Cục trưởng An toàn thực phẩm: Chưa thể khẳng định thịt lợn gạo gây sán lợn ở trẻ em Bắc Ninh

Chiều 19/3, tại Bắc Ninh đã diễn ra buổi làm việc của Đoàn Công tác Bộ Y tế với UBND tỉnh Bắc Ninh về vụ việc hàng trăm trẻ em nhiễm sán lợn gây nhiều lo lắng cho dư luận những ngày qua.

9.000 trẻ em tại 19 trường được xét nghiệm miễn phí

Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh cho biết, theo kế hoạch sẽ có 9.000 trẻ em là học sinh 19 cơ sở giáo dục ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với công ty cung cấp thức ăn cho trường mầm non Thanh Khương.

“Trẻ em sẽ được lấy máu xét nghiệm miễn phí nếu gia đình có yêu cầu. Ngoài ra, trẻ cần điều trị sẽ được điều trị miễn phí. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ban ngành có biện pháp phòng ngừa bệnh sán dây lợn và các bệnh khác có nguy cơ lây cho trẻ em. Đồng thời sẽ mở rộng điều tra dịch tễ học sán dây lợn trước hết địa bàn huyện Thuận Thành” - đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong.

Trước thực trạng người dân Bắc Ninh đổ dồn về Hà Nội để xét nghiệm xem có nhiễm sán lợn hay không, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong rất chia sẻ với các phụ huynh ở Thuận Thành và cho rằng: "Tôi có con mà không có chuyên môn và trong điều kiện như vậy thì tôi cũng rất lo và làm như vậy...".

Tuy nhiên, theo ông Phong, việc có hay không mối liên hệ giữa vi phạm ATTP ở trường Thanh Khương với việc các cháu học sinh đồng loạt đi xét nghiệm và một số có kết quả dương tính với sán lợn thì tới nay chưa có cơ sở để khẳng định. Bởi lẽ, thứ nhất, các mẫu không được lưu và nếu thịt có sán nhưng được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không có.

Thứ hai, ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp, con người cũng có thể nhiễm sán qua môi trường nước, không rửa tay sau khi đi vệ sinh.... Phải khẳng định rõ ràng rằng không chỉ thực phẩm ăn ở trường mà còn nhiều con đường dẫn đến nhiễm sán.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ, rất tiếc hôm nay đại diện của Tổ chức Y tế thế giới không thể tham dự do có cuộc họp quan trọng. Trước đó, khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã tham vấn thông tin từ đại diện Tổ chức Y tế thế giới, họ khẳng định “giun sán có ở mọi nơi”.

Cũng theo ông Phong, không phải chỉ cháu nhỏ mà cả người lớn cũng có thể nhiễm sán. Qua điều tra dịch tễ, không chỉ ở tỉnh Bắc Ninh mà nhiều tỉnh khác cũng có sán, giun, ký sinh trùng đường ruột. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… có điều kiện kinh tế, khí hậu như chúng ta thì việc tồn tại ký sinh trùng đường ruột, trong đó có sán là phổ biến.

Có biểu hiện bệnh sán lợn mới điều trị

Theo ông Phong, hiện nay, việc điều trị sán không quá khó khăn, thuốc cũng không đắt. Nếu có biểu hiện đi ngoài, có đốt sán, có nổi mụn hạch hoặc biểu hiện khác... thì sẽ tiến hành điều trị theo phác đồ. Theo phác đồ điều trị sán Bộ Y tế ban hành 2004, kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với sán thì chưa có chỉ định điều trị.

"Tôi cũng nhắc lại là có kết quả xét nghiệm dương tính với sán cũng chưa thể khẳng định cơ thể có sán và chưa phải để chỉ định điều trị. Chỉ khi có biểu hiện như tôi vừa nói mới điều trị. Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần vào chẩn đoán...”- ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Với các cháu chưa xét nghiệm, chưa có kết quả thì không chỉ tiếp tục theo dõi ấu trùng ký sinh trùng đường ruột mà theo dõi sức khỏe thường xuyên, nếu thấy sinh hoạt không tốt thì phải điều trị kịp thời, trong đó giám sát ký sinh trùng đường ruột và sán.

Bác sĩ tuyến trên sẽ về tận địa phương theo dõi, giám sát

Theo ông Phong, với các kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân dương tính với sán, với ghi chú “khám lại sau 1 – 2 tuần”, người dân không nhất thiết đưa con quay trở lại khám.

“Chúng tôi sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ Y tế cử cán bộ của các BV trong giai đoạn bệnh nhân chờ tái khám sẽ xuống trực tiếp trường, địa phương nơi trẻ sinh sống để cùng kiểm tra, giám sát, theo dõi. Vì như đã nói, huyết thanh dương tính với sán chưa thể hiện chắc chắn cơ thể có ấu trùng, không có chỉ định điều trị. Bác sĩ sẽ cùng kiểm tra, giám sát tại cộng đồng, các cháu có xét nghiệm dương tính và có biểu hiện bệnh mới điều trị”- ông Phong cho biết.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, không chỉ trường học mà người dân trong cộng đồng cần mạnh mẽ thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. Đây là biện pháp dễ thực hiện nhất để phòng ngừa các bệnh ký sinh trùng đường ruột…

Ngành y tế cũng khuyến cáo, người dân không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Nhiều phụ huynh ở Bắc Ninh lo lắng con nhiễm sán lợn nên đã đưa con đi xét nghiệm ở Hà Nội.

Trước đó, ngày 22/2, video đăng tải thịt lợn nghi nhiễm sán tại bếp ăn Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) lan truyền trên mạng. Hàng trăm phụ huynh ở xã Thanh Khương đồng loạt cho con nghỉ học, yêu cầu nhà trường và chính quyền có biện pháp giải quyết.

Giữa tháng 3/2019, một số phụ huynh lo sợ cho con đi kiểm tra, kết quả dương tính với loài ký sinh trùng nguy hiểm này. Ngay sau thông tin này, phụ huynh 19 trường mầm non và tiểu học của huyện Thuận Thành đã đồng loạt đưa con đi xét nghiệm.

Đại diện tỉnh Bắc Ninh báo cáo, trường mầm non Thanh Khương có 568 học sinh, được đánh giá là một trường có chuyên môn. Qua kiểm tra, giám sát từ trước đến nay, trường chưa bao giờ có vi phạm về an toàn thực phẩm. Quá trình tìm kiếm đối tác cung cấp thức ăn được làm đúng quy định.

Liên quan đến việc thịt lợn có sán và thịt gà đông lạnh, UBND huyện đã chỉ đạo trường trên địa bàn huyện dừng nhận cung cấp từ công ty Hương Thành và tạm đình chỉ công tác với hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương và một số cán bộ liên quan, chờ xử lý trước khi có đầy đủ thông tin làm cơ sở pháp lý.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo Công an và ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu kiểm định. Tuy nhiên, do thịt lợn được phát hiện vào ngày 14/2 và 20/2 nên cơ quan chức năng không lấy được mẫu thịt lợn để xét nghiệm.

Theo Dương Hải/SK&ĐS

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/y-te/cuc-truong-an-toan-thuc-pham-chua-the-khang-dinh-thit-lon-gao-gay-san-lon-o-tre-em-bac-ninh/170012.htm