Cục Thuế Quảng Bình mạnh tay với gian lận mua bán hóa đơn

Trước tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp có dấu hiệu gia tăng, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã tăng cường xử lý việc bán hàng không xuất hóa đơn, nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước, cùng với đó, thúc đẩy triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Công an tỉnh Quảng Bình tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam để điều tra vì hành vi mua bán trái phép hóa đơn (13/7/2022). Nguồn web conganquangbinh.gov.vn

Công an tỉnh Quảng Bình tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam để điều tra vì hành vi mua bán trái phép hóa đơn (13/7/2022). Nguồn web conganquangbinh.gov.vn

Hành vi gian lận điển hình

Hóa đơn là chứng từ ghi nhận thu chi trong doanh nghiệp và cũng là một trong những tài liệu căn cứ để khấu trừ thuế của doanh nghiệp. Do vậy, nhiều doanh nghiệp mua hóa đơn khống để kê khai tăng chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ để làm giảm thuế GTGT phải nộp.

Cục Thuế Quảng Bình cho biết, thủ đoạn thường thấy là doanh nghiệp thành lập một hoặc nhiều doanh nghiệp mới, nhưng thực tế chỉ là vỏ bọc cho một "ngành nghề" duy nhất - mua bán hóa đơn. Công ty "ma" hay công ty "bình phong" được hiểu là các doanh nghiệp chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có hoạt động kinh doanh và loại hình thường thấy là công ty TNHH. Việc thành lập các pháp nhân trên nhằm xuất hóa đơn đầu vào cho các công ty mà đối tượng đứng tên giám đốc, hoặc bán trái phép hóa đơn cho các đối tượng có nhu cầu.

Tại tỉnh này, mới đây, đối tượng Đỗ Khắp Điệp (sinh năm 1983, trú tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam để tiếp tục điều tra vì hành vi mua bán trái phép hóa đơn vào ngày 13/7/2022.

Theo tài liệu cơ quan điều tra, năm 2020, Đỗ Khắc Điệp cùng vợ là Trần Khánh Trang thành lập Công ty TNHH Tổng hợp Đỗ Gia, do Trần Khánh Trang đứng tên người đại diện theo pháp luật.

Sau khi thành lập, mặc dù Công ty không có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ nào nhưng vì hám lợi nên Trần Khánh Trang và Đỗ Khắc Điệp đã xuất bán 863 hóa đơn GTGT không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo (hóa đơn điện tử) cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Quảng Bình với tổng giá trị thanh toán gần 40 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa dịch vụ trước thuế gần 36 tỷ đồng, thuế GTGT hơn 3,5 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 2,3 tỷ đồng. Đồng thời, Đỗ Khắc Điệp đã mua 51 hóa đơn khống để kê khai thuế GTGT đầu vào, khấu trừ thuế GTGT đối với giá trị hóa đơn xuất bán.

Hành vi của Đỗ Khắc Điệp đã phạm vào tội “mua bán trái phép hóa đơn” được quy định tại khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Có thể khẳng định, sự ra đời của hóa đơn điện tử đã giúp công tác quản lý thuế ngày càng minh bạch hơn nhưng hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cũng đang có dấu hiệu gia tăng, đang rất cần sự phối hợp phòng chống của nhiều lực lượng chức năng: Công an, Quản lý thị trường…

Tăng cường các giải pháp ngăn chặn bán hàng không xuất hóa đơn

Đứng trước tình hình trên, ngày 21/3/2023, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công số 791/CTQBI-TTHT về việc việc tăng cường xử lý việc bán hàng không xuất hóa đơn, nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước và thúc đẩy triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Theo đó, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo thành lập bộ phận “Tiếp nhận thông tin” tại trụ sở Cục Thuế và các Chi cục Thuế. Bộ phận này có nhiệm vụ tiếp nhận các thông tin về các giao dịch bán hàng thông qua máy tính tiền, phần mềm quản lý bán hàng (như phiếu tính tiền, bảng kê tính tiền, bảng kê bán lẻ và các chứng từ khác); phối hợp với bộ phận thanh tra, kiểm tra xác minh, đối chiếu các thông tin giao dịch trên các phiếu tính tiền, bảng kê tính tiền, bảng kê bán lẻ với dữ liệu hóa đơn trên hệ thống cơ quan thuế, xác minh và xử phạt nghiêm các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn.

Cục Thuế Quảng Bình cho biết, khi cung cấp thông tin sẽ được thưởng tiền tương đương 10% giá trị tiền phạt thu được, đối với hành vi bán hàng nhưng không xuất hóa đơn mức phạt tối đa là 20 triệu đồng/lần, người cung cấp được thưởng tối đa 2 triệu; đối với hành vi lập hóa đơn sai thời điểm mức phạt cao nhất lên đến 8 triệu đồng/lần, người cung cấp được thưởng tối đa 800 ngàn đồng.

Nếu doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh xuất hóa đơn điện tử cho người cung cấp thông tin thi hóa đơn đó được tham gia quay số mở thưởng do cơ quan thuế tổ chức hàng quý với nhiều mức giải khác nhau, trong đó giải nhất lên đến 10 triệu đồng.

Mặc dù mới thành lập các bộ phận tiếp nhận thông tin tại các đơn vị nhưng đến nay, ngành Thuế tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận hơn 40 lượt cung cấp, trong đó, đã xử phạt 3 trường hợp với tổng số tiền phạt 16 triệu đồng. Các trường hợp còn lại, Cục Thuế đang tiến hành xác minh hoặc chuyển các bộ phận liên quan để xử lý.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/cuc-thue-quang-binh-manh-tay-voi-gian-lan-mua-ban-hoa-don.html