Cục phó Cục Quản lý nhà: Nếu bù lãi suất 1.000 tỷ cho NHTM, sẽ có gói 30.000 tỷ mới

Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng nếu chính phủ bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại đã được chỉ định cho vay nhà ở xã hội thì sẽ có 'gói 30.000 tỷ mới'.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Không thể ưu đãi toàn bộ cho nhà ở xã hội

Kể từ khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, việc phát triển nhà ở xã hội lâm vào tình cảnh khó khăn. Cả doanh nghiệp và người dân đều gặp khó khăn trong việc vay vốn để xây dựng và mua nhà. Theo ông Vũ Văn Phấn, hiện có hơn 200 dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn.

Để tháo gỡ các khó khăn cho nhà ở xã hội, chính phủ đã có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng những hỗ trợ đó là chưa đủ.

“Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với nhà ở xã hội. Người ta còn đòi hỏi phải ưu đãi nhiều hơn nữa. Nhưng xét đi xét lại, xét lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, lợi ích của xã hội và xét trong điều kiện khó khăn như hiện tại, nếu nhà nước không thu cái gì nữa, hỗ trợ toàn bộ thì chắc quay lại thời bao cấp”, ông Phấn giãi bày.

Ông Phấn ví dụ chính sách hỗ trợ nhà ở nông thôn trước đây, nhà nước cho tiền một phần, một phần còn lại cho vay. Tuy nhiên, sau khi đổi chính sách, nhà nước không cho không nữa mà chỉ hỗ trợ dưới hình thức cho vay ưu đãi với lãi suất thấp.

“Bây giờ hỗ trợ dưới dạng cho cần câu, chứ cứ cho cá là không thành công. Báo cáo với với các anh chị, báo đài nói, đại biểu Quốc hội cũng nói nhiều nơi không muốn thoát nghèo, lý do là vì ông cứ cấp cá. Cho nên phải nâng cao trách nhiệm của người thụ hưởng, tức là người dân”, ông Phấn nói.

Cấp vốn cho ngân hàng thương mại hiệu quả hơn

Theo vị Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, vấn đề lớn nhất của nhà ở xã hội hiện nay là tín dụng. Hiện nay, ngân sách mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội 1.100 tỷ đồng (từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2016 – 2020). Năm 2018, ngân sách chỉ bố trí được 500 tỷ đồng. Theo quy định hiện hành, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ huy động thêm 500 tỷ đồng nữa để cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định 100.

“Ngân hàng tính ra, Bộ Xây dựng chúng tôi cũng tính ra là nhu cầu vốn cao hơn số tiền trên rất nhiều. Nhưng cái đấy mới chỉ là một phần thôi. Cái quan trọng nhất là gói 30.000 tỷ đồng đã kết thúc nhưng 4 ngân hàng thương mại (đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi trong lĩnh vực nhà ở xã hội) vẫn chưa được bố trí nguồn vốn”, ông Phấn nói.

Theo ông, nếu bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thì ngân hàng này chỉ huy động được 100% vốn cấp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ cho hộ gia đình, cá nhân vay còn doanh nghiệp không được vay.

Trong khi đó, nếu bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại (Thủ tướng đã ký Quyết định 18 ngày 02/04/2018 cấp bù chênh lệch lãi suất là 3%) thì hiệu quả sẽ cao hơn. Giả dụ chính phủ cấp vốn bù lãi suất 1.000 tỷ đồng thì 4 ngân hàng (gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) có thể sẽ cho vay được tới 30.000 tỷ đồng.

“Nó sẽ như gói 30.000 tỷ đồng mới. Cái này rất quan trọng, vì không chỉ số tiền cho vay lớn mà người dân, doanh nghiệp đều được vay”, ông Phấn phân tích.

Được biết, vấn đề cấp vốn bù chênh lệch lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại cũng đã được Hiệp hội bất động sản TP. HCM nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên đây hiện vẫn là “điểm khó” của chính phủ.

Vĩnh Chi

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/cuc-pho-cuc-quan-ly-nha-neu-bu-lai-suat-1000-ty-cho-nhtm-se-co-goi-30000-ty-moi-20180504224216099.htm