Cục trưởng An toàn thực phẩm nói về quảng cáo thực phẩm chức năng 'trị tận gốc bệnh'

Tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung khẳng định chữa khỏi, giải pháp hoàn hảo, vĩnh biệt căn bệnh... đều lừa dối người tiêu dùng.

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, cho biết mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc nhưng những quảng cáo "nổ", quảng cáo sai sự thật, gian dối, dùng từ lừa dối người tiêu dùng về công dụng của thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn tràn lan trên mạng xã hội, trên các trang youtube… "Tôi khẳng định tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khẳng định là "giải pháp hoàn hảo", "chữa khỏi", "vĩnh biệt căn bệnh", "điều trị tận gốc bệnh”... đều là lừa dối người tiêu dùng. Cục ATTP không bao giờ cấp phép cho những quảng cáo "vĩnh viễn chữa khỏi" hay có những cụm từ như trên trong giấy phép quảng cáo"- ông Phong khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, bức xúc với tình trạng quảng cáo "nổ" công dụng TPCN trên mạng - Ảnh: H.Hải

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, bức xúc với tình trạng quảng cáo "nổ" công dụng TPCN trên mạng - Ảnh: H.Hải

Theo ông Phong, các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và thổi phồng như thuốc chữa bệnh thường xuất hiện nhiều hiện nay như sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan, bệnh xương khớp, giảm cân, nam khoa.... Đáng nói, có tới 99% quảng cáo TPCN qua mạng xã hội không đúng sự thật. Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo. Nhiều người tham gia vào quảng cáo sai quy định do không hiểu biết về các quy định của pháp luật nên vô hình chung tiếp tay cho sai phạm đó, đặc biệt là sản phẩm làm đẹp, trong đó có một số sản phẩm TPCN giảm cân.

"Qua thanh tra, kiểm tra thực tế và qua báo chí phản ánh, Cục ATTP đã làm việc với cơ quan chức năng, Bộ thông tin - Truyền thông, đại diện facebook để xử lý những sai phạm này, song thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Có sản phẩm quảng cáo bên trên ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ sinh viên mới ra trường, chưa nhận tốt nghiệp đại học, đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Thậm chí, đã có quy định cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng nhiều cán bộ y tế vẫn tham gia vì nhiều lý do khác nhau. Cục ATTP từng nhiều lần có công văn gửi giám đốc, trưởng đơn vị có cán bộ y tế quảng cáo TPCN để chấn chỉnh, quản lý cán bộ"- ông Phong nhấn mạnh.

Một quảng cáo "nổ" công dụng TPCN trên mạng

Lãnh đạo Cục ATTP cũng dẫn chứng một số TPCN quảng cáo về công dụng "trĩ nặng mấy gặp tôi cũng hết" trong khi sản phẩm chỉ được cấp phép nhuận tràng, giảm nguy cơ táo bón; hay sản phẩm hỗ trợ xương khớp, gout... quảng cáo" trị dứt điểm bệnh thoái hóa khớp", "tạm biệt bệnh gout chỉ vài tuần", hay "xem một phút, khỏi guot cả đời" trong khi gout là bệnh mãn tính chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. "Gần đây có một số người hỏi tôi về quảng cáo "nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận", "ai bị sỏi thận" hay các quảng cáo về thuốc Đông y gia truyền chữa huyết áp, viêm gan… xuất hiện nhiều đoạn video youtube. Các trang quảng cáo này không thuộc lĩnh vực quản lý của Cục ATTP mà thuộc đơn vị cấp phép khác"- ông Phong nói.

Lãnh đạo Cục ATTP cho biết những năm qua, Cục ATTP liên tục tiến hành rà soát các nội dung quảng cáo. Nhiều doanh nghiệp phủ nhận nội dung quảng cáo vi phạm, chối cãi nội dung quảng cáo đó họ không thực hiện. Là cơ quan quản lý, Cục ATTP đã cảnh báo người tiêu dùng không mua những sản phẩm này, đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông.

Để nhận diện vi phạm quảng cáo, ông Phong cho hay nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo. Đó là: Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật; dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng; quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia...

N.Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/cuc-truong-an-toan-thuc-pham-noi-ve-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-tri-tan-goc-benh-20201227000422877.htm