'Cục máu đông' nợ xấu dần tan

Sau một năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, ngành ngân hàng đã xử lý tổng cộng 138.290 tỷ đồng nợ xấu. Đó là con số báo cáo mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại Hội nghị trực tuyến sơ kết một năm triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058. Điều này cho thấy công tác xử lý nợ xấu đang thực sự đạt hiệu quả cao.

Hoạt động xử lý nợ xấu ngày càng đạt hiệu quả.

Xử lý gần 786.000 tỉ đồng nợ xấu trong hơn 6 năm qua

Theo lãnh đạo NHNN, nếu tính từ năm 2012 đến hết tháng 6 vừa qua, toàn hệ thống đã xử lý tổng cộng hơn 785.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, dù mới chỉ áp dụng từ ngày 15.8.2017 đến 30.6.2018 vừa qua, hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm 61.040 tỷ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Chỉ tính trong nửa đầu năm 2018 vừa qua, cũng đã có trên 58.000 tỷ nợ xấu được xử lý, trong đó chủ yếu là nợ do các TCTD tự xử lý còn lại là bán cho VAMC và các tổ chức, cá nhân khác một phần nhỏ. Trong khi giai đoạn 2015-2017, việc xử lý nợ xấu chủ yếu thông qua hoạt động bán nợ chiếm khoảng 38,64% tổng nợ xấu.

Đến cuối tháng 6, tổng nợ xấu nội bảng của các TCTD đang là 2,09% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, giảm so với con số 2,46% hồi cuối năm 2016. Tổng nợ xấu bao gồm các các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 486.000 tỷ đồng, chiếm 6,67% tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC, cho biết đơn vị này đã thí điểm ký kết với 6 TCTD có nợ xấu bán cho VAMC và tổ chức phân loại trên 26.000 khoản nợ xấu đã mua và quản lý với dư nợ trên 10 tỷ đồng trở lên để nắm rõ thực trạng và phương án xử lý phù hợp.

Tính đến 15.8, VAMC đã thu hồi gần 100.000 tỷ đồng trên 227.000 tỷ đồng nợ gốc mà công ty đã mua và đang quản lý. Trong đó, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực tốc độ xử lý nợ xấu đã tăng lên rõ rệt.

Chặng đường còn dài

Hiện nay danh mục hơn 1.200 tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu VAMC quản lý tính đến đầu tháng 8.2018 phần lớn được phân loại và chủ yếu bất động sản. VAMC đang tích cực xử lý tận gốc nợ xấu bằng cách đấu giá các tài sản đảm bảo để thu tiền về. Sau “phát súng” đầu tiên thu giữ khối tài sản đảm bảo khổng lồ của dự án Saigon One Tower với mức giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng, VAMC đã tiếp tục đấu giá các tài sản đảm bảo khác.

Như mới đây (27.7), VAMC thông báo bán đấu giá toàn bộ máy móc thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất xi măng Puzơlan Gia Lai tại SHB gắn liền với 44.814m2 đất tại tỉnh Gia Lai.

Tiếp đến, ngày 9.8, VAMC thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu của Công ty Thành phố Vàng (Agribank) đã bán nợ sang VAMC là quyền sử dụng 7.851m2 đất tại phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM.

Mới nhất, trong ngày 15.8, VAMC cùng lúc phát đi 3 thông báo đấu giá tài sản đảm bảo tại: BIDV, Agribank và GPBank… Hàng loạt chi nhánh các ngân hàng cũng thông báo tăng cường thu hồi tài sản đảm bảo, bán đấu giá nợ xấu để thu hồi nợ.

Trước đó, có nợ xấu cao nhưng Sacombank được coi là ngân hàng đầu tiên xử lý tài sản đảm bảo khi chuyển nhượng thành công 3 tài sản bất động sản lớn tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An, với tổng trị giá hợp đồng 9.200 tỷ đồng.

"VAMC cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện những đợt thu giữ tài sản lớn như tòa nhà Saigon One Tower hay các dự án lớn khác. Sau khi thu giữ xong thì khách hàng đã phải chấp nhận việc trả nợ cho VAMC và các TCTD, giúp tốc độ xử lý nợ nhanh hơn", ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC, chia sẻ.

Trước đây có những khoản nợ 5-7 năm không thu được một đồng nào. Tuy nhiên, đến nay có những khoản VAMC mua theo giá thị trường ở mức 10 tỷ đồng cũng đã thu hồi được 5 tỷ đồng. Tổng nợ mua 3.500 tỷ đồng thì VAMC đã thu được trên 90% ước đạt 3.402 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Đông cũng cho biết hiện nay quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn một số vướng mắc do còn tồn tại quy định pháp lý cần tiếp tục điều chỉnh. Điều 8 trong Nghị quyết 42 cũng có nội dung rút gọn quá trình tố tụng và xử lý tranh chấp tài sản đảm bảo, nhưng trên thực tế hơn 2.000 vụ việc của các cấp tòa án và thi hành án chưa có vụ nào được xử lý theo hình thức rút gọn này.

Các tài sản đảm bảo là bất động sản dở dang khi VAMC thu giữ hoặc bán chuyển cho chủ đầu tư mới còn vướng mắc về phía hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mỗi địa phương lại có một cách hiểu, làm khác nhau dẫn tới việc có nơi chuyển giao được nhưng có nơi thì chưa.

Ngoài ra, ông Đông cũng cho biết hiện nay nhu cầu bán nợ thị trường của các TCTD vào khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của VAMC mới chỉ là 2.000 tỷ đồng. Với mức vốn này công ty mới chỉ quay vòng mua được 3.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường.

Theo Đề án 1058 thì năm 2018 VAMC sẽ được cấp vốn điều lệ tăng lên là 5.000 tỷ đồng và đến năm 2020 là 10.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay chưa có nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu mua bán nợ thực tế của thị trường.

Gia Miêu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/cuc-mau-dong-no-xau-dan-tan-628176.ldo