Cục Trẻ em nói gì về thử thách tự sát kinh dị Momo?

Trước thử thách tự sát kinh dị Momo (Momo challenger) đang lan truyền, nếu phụ huynh vận động chiến dịch tẩy chay thì doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm hơn trong việc sàng lọc thông tin độc hại.

Thử thách Momo là một “trò chơi tự sát” được phát tán và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội toàn cầu từ giữa năm 2018, bao gồm WhatsApp và Facebook.

Ngày 29.7.2018, một cô bé 12 tuổi (ở Ingeniero Maschwitz, Argentina) bị nghi tìm đến cái chết sau khi nhắn tin trên ứng dụng Whatsapp với tài khoản có tên Momo. Cô bé được tìm thấy đã qua đời ở tư thế treo cổ trên cây ở sau nhà.

Điều tồi tệ hơn, Momo lại một lần nữa "sống dậy" trở lại, nhưng không chỉ xuất hiện trên WhatsApp hay Facebook như trước đây mà Momo còn len lỏi vào những đoạn video trên Youtube và được “ngụy trang” một cách rất tinh vi dưới dạng những video dành cho trẻ em.

Trao đổi với PV, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết, về mặt pháp luật, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có văn bản yêu cầu Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube có hành động cụ thể với các video hướng dẫn tự sát như “Thử thách Momo” nói trên.

Bên cạnh đó, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam đều có quy định trách nhiệm của các công ty, những người cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng. Trong đó, họ phải có những công vụ sàng lọc để phát hiện, gỡ bỏ thông tin độc hại ảnh hưởng đến trẻ em.

Ông Nam cho biết: "Về lâu dài, chúng ta phải có biện pháp mạnh mẽ hơn với những doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để đối với trách nhiệm bảo vệ trẻ em".

"Hiện nay, trên môi trường mạng có nhiều hành vi “quái gở”, xấu độc. Chúng tìm cách cắt ghép, xen lẫn vào các video", đại diện Cục Trẻ em phân tích.

Vì vậy, cha mẹ cần quản lý chặt về thời gian sử dụng và nội dung trẻ em tiếp đang tiếp cận. Môi trường mạng vốn được trẻ em rất yêu thích. Vì vậy, phụ huynh cần có những động thái sát sao và nhắc nhở thường xuyên với các em. Ngoài ra, phải theo dõi giám sát thông tin đang tiếp cận và biểu hiện khác thường mà trẻ gặp phải khi tiếp cận thông tin đó.

Phụ huynh cần có ý thức phát hiện doanh nghiệp, cá nhân “tung” thông tin độc hại. Trước hết báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Bên cạnh đó, hình thành phong trào xã hội tẩy chay, hạn chế sử dụng kênh thông tin nguy hại.

Bên cạnh cơ quan Nhà nước dùng công cụ bảo vệ người tiêu dùng thì phía người tiêu dùng tự bảo vệ chính mình. Ông Nam cho rằng: "Hầu hết, nhà cung cấp quản lý mạng xã hội đều có thu nhập nhờ vào số lượng người truy cập. Nếu phụ huynh vận động chiến dịch không truy cập thì doanh nghiệp có trách nhiệm hơn trong việc sàng lọc thông tin độc hại".

ANH THƯ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/cuc-tre-em-noi-gi-ve-thu-thach-tu-sat-kinh-di-momo-660436.ldo