Cuba đưa kinh tế tư nhân vào hiến pháp

Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà nước Cuba sẽ chính thức thừa nhận thành phần kinh tế tư nhân và nó được đưa vào bản hiến pháp mới, hứa hẹn mở ra con đường cải cách kinh tế sâu rộng tại quốc gia châu Mỹ Latin.

Thông tin trên đã được hệ thống đài báo chính thống nhà nước loan báo hôm qua cho biết, chính quyền Cuba sẽ sửa đổi hiến pháp để mở cửa hơn nữa nền kinh tế, tuy nhiên vẫn sẽ kiên định lập trường của chủ nghĩa xã hội. Lần gần đây nhất Cuba sửa đổi hiến pháp là vào năm 2002.

Sửa đổi Hiến pháp sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế ở Cuba

Theo BBC, kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 1959, vị Tổng thống huyền thoại Fidel Castro đã ban hành lệnh cấm giao dịch, buôn bán bất động sản, đất đai. Điều luật này kéo dài mãi cho tới năm 2011 mới được phép sửa đổi dưới thời cựu Chủ tịch Cuba, ông Raul Castro.

Theo đó, đích thân vị em trai cố Tổng thống Fidel đã công bố những cải cách mới nhằm tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân và hoạt động đầu tư nước ngoài tại Cuba. Tuy nhiên, dù đã “cởi trói” và thừa nhận sự tồn tại của kinh tế tư nhân nhưng trong bản dự thảo hiến pháp mới lần này, nhà nước Cuba vẫn tái khẳng định nền kinh tế kế hoạch tập trung, trong đó những doanh nghiệp then chốt trực thuộc chính phủ vẫn sẽ đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Và dự kiến, điều khoản này sẽ được thông qua tại cuộc họp quan trọng của quốc hội vào tuần tới. Bước tiếp theo, bản dự thảo hiến pháp mới sẽ được trưng cầu dân ý để chờ tới kỳ họp toàn thể của quốc hội vào cuối năm nay sẽ chính thức phê chuẩn.

Theo giới chuyên gia phân tích, nếu được thông qua thì bản hiến pháp mới sẽ chính thức thay thế bản hiến pháp năm 1976 do Đảng Cộng sản Cuba ban hành. Tuy nhiên, dù có thay đổi mang tính đột phá về chính sách kinh tế nhưng theo tờ nhật báo Granma của thì vai trò của Đảng Cộng sản Cuba vẫn sẽ rất lớn, là lực lượng hạt nhân chính trị ở quốc gia xinh đẹp bên bờ Caribbean này.

Mặt khác, theo hiến pháp mới thì vai trò của vị Chủ tịch nước cũng sẽ bị giới hạn xuống còn hai nhiệm kỳ 5 năm tại vị liên tục và chia sẻ bớt quyền lực với Thủ tướng. Ngoài ra bản hiến pháp sửa đổi lần này còn tạo ra nhiều điểm mới, phù hợp với xu hướng thời đại như cấm phân biệt giới tính, sắc tộc hay người khiếm khuyết…Thậm chí cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) cũng sẽ được chính thức thừa nhận theo luật…

Theo AFP, từ năm 2010, chính quyền Cuba đã có chủ trương cải cách thị trường hàng loạt nhằm kích thích nền kinh tế kế hoạch, tập trung bó hẹp trọng nội bộ đảo quốc. Trước đó, trong phiên họp đặc biệt của quốc hội ngày 2/6 tại thủ đô La Habana, một ủy ban chuyên trách soạn thảo những thay đổi hiến pháp đã được thành lập để đảm đương nhiệm vụ soạn thảo, đệ trình những đề xuất thay đổi hiến pháp và thảo luận trước khi đưa ra trưng cầu ý kiến người dân.

Quay trở lại vấn đề chính sách kinh tế sửa đổi theo chiều hướng cải cách, đổi mới. Giới phân tích nhìn nhận, những thay đổi từ năm 2011 đã tạo nên một sự bùng nổ kinh tế ở Cuba khi người dân rất phấn khích với hoạt động khai trương các nhà hàng và nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ khác vốn trước đây bị “ngăn sông cấm chợ”. Tuy nhiên những thay đổi ở thời điểm ấy chưa thực sự tạo nên sự cất cánh với nền kinh tế như mong muốn của các nhà lãnh đạo nước này. Chính điều đó là lý do thúc đẩy Cuba tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những cải cách mới trong hiến pháp nhằm kiến tạo thêm các điều kiện mới thuận lợi hơn cho nền kinh tế phát triển. Cho dù những thông tin cụ thể, chi tiết về những cải cách kinh tế trong bản dự thảo hiến pháp lần này không được tiết lộ nhưng giới quan sát cho rằng, chúng sẽ vẫn tiếp tục phát triển trên nền tảng những cải cách đã được cựu Chủ tịch Raul Castro đưa ra trước đó và sẽ được người kế nhiệm, Tổng thống Miguel Diaz-Canel thực hiện.

Theo Reuters, Tổng thống đương nhiệm Miguel Díaz-Canel, hồi tháng trước cũng chính thức tuyên bố, người tiền nhiệm Raul Castro cho dù về hưu nhưng vẫn đóng vai trò cố vấn cải cách.

AN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cuba-dua-kinh-te-tu-nhan-vao-hien-phap-post222710.html