Cuba: Hướng vào doanh nghiệp trong nỗ lực hồi phục kinh tế

Nhiều tháng qua, khu vực Mỹ Latin chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong bức tranh tối màu ấy, cùng việc kiểm soát tốt dịch bệnh, Cuba đang nỗ lực triển khai nhiều chính sách mới nhằm vực dậy nền kinh tế đang trong thời kỳ hết sức khó khăn, do lệnh cấm vận của Mỹ.

Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe thuộc Liên Hợp Quốc (CEPAL), dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2020 của Mỹ Latin và Caribe là -5,3%, trong khi con số này với Cuba là -3,7%.

Hiện Cuba đang tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài, đưa nền kinh tế hòa vào thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nội địa. Cuba hiện phải nhập khẩu máy móc, nhiên liệu, công nghệ và hơn 50% lượng thực phẩm tiêu thụ trong nước. Các mặt hàng và dịch vụ xuất khẩu chính của Cuba là dịch vụ y tế, sản phẩm dược sinh học, niken, rượu rum và xì gà. Du lịch cũng là thế mạnh của Cuba.

Chính phủ Cuba vừa thông báo chính thức áp dụng cơ chế một cửa cho đầu tư nước ngoài (Vuinex) trên phạm vi toàn quốc nhằm thúc đẩy các cơ hội kinh doanh với vốn đầu tư nước ngoài cũng như tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục.

Nghị định số 15 của Bộ Tư pháp Cuba được coi là công cụ nhằm làm linh hoạt và đẩy nhanh các phương thức đầu tư tại Cuba, với tiền đề tạo ra ngoại hối và xóa bỏ các thủ tục rườm rà. Ngoài ra, Vuinex cũng cung cấp hướng dẫn cho các thể nhân và pháp nhân (trong nước và nước ngoài) có liên quan đến quá trình này trong các giai đoạn phê duyệt ban đầu.

Trong thông báo đưa ra trên tài khoản Twitter, Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Rodrigo Malmierca nhấn mạnh việc đẩy nhanh thời gian cấp phép xuống mức tối đa 15 ngày là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng tạo những điều kiện pháp lý khác cho nhà đầu tư nước ngoài.

Mô hình “một cửa một dấu” này đã được Chính phủ Cuba áp dụng thử nghiệm tại Đặc khu phát triển kinh tế Mariel (ZEDM), nơi đã thu hút khoảng 2,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài qua 49 dự án trong vòng 6 năm qua kể từ khi thành lập. Hiện tại, La Habana tiếp tục xác định thu hút đầu tư nước ngoài là một nhiệm vụ ưu tiên để tạo động lực mới phát triển kinh tế.

Ngày 29/9, báo chí Cuba cho biết Hội đồng Bộ trưởng nước này đã thông qua các biện pháp mới nhằm hoàn thiện hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế chủ chốt nhất của đảo quốc Caribe này.

Trong cuộc họp thông báo về chính sách mới này, Trưởng ban thường trực về Triển khai chủ trương kinh tế và phát triển của Hội đồng Bộ trưởng Cuba Marino Murillo khẳng định những điều chỉnh mới tuân theo định hướng gia tăng quyền tự quyết của các doanh nghiệp nhà nước và linh hoạt hóa hoạt động cho các đơn vị doanh nghiệp cơ sở.

Các biện pháp mới bao gồm việc gỡ bỏ các giới hạn về mức phân chia phần doanh thu sau thuế mà các doanh nghiệp này được giữ lại cho người lao động. Hiện những giới hạn này đang ở mức tối đa 5 lần mức lương trung bình cùng một loạt tiêu chí hành chính khác.

Tương tự, Chính phủ Cuba cho phép triển khai rộng rãi trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước mô hình “trả lương theo năng suất” mà hiện mới đang được áp dụng một cách hạn chế tại một số doanh nghiệp, đồng thời cho phép ký hợp đồng với người lao động về hưu để đảm nhiệm cương vị ở thời điểm nghỉ hưu.

Ông Murillo cũng cho biết những điều chỉnh này mở rộng quyền hạn cho người đứng đầu các đơn vị doanh nghiệp và cho phép ký hợp đồng với người lao động ngoài thời gian làm việc chính quy cho các dịch vụ đặc thù và khác biệt với công việc thường nhật.

Một cải cách khác là các đơn vị doanh nghiệp cơ sở, nếu muốn, có thể áp dụng mô hình tự hạch toán và tự trả thuế doanh thu và lợi nhuận, mà chưa cần phải có tư cách pháp nhân (tức là chưa trở thành doanh nghiệp đầy đủ và độc lập). Hội đồng Bộ trưởng Cuba cũng cho rằng các đơn vị doanh nghiệp cơ sở có khả năng khép kín chu trình sản xuất ở cấp độ nhất định nên trở thành doanh nghiệp độc lập.

Phát biểu trong cuộc họp, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero cho rằng việc tận dụng được các biện pháp này sẽ giúp giải phóng tiềm năng của các doanh nghiệp nhà nước và các lực lượng sản xuất nói chung, giúp hoạt động sản xuất Cuba tăng trưởng và giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu, hoàn thiện các chu trình sản xuất và nâng cao khả năng tự cung cấp nhiều mặt hàng thiết yếu.

Trước đó, khoảng giữa tháng 7 vừa qua, Chính phủ Cuba đã dỡ bỏ mức thuế 10% đối với việc sử dụng đồng USD, vốn được áp dụng từ năm 2004, cũng như mở rộng danh sách mặt hàng được phép thanh toán bằng USD. Động thái này giúp giải quyết nhu cầu ngoại tệ ngắn hạn, kích thích nguồn kiều hối ở nước ngoài vào Cuba qua các kênh chính thức, từ đó Nhà nước có thể cung ứng lại hàng hóa trong các chuỗi cửa hàng bán lẻ cũng như nhiều mục đích khác trong thời điểm khan hiếm USD để nhập khẩu.

Cuba đạt tiến bộ trong nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19

Các nhà khoa học của Cuba đang đạt tiến bộ trong phát triển 2 loại vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mang tên Soberana 1 và Soberana 2, đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu vaccine Finlay, ông Vicente Verez cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đối với các loại vaccine khác do nước ngoài điều chế đã có sự khác biệt lớn giữa phản ứng miễn dịch của người và động vật đối với vaccine, khiến các nhà khoa học Cuba thiết kế các dạng vaccine khác nhau để đánh giá tốt hơn phản ứng miễn dịch.

Vaccine Soberana 1 thử nghiệm trên 40 tình nguyện viên trong giai đoạn đầu cho thấy các phản ứng phụ rất nhỏ; các thử nghiệm lâm sàng của Soberana 2 có thể bắt đầu trong tháng 10 nếu được các cơ quan y tế cho phép. Ông Verez nói thêm, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tiêm vaccine cho người dân Cuba trong nửa đầu năm 2021.

Công thức vaccine do Cuba phát triển dựa trên một loại protein tái tổ hợp, khác với các dự án phát triển vaccine khác trong đó sử dụng các công nghệ vector virus hoặc virus bất hoạt.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/cuba-huong-vao-doanh-nghiep-trong-no-luc-hoi-phuc-kinh-te/409673.vgp