trước những cánh đồng lau nhìn mặt trời lặn và bầy chim én không hiểu chuyện gì mà cứ kéo nhau bay qua, bay lại rồi bay lên bay xuống, chao tới chao lui. Không hiểu những con én báo tin gì, chỉ nhận ra rằng cánh đồng này nơi tôi vẫn đi qua hàng ngày mà không thấy hết vẻ đẹp của nó cho đến khi mình đổi lộ trình, men theo cái eo của con đường thay vì ngang qua trước mặt. Nhờ vậy tôi đã phát hiện ra một vẻ đẹp khác, nói theo ngôn ngữ của tuổi teen là “góc nghiêng thần thánh” của bầy lau.

Nơi ấy, buổi chiều đi dạo, tôi phát hiện ra những bông cúc dại, mảnh dẻ và bao dung... Và rồi tôi được con gái bé nhỏ reo lên “khai sáng”: Ồ, chắc hẳn đây là nàng Sinayni! Cô bé kể chuyện về một người con gái tên là Sinayni hiền lành và nhẫn nại. Trong ngày cưới, chồng nàng uống rượu rất say, nhìn nàng khom lưng dìu người chồng say xỉn về nhà, mọi người thốt lên: Nhìn cô ấy khom lưng cúi người như một bông cúc dại… Lần đầu tiên tôi nhận ra không bông cúc dại nào có dáng thẳng tắp kiêu hãnh như hoa hồng cả. Bông cúc nào cũng hơi xiêu vẹo, như đang cúi xuống, như đang nhìn đâu đó, như đang làm gì đó… Và rồi mỗi ngày đi dạo qua công viên, không ngày nào chúng tôi không ngắm nàng Sinayni bé nhỏ khiêm nhường.

Chiều nay, đi dạo trong công viên quen, sau khi chào các bạn Sinayni thân thuộc, tôi ngước mặt lên chợt nhìn thấy hoa anh đào.

Anh đào đã nở dù Tết vẫn chưa sang.

Ban Mai

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/cui-xuong-that-gan-post54399.html