Cuba phản bác các biện pháp siết chặt cấm vận mới của Mỹ

Theo một văn kiện do Nhà Trắng công bố ngày 13-9 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp kéo dài lệnh cấm vận thương mại với Cuba thêm 1 năm.

Trước đó, hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo sẽ sửa đổi Quy chế Kiểm soát tài sản của Cuba, bao gồm các biện pháp ngăn chặn Chính phủ đảo quốc Caribe tiếp cận ngoại tệ, mà Washington tuyên bố là biện pháp trừng phạt do sự ủng hộ của Cuba đối với chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Các biện pháp mới bổ sung sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi được đăng trên Công báo Liên bang. Theo thông báo, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ sẽ áp đặt giới hạn 1.000 USD với mỗi lần kiều dân Cuba gửi tiền về nước cho người thân.

Ngoài ra, cơ quan này cũng cấm chuyển tiền cho người thân của các quan chức bị cấm. Các quy định mới cũng bao gồm xóa bỏ việc cho phép gửi tiền với hình thức viện trợ, nhưng tiếp tục cho phép gửi một lượng kiều hối có giới hạn cho một số cá nhân cụ thể và các tổ chức không trực thuộc chính phủ, nhằm khuyến khích sự gia tăng của khu vực lao động tư nhân không phụ thuộc vào nhà nước.

Thêm một bước đi cứng rắn nữa nhằm vào Cuba là việc ngày 13-9 Chính phủ Mỹ thông báo đã bổ nhiệm ông Michael Kozak, một quan chức được đánh giá là theo đường lối cứng rắn, đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng tạm quyền phụ trách Tây Bán Cầu - đồng nghĩa với việc phụ trách quan hệ của Washington với Mỹ Latinh.

Bất chấp những biện pháp cấm vận của Chính phủ Mỹ, ngành du lịch Cuba vẫn phát triển mạnh. Ảnh: EFE.

Bất chấp những biện pháp cấm vận của Chính phủ Mỹ, ngành du lịch Cuba vẫn phát triển mạnh. Ảnh: EFE.

Ông Kozak sẽ thay thế bà Kimberly Breier, người từ chức ngày 8-8 vì lý do cá nhân, và được bổ nhiệm đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lập trường thù địch cứng rắn với Cuba và Venezuela.

Về phía Cuba, Ngoại trưởng Bruno Rodríguez đã lên tiếng phản bác các biện pháp siết chặt cấm vận mới này của Mỹ, khẳng định cấm vận sẽ không thể khuất phục được ý chí của nhân dân Cuba và càng làm tăng thêm sự phản đối toàn cầu chống lại cuộc bao vây, cấm vận đã kéo dài gần 6 thập kỷ qua.

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Du lịch Cuba Manuel Marrero thông báo kể từ đầu năm tới nay, đảo quốc Caribe đã đón tổng cộng 3 triệu du khách quốc tế.

Trong thông báo đưa ra trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Manuel Marrero cho biết, bất chấp những biện pháp mà Chính phủ Mỹ áp dụng nhằm gây tác động tới ngành “công nghiệp không khói” của Cuba, hòn đảo này đã đón vị du khách thứ 3 triệu vào ngày 15-8. Ông nhấn mạnh, đây cũng là minh chứng cho thấy Cuba chính là một điểm đến du lịch an toàn và chất lượng cho du khách quốc tế.

Cũng theo thông tin từ Bộ Du lịch Cuba, Canada tiếp tục là nước có nhiều du khách nhất tới La Habana, tiếp theo đó là các nước châu Âu. Trong khi đó, lượng khách du lịch tới từ Nga tăng nhiều nhất.

Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại Cuba vào năm 1962. Tới nay, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận Cuba. Gần đây nhất, hồi tháng 7, một nhóm 46 thượng nghị sĩ Mỹ thuộc cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đã trình Thượng viện nước này dự thảo luật với mục đích xóa bỏ những hạn chế hiện tại đối với công dân Mỹ trong việc đi lại tới Cuba.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đại diện bang Vermont, ông Patrick Leahy là người dẫn đầu sáng kiến này. Trong một thông cáo chính thức, chính trị gia từng nhiều lần tới thăm Cuba này dự đoán dự luật trên sẽ được khoảng 60 trong số 100 thượng nghị sĩ ủng hộ. Văn bản này đề xuất việc xóa bỏ những hạn chế được đặt ra theo các quy định ra năm 1996 và 2000 đối với công dân và người cư trú hợp pháp tại Mỹ, cũng như những cấm đoán hiện hành đối với những giao dịch trang trải cho hoạt động đi lại này.

Thượng nghị sĩ Leahy trích dẫn một cuộc thăm dò mới đây của kênh truyền hình CBS cho thấy có tới 81% người dân Mỹ ủng hộ việc nới lỏng hạn chế đi lại tới Cuba, đồng thời chỉ trích các quan chức Nhà Trắng đang cố tình đi ngược lại nguyện vọng chung này do những tính toán nội bộ.

Tại phiên họp ngày 1-11-2018, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận nhiều thập kỷ qua đối với Cuba bằng việc thông qua nghị quyết với tỷ lệ đồng thuận áp đảo, 189 trên 193 phiếu thuận. Mỹ và Israel bỏ phiếu chống còn Ukraine và Moldova là hai nước không tham gia bỏ phiếu. Tổ chức gồm 193 nước thành viên cũng bác bỏ việc Mỹ chỉ trích Cuba vi phạm nhân quyền.

Đây là lần thứ 27 liên tiếp ĐHĐ LHQ ra nghị quyết kêu gọi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận Mỹ đã áp đặt với Cuba kể từ năm 1962. Năm 2017, ĐHĐ LHQ cũng bỏ phiếu nghị quyết kêu gọi Mỹ bãi bỏ cấm vận đối với Cuba với tỷ lệ 191/193 phiếu đồng thuận.

Khi đó, 2 nước bỏ phiếu chống vẫn là Mỹ và Israel. Tuy nhiên, nghị quyết này không có tính ràng buộc.

Khổng Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cuba-phan-bac-cac-bien-phap-siet-chat-cam-van-moi-cua-my-561667/