Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ 'dò theo' định hướng chính sách

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã hạ nhiệt trong quý đầu năm và dự báo trong quý II/2022 sẽ tiếp tục kém sôi động. Mặc dù nhu cầu đối với thị trường này vẫn lớn, tuy nhiên trái phiếu doanh nghiệp vẫn phụ thuộc lớn vào các định hướng về mặt chính sách của Nhà nước.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp giảm nhiệt

Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp của SSI Research cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản vẫn được vận hành tương đối bình thường trong quý I/2022. Tuy nhiên, sau các động thái có phần cứng rắn từ Chính phủ trong việc lập lại trật tự và tăng cường tính minh bạch, công khai thì hiện nay các doanh nghiệp hiện đang trì hoãn kế hoạch phát hành nhằm chờ đợi hướng dẫn cụ thể hơn từ Chính phủ.

Theo đó, tổng lượng trái phiếu phát hành (tính cả riêng lẻ và phát hành ra công chúng) đạt 61,9 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng khối lượng phát hành trong quý I/2021 là tương đối thấp khi các doanh nghiệp điều chỉnh phương án phát hành nhằm phù hợp với các văn bản pháp luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 như Luật Chứng khoán 2019 hay Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo số liệ từ SSI Research, nếu so sánh theo quý, lượng phát hành trong quý I/2022 đã giảm hơn 74% so với quý IV/2021, cho thấy hoạt động trên thị trường sơ cấp đã kém sôi động hơn. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản vẫn tích cực đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1 với tổng khối lượng là 38,2 nghìn tỷ đồng (chiếm tới 62% tổng lượng phát hành) và tập trung chủ yếu trong tháng 1 và 3 (trước khi xảy ra sự kiện Tân Hoàng Minh).

Sang tháng 4, lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh, khi chỉ ghi nhận 820 tỷ đồng (so với mức bình quân theo tháng trong năm 2021 là 26 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, các ngân hàng thương mại thường chưa đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong quý I nên chỉ ghi nhận phát hành mới 9,7 nghìn tỷ đồng, và tăng tốc phát hành trở lại trong tháng 4 (18,6 nghìn tỷ đồng).

Nhìn chung, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, tác động tiêu cực của các sự kiện gần đây đã được nhìn thấy tương đối rõ ràng khi các đợt phát hành trái phiếu, bao gồm cả riêng lẻ và phát hành ra công chúng chủ yếu được quan sát thấy trong tháng 1 (chiếm 51,8% tổng lượng phát hành). Hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong 2 tháng trở lại đây là hoặc là những doanh nghiệp niêm yết lớn hoặc là các tổ chức tín dụng và định chế tài chính, vốn đã chịu sự quản lý chặt chẽ từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.

Thị trường chờ động thái rõ ràng hơn về định hướng chính sách

Theo nhận định của SSI Research, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến vẫn rất dồi dào, tuy nhiên, những thay đổi về quy định pháp lý tác động mạnh đến thị trường. “Thị trường TPDN sẽ kém sôi động hơn ít nhất trong quý II trước khi có các chính sách rõ ràng hơn từ Chính phủ” – SSI Research dự báo.

Các chuyên gia của đơn vị này cho rằng, sự kiện Tân Hoàng Minh và các động thái siết chặt của Chính phủ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian qua có đã tác động cả doanh nghiệp phát hành và tâm lý nhà đầu tư. Khối lượng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm mạnh trong tháng 4.

“Trên thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được xây dựng như là sản phẩm của thị trường vốn dù đặc thù có tính trung dài hạn. Chính phủ vẫn đang định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng do vậy việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là cần thiết” – chuyên gia của SSI Research cho biết.

Tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 18% GDP, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025.

“Các động thái gần đây của Chính phủ nên được nhìn nhận là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường” – chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia này, đối với các nhà đầu tư cá nhân, cần phải nhấn mạnh rằng bản chất vận hành của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là thị trường vốn, nghĩa là có rủi ro và lợi nhuận (lợi suất trái phiếu) được định giá trên cơ sở rủi ro. Do vậy, “điều quan quan trọng là có các cơ chế để tăng cường tính minh bạch hóa của thị trường để giúp nhà đầu tư có thể đánh giá tốt hơn những rủi ro có thể gặp phải” – SSI Research cho hay.

Trước mắt, theo các chuyên gia này, những điều có thể làm ngay, dựa trên các quy định sẵn có, bao gồm việc rút ngắn thời gian cấp phép cho việc phát hành ra công chúng, để doanh nghiệp không còn phải quá phụ thuộc vào phát hành riêng lẻ.

Ngoài ra, chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại sở giao dịch chứng khoán cần được cung cấp thêm các thông tin như mục đích phát hành, lãi suất phát hành, các đơn vị trung gian tham gia vào hoạt động phát hành thay vì chỉ có những thông tin cơ bản như khối lượng và kỳ hạn như hiện tại. Kế hoạch triển khai sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cần được nhanh chóng tiến hành nhằm yêu cầu các doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin một cách chuẩn hóa và dễ dàng tiếp cận đến nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, “Chính phủ tạo điều kiện nhằm có thể điều hướng luồng vốn thông qua các tổ chức trung gian (quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp,…). Mặt khác, việc phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm cũng là một yếu tố cần được xem xét, giúp thị trường có thêm nhiều thông tin hơn” – chuyên gia của SSI Research cho biết thêm./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-se-do-theo-dinh-huong-chinh-sach-105662.html