Cực nguy hiểm khi lò phản ứng trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Anh được sửa bằng keo dán?

Hải quân Anh mở cuộc điều tra sau khi truyền thông đưa tin công nhân dùng keo dán sửa sự cố lò phản ứng của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Vanguard. Việc dùng vật liệu không đúng kỹ thuật có thể gây ra thảm họa rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng.

Hải quân Anh hôm 1/2 thông báo mở cuộc điều tra khẩn cấp sau khi tờ Sun đưa tin các công nhân của tập đoàn Babcock đã dùng keo dán để khắc phục sự cố với ốc vít trong đường ống làm mát lò phản ứng hạt nhân của tàu HMS Vanguard thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Vanguard.

Sự việc bị phát hiện khi một ốc vít bị rơi khỏi đường ống trong đợt kiểm tra sau bảo dưỡng của tàu. Phần đầu của con ốc bị gãy do công nhân vặn quá chặt, nhưng thay vì thay thế linh kiện theo quy trình, họ đã sử dụng keo siêu dính để gắn ốc gãy vào vị trí cũ.

Con ốc trên được dùng để cố định vật liệu cách nhiệt của đường ống làm mát lò phản ứng. Sự việc chỉ được phát hiện trước khi các công nhân thử nghiệm vận hành lò phản ứng ở mức công suất tối đa.

Các kỹ sư Babcock sau đó thông báo đây là "sự cố không bất thường", nhưng không nói rõ bản chất sự việc.

"Đây là điều không thể chấp nhận. Không thể làm việc cẩu thả với công nghệ hạt nhân. Không bao giờ được vi phạm quy định về hạt nhân", một nguồn tin trong hải quân Anh cho hay.

Giới chức hải quân Anh sẽ truy xét quá trình sửa chữa nhằm xác định thời điểm xảy ra sự việc, cũng như các công nhân chịu trách nhiệm.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh cho biết Bộ trưởng Ben Wallace đã gặp giám đốc điều hành Babcock David Lockwood để "yêu cầu sự bảo đảm với các đợt sửa chữa trong tương lai".

Tập đoàn Babcock là nhà thầu lớn thứ hai của Bộ Quốc phòng Anh, được giao hợp đồng trị giá nhiều tỷ bảng để bảo dưỡng lực lượng tàu ngầm lớp Astute và Vanguard của nước này.

HMS Vanguard là chiếc đầu tiên trong 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Vanguard, lực lượng răn đe hạt nhân duy nhất trong biên chế quân đội Anh. Đây là lực lượng tuần tra và răn đe hạt nhân trên biển của Anh (CASD) trong suốt thời gian qua.

Ở mọi thời điểm, luôn có ít nhất một chiếc thuộc lớp này đang thực hiện nhiệm vụ CASD, sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân theo lệnh của Thủ tướng nước này.

Mỗi chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược loại này được trang bị 16 tên lửa hạt nhân đa đầu đạn Trident II.

Được biết mỗi quả lửa đạn đạo hạt nhân Trident II có khả năng mang từ 8 tới 12 đầu đạn hạt nhân độc lập.

Mỗi đầu đạn có sức công phá tối đa lên tới 475kt, trong khi quả bom hạt nhân thả xuống xóa sổ thành phố Hiroshima của Nhật Bản chỉ có đương lượng nổ 12kt.

Với độ sai số mục tiêu chỉ 90 m, Trident II là tên lửa hạt nhân chính xác nhất thế giới.

Sau khi Trident II được đẩy bằng áp suất hơi nước từ tàu ngầm vọt lên trên mặt nước, lúc này động cơ chính của tên lửa mới khởi động để đẩy quả tên lửa bay đi.

Với tầm bắn xa cùng độ cơ động cao của các tàu ngầm hạt nhân mang chúng, tên lửa Trident II có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Được biết tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Vanguard do hãng BAE Systems Submarine Solutions nghiên cứu thiết kế và giới thiệu lần đầu năm 1994.

Tàu ngầm lớp Vanguard được xem như là một phần trong chương trình vũ khí hạt nhân Trident II do Mỹ sản xuất được chia sẻ với quân đội Anh.

Có tất cả 4 chiếc thuộc lớp Vanguard đã được chế tạo và đưa vào hoạt động gồm: HMS Vanguard, HMS Victorious, HMS Vigilant và HMS Vengeance.

Theo số liệu năm 2005, đơn giá mỗi chiếc Vanguard khoảng 2,3 tỷ USD.

Tàu ngầm hạt nhân Vanguard có lượng giãn nước 15.900 tấn, dài 149,9 m. Thủy thủ đoàn vận hành tàu gồm 121 người, trong đó có 14 sĩ quan.

Tàu ngầm này được trang bị một lò phản ứng hạt nhân Rolls-Royce PWR-2 cung cấp năng lượng cho con tàu trong nhiều năm.

Do vậy tầm hoạt động của tàu không giới hạn. Nó chỉ bị giới hạn bởi dự trữ nước uống và lương thực cho thủy thủ đoàn.

Điểm khác biệt của tàu ngầm này so với nhiều loại tàu ngầm khác chính là nó không dùng chân vịt thông thường mà dùng hệ thống đẩy kiểu pump-jet (tức là hệ thống tạo ra dòng nước phụt mạnh để đẩy tàu đi).

Trên tàu được trang bị hệ thống quản lý tàu ngầm (SMCS) của hãng BAE System và hệ thống định vị thủy âm gắn trực tiếp trên thân tàu hoặc kéo rê phía sau.

Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Vanguard được biên chế hai thủy thủ đoàn thay phiên nhau để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trong ảnh là "nội thất" của phòng điều khiển trong tàu ngầm.

Tàu còn được trang bị hệ thống kính tiềm vọng điện tử hiện đại để quan sát khu vực xung quanh.

Ngoài tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident II, tàu ngầm này còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm cho phép bắn ngư lôi chống ngầm Tigerfis (tầm bắn 13-29km) hoặc Spearfish (tầm bắn khoảng 65km).

Các tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard dự kiến được thay thế bằng các tàu ngầm hạt nhân mới lớp Dreadnought vào những năm 2030 trong chương trình mua sắm có trị giá hơn 35,7 tỷ USD của chính phủ Anh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuc-nguy-hiem-khi-lo-phan-ung-tren-tau-ngam-hat-nhan-chien-luoc-anh-duoc-sua-bang-keo-dan-post529929.antd