Giá còn tăng, phục hồi còn tắc

Những khó khăn của nền kinh tế lúc này có thể gói gọn trong 'tăng' và 'tắc'. Giá cả tăng kéo theo nguy cơ tắc phục hồi. Ngay cả đại dự án cao tốc Bắc – Nam, mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có hành trình xuyên tết, xuyên Việt để đốc thúc tiến độ, cũng có nguy cơ tắc vì giá tăng…

Hình thành “siêu bão”

Một thông tin rất đáng chú ý mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm đưa ra tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm 16/3: “Siêu bão” giá đã hình thành trên phạm vi toàn cầu, với mức tăng đã lên cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát quy hoạch, hướng tuyến một số tuyến giao thông trọng điểm tại Bình Phước, ngày 20/3/2022.

4 yếu tố hội tụ thành siêu bão, theo người đứng đầu ngành Công an: Thứ nhất là thế giới đang có những nhu cầu lớn về hàng hóa để phục vụ cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là đối với nguồn nguyên liệu, trong đó có cả Việt Nam. Thứ hai là dịch Covid-19 cũng khiến cho cung cấp hàng hóa thiết yếu toàn cầu bị thu hẹp đáng kể. Thứ ba là các nước đang tăng cường sử dụng công cụ tài khóa, tiền tệ để ngăn chặn suy thoái kinh tế, kích thích tiêu dùng dẫn đến lạm phát có chiều hướng sẽ tăng cao. Thứ tư là căng thẳng địa chính trị cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn bị đẩy lên cao. Trong đó, nhiều nước tăng cường các biện pháp trừng phạt, đáp trả nhau trên thị trường thương mại đầu tư khiến cho lưu thông, luân chuyển hàng hóa trên thế giới ảnh hưởng rất lớn và Việt Nam không nằm ngoài những tác động đó.

Trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An.

Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhiều than thở về tình hình bất chấp những nỗ lực trong điều hành, nhiều khó khăn, thách thức liên tục xuất hiện. “Trong khi đang phải đối diện với nguy cơ gia tăng lạm phát trên quy mô toàn cầu do hầu hết các quốc gia đều tăng các gói kích cầu để phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch thì lại nổ ra sự kiện Nga – Ukraine. Biến cố này kết hợp với những biện pháp trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây nhằm vào Nga - một nước xuất khẩu nhiên liệu, lương thực và một số vật tư chiến lược lớn của thế giới, đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong ngắn hạn và dài hạn, đe dọa thiếu hụt, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam” - ông Diên nói.

Mong qua bĩ cực

Cùng với giá xăng dầu không ngừng biến động, giá cả các mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều thành “chiến mã”, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các vật tư nông nghiệp khác. Có những mặt hàng tăng trên 100% so với trước đây. “Cơn bĩ cực này là điều không ai mong muốn cả. Thế giới cũng đang mong giống chúng ta, là lo làm sao sớm thoát qua cảnh khó khăn này” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm thán.

Không để dư luận phản ứng

Ứng phó với “siêu bão” đang chuẩn bị đổ bộ, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ trong tháng qua đã liên tục họp. Trưởng ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành đánh giá đúng tình hình để đảm bảo đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng cụ thể. Không để xảy ra tình trạng, nguồn cung không thiếu, nhưng cung cấp hàng hóa ra thị trường không kịp thời dẫn đến giá cả biến động, dư luận phản ứng.

Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành điều hành linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, không gây tác động tiêu cực đối với kiểm soát giá. Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước, các địa phương quản lý địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao để quản lý chặt chẽ từng mặt hàng cụ thể theo đúng quy định của pháp luật về giá. Những vấn đề vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, LPG; thép xây dựng, xi măng; dịch vụ vận tải; thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo; vật tư trang thiết bị y tế…) theo đúng quy định của pháp luật về giá.

Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, trong thời điểm trước mắt không xem xét tăng giá, đặc biệt là các dịch vụ công. Đối với những mặt hàng nhà nước không định giá, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá; kiểm tra chặt chẽ những trường hợp có dấu hiệu bất thường, những mặt hàng tác động lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo; xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng để trục lợi trái luật.

Nhưng có vẻ như tình hình “siêu bão” một khi ập đến Việt Nam thì sẽ còn trở nên kịch tính hơn gấp bội, khi được bồi thêm động lực từ giá đất đầy “bí hiểm” ở Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ trong những truy vấn tới tấp của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cùng ngày với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Như đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu: “Dư luận cử tri nêu việc đấu giá đất tại nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm. Có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá trên trời rồi âm thầm bỏ cọc. Kết quả trúng đấu giá cao ngất ngưởng, gấp nhiều lần giá khởi điểm. Điển hình như vụ đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức vừa qua. Điều đó làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao, tạo ra hiện tượng sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới”.

Thể hiện sự đồng tình rất cao với câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng vì hoàn cảnh đại dịch Covid-19, người dân và doanh nghiệp mới càng muốn giữ tài sản của mình bằng đất, mà đất cứ lên giá như “ngựa phi”. Ông Hà khẳng định: “Việc thổi giá lên, tạo ra một mặt bằng mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế. Một nền kinh tế như của chúng ta mà đất đai là đầu vào của mọi dự án đầu tư, khi bị thổi giá thì hoạt động của hệ thống kinh tế sẽ không còn hiệu quả. Đó là một điều rất không tốt đối với nền kinh tế”.

Tiến thoái lưỡng nan

Chỉ như mới đó còn trong không khí của ngày tết, trên các đại công trường dự án cao tốc từ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hoạt động thi công rầm rộ, vậy mà từ tháng 3, đã có những nơi trong cảnh nằm nghe mưa nắng, tiến thoái lưỡng nan vì giá vật liệu tăng, hàng loạt nhà thầu đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng, càng thi công càng lỗ. Mặc dù các dự án cao tốc Bắc - Nam đều được áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá, trong hợp đồng cũng đã cộng dự trù trượt giá. Nhưng hơn một năm qua giá nguyên vật liệu các loại tăng quá nhanh, nên phần dự phòng không đủ bù đắp.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá nhiên liệu tăng hơn 100%, giá thép tăng từ 20 - 60%; giá cát, đá, nhựa đường, xi măng cũng đồng loạt tăng khiến giá thành gói thầu đã tăng khoảng 12 - 30% (tính trung bình theo từng thời điểm). Trong khi đó các dự án được điều chỉnh bù giá chủ yếu dao động trong khoảng từ 5 - 8%. Như tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nhà thầu này ký giá trị hợp đồng hơn 2.080 tỷ đồng, đến nay, ảnh hưởng của biến động giá vật liệu xây dựng phục vụ thi công, công trình đã bị tăng khoảng 403 tỷ đồng

Dự án cao tốc từ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 654 km, gồm 11 dự án thành phần. Cho đến nay, mới có duy nhất dự án Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành, được Thủ tướng Phạm Minh Chính đến cắt băng khánh thành vào ngày 4/2/2022 và ngay sau đó, Thủ tướng đã có hành trình xuyên tết, xuyên Việt để đốc thúc tiến độ cho toàn tuyến cao tốc này. Chính phủ quyết tâm đến năm 2024 phải hoàn thành 654 km cao tốc của Dự án cao tốc từ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Trong đó, năm 2022, phải hoàn thành 361 km với 4 dự án phải khánh thành trong năm nay là Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Chính phủ cũng đã ra “tối hậu thư” kiên quyết không lùi tiến độ tổng thể cũng như tiến độ của từng dự án. Nếu các nhà thầu xây dựng chậm tiến độ thì kiên quyết thay thế.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-con-tang-phuc-hoi-con-tac-102478.html