Cục Thuế Hải Phòng: Tiền chậm nộp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ khó thu

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thuế TP Hải Phòng, tính đến tháng 10, tổng số nợ thuế của đơn vị này là 1.946 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế là 990 tỷ đồng (bằng 50,8%) và tiền chậm nộp là 956 tỷ đồng (bằng 49,2%).

Tại Cục Thuế Hải Phòng, tiền chậm nộp 376 tỷ bằng 47% của tổng số nợ khó thu.

Tại Cục Thuế Hải Phòng, tiền chậm nộp 376 tỷ bằng 47% của tổng số nợ khó thu.

Theo thống kê, nợ có khả năng thu tại Cục Thuế Hải Phòng là 1.141 tỷ đồng; nợ không có khả năng thu lên tới 802,6 tỷ đồng (bằng 41,2% tổng số nợ). Trong số này, tiền chậm nộp 376 tỷ, bằng 47% của tổng số nợ không có khả năng thu.

Phân tích kĩ về cơ cấu trong tổng số nợ có thể thấy có một tỷ lệ lớn của các khối kinh tế đặc thù. Cụ thể, nợ của khối Vinashin, Vinalines, đóng tàu là 470 tỷ đồng (tiền thuế 197 tỷ đồng, tiền chậm nộp 273 tỷ đồng); nợ của khối lắp máy là 51 tỷ đồng (tiền thuế 17 tỷ đồng, tiền chậm nộp 34 tỷ đồng); nợ của các doanh nghiệp xây dựng cơ bản là 173 tỷ đồng (tiền thuế 108 tỷ đồng, tiền chậm nộp 65 tỷ đồng).

Nhìn vào cơ cấu nợ trên có thể thấy, trong cơ cấu nợ không có khả năng thu, tiền phạt chậm nộp chiếm tỷ trọng lớn. Số tiền này phát sinh bởi theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, với nợ thuế mỗi ngày sẽ phát sinh 0,03% tiền chậm nộp. Điều này đang gây khó khăn lớn cho công tác quản lý của ngành Thuế Hải Phòng cũng như khiến cán cân ngân sách trở nên mất cân đối.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Dự thảo nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền chậm nộp, phạt chậm nộp cho người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách nhà nước sẽ được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua.

Với dự thảo Nghị quyết này, Cục Thuế Hải Phòng đề nghị xem xét cho xóa toàn bộ số tiền chậm nộp còn nợ đọng chứ không chỉ xóa số tiền chậm nộp phát sinh kể từ sau thời điểm cơ quan thuế ban hành Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nghĩa là xem xét xóa theo đối tượng chứ không xem xét xóa theo thời điểm.

Đồng thời đơn vị này kiến nghị Quốc hội xem xét cho xóa tiền thuế nợ đối với các đối tượng đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thuộc trường hợp được khoanh nợ theo Nghị quyết này bởi thực chất các khoản nợ này đã không còn đối tượng để thu (đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh) và cơ quan thuế không thể thực hiện áp dụng được hết các biện pháp cưỡng chế để được xóa nợ theo yêu cầu của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11.

Đáng chú ý, đối với các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Vinashin, Vinalines, đóng tàu, lắp máy, Cục Thuế Hải Phòng đề nghị Quốc hội xem xét, xóa nợ, khoanh nợ bởi những đơn vị nợ lớn đều tập trung ở các khối này, tiền chậm nộp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ đọng. Các đơn vị đã chờ tái cơ cấu nhiều năm nhưng chưa thực hiện được.

Cũng theo Cục Thuế Hải Phòng, Quốc hội cũng cần xem xét có cơ chế, chính sách xóa nợ, miễn giảm đối với các doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp thi công xây dựng cơ bản các công trình có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng không được ngân sách nhà nước thanh toán kéo dài, do chủ yếu là nhà thầu phụ không được ngân sách nhà nước trực tiếp thanh toán nên không thuộc diện được xem xét gia hạn nộp, không tính tiền chậm nộp... Đến nay một số doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, cố gắng nộp dần hết số tiền thuế nợ gốc, chỉ còn tiền chậm nộp hoặc số tiền chậm nộp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/cuc-thue-hai-phong-tien-cham-nop-chiem-ty-trong-lon-trong-co-cau-no-kho-thu-114521.html