Cửa thắng 'âm thầm' của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ?

Trung Quốc có cơ sở để tin rằng những áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ âm thầm thúc đẩy nền kinh tế của Bắc Kinh.

Các lãnh đạo của Trung Quốc từ lâu đã biết nền kinh tế với sự phát triển quá nóng so với thị trường thế giới, đang rất cần sự tái cân bằng, và cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể thúc đẩy quá trình tái cân bằng đó.

Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, được khởi xướng đầu năm nay bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang leo thang nhanh chóng. Chính quyền ông Trump đã áp mức thuế bổ sung 25% lên hàng hóa trị giá 50 tỷ USD từ Trung Quốc và thêm 10% thuế đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD. Trừ khi các nhà lãnh đạo của hai nước đạt được một thỏa thuận tại cuộc họp G20 vào tháng tới tại Buenos Aires, tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn. Đó là tin tốt cho Trung Quốc hơn là Mỹ.

Cho đến nay, Trung Quốc đã không cúi đầu trước áp lực của Mỹ. Bắc Kinh đã có động thái đáp trả, tuy nhiên chỉ ở mức tương xứng, nhằm tránh cho căng thẳng leo thang quá mức. Tuy nhiên, không có lý do để cho rằng chính quyền ông Trump sẽ đảo ngược quá trình áp thuế. Xét cho cùng, ông Trump tin rằng một quốc gia có thâm hụt thương mại song phương chắc chắn do bị lợi dụng bởi quốc gia đối tác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Thực tế là bất cứ khoản chi phí nào Mỹ phải gánh chịu từ thương mại với Trung Quốc đều không tương xứng với lợi ích Washingon nhận được. Nhờ nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ trả giá thấp hơn cho một loạt hàng hóa, từ giày đến đồ điện tử.

Hơn nữa, với thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, đồng nghĩa Washington đang vay mượn nhiều hơn từ các đối tác nước ngoài - đặc biệt là Trung Quốc - hơn là cho vay. Nếu không có dòng vốn của Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải đối mặt với lãi suất cao hơn, đẩy chi phí tài trợ nợ chính phủ và chi phí của các khoản thế chấp của các chủ mua nhà Mỹ.

Sự thực là, thâm hụt thương mại với Trung Quốc khiến Mỹ mất một số lượng việc làm, tuy nhiên chỉ trong phân khúclương thấp, và đã được bù trừ bởi việc làm mới xuất hiện trong các lĩnh vực khác. Câu hỏi then chốt luôn là liệu Mỹ có tái cấu trúc nền kinh tế, đảm bảo sự phân phối quốc nội đồng đều về lợi ích thương mại quốc tế.

Theo một báo cáo năm 2006 của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, cứ mỗi 500.000 công việc sản xuất mất đi trong 4 năm tiếp theo sẽ được bù đắp bởi cùng số lượng công việc dịch vụ mới. Liệu những dự báo này có thành hiện thực hay không là vấn đề khác. Câu hỏi quan trọng là - và sẽ luôn là - liệu Mỹ có thể cải tạo cơ cấu nền kinh tế và đảm bảo phân phối lợi ích từ thương mại quốc tế, một cách công bằng trong nước.

Việc tính toán lợi ích chi phí này có lẽ là lý do tại sao các cơ quan hành chính Mỹ tiếp tục vui vẻ duy trì thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng rất thoải mái với điều này, mặc dù một số nhà kinh tế Trung Quốc từ lâu đã cảnh báo rằng thặng dư thương mại với Mỹ không đem lại lợi ích lâu dài cho Trung Quốc, vì một vài lý do sau.

Trước tiên, việc thặng dư thương mại với Mỹ có thể làm gia tăng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Như nhà kinh tế học của MIT, Rudi Dornbusch chỉ ra rằng, thà người dân của các nước nghèo đầu tư vào nguồn lực trong nước để nâng cao năng suất và mức sống, thay vì mua trái phiếu Mỹ. Tuy nhiên, khi Trung Quốc bắt đầu duy trì thặng dư thương mại liên tục với Mỹ, thu nhập bình quân đầu người của Bắc Kinh chỉ nhỉnh hơn mức 400 USD.

Bên cạnh đó, dù Trung Quốc là một trong những quốc gia nhận lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu thế giới, quốc gia này đã thất bại trong việc chuyển toàn bộ số vốn này vào thâm hụt tài khoản vãng lai nhằm tài trợ các khoản tiêu dùng hoặc đầu tư trong nước, vốn đang gia tăng. Thay vào đó, Trung Quốc đã rơi vào một vị trí bất hợp lý: Dù tích lũy được khoảng 2 nghìn tỷ USD tài sản nước ngoài ròng, nước này vẫn thâm hụt trong cán cân thu nhập – đầu tư trong vòng hơn 10 năm.

Tóm lại, Trung Quốc đã có tốc độ phát triển nóng hơn thị trường thế giới, do đó sự tái cân bằng là rất cần thiết. Mặc dù Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể trong vấn đề này kể từ năm 2008, tỷ lệ thương mại/GDP (37%) và tỷ lệ xuất khẩu/GDP (18%) vẫn cao hơn đáng kể so với Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác.

Cũng cần phải đề cập rằng, dù sao, việc giảm tài khoản vãng lai nhanh chóng của Trung Quốc cũng là một thách thức với nước này. Dù Trung Quốc phải giảm thặng dư thương mại với Mỹ, nước này cũng phải giảm thâm hụt thương mại với các nền kinh tế Đông Á. Tác động của việc tái cân bằng này lên kinh tế toàn cầu có thể khá nghiêm trọng.

Trung Quốc cần ngừng tích trữ dự trữ ngoại hối. Nếu nhằm tích lũy tài sản nước ngoài thì cũng cần là loại có lợi suất hơn là Trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong bất kỳ trường hợp nào, Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực để giảm giá nợ nước ngoài đắt đỏ. Cuối cùng, Bắc Kinh cũng phải cân bằng nhập khẩu và xuất khẩu, đồng thời cân bằng sân chơi cho các tập đoàn nước ngoài hoạt động trong thị trường bằng cách loại bỏ các ưu đãi cho chính quyền địa phương để cạnh tranh FDI.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Trung Quốc chắc chắn sẽ nỗ lực lớn hơn trong đổi mới và sáng tạo bản địa để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, điều chưa bao giờ dễ dàng đạt được và sẽ ngày càng khó bảo đảm.

Những mục tiêu này không phải là mới đối với chính quyền Trung Quốc. Nhưng, nhờ chiến tranh thương mại với Mỹ do ông Trump khởi xướng, các nhà hoạch định chính sách đang theo đuổi những mục tiêu này khẩn trương hơn. Trong bối cảnh đó, cuộc chiến thương mại có thể kết thúc là một “phước lành trong vỏ bọc ngụy trang” dành cho Trung Quốc.

Năm 2005, khi chính phủ Mỹ gây áp lực cho Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ, Phillip Swagel, cựu thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống George W. Bush đã viết: “Nếu đồng nội tệ của Trung Quốc bị định giá thấp 27%, người tiêu dùng Mỹ đã nhận được giảm giá 27% cho tất cả mọi thứ được thực hiện tại Trung Quốc, trong khi người Trung Quốc đã trả 27% quá nhiều cho trái phiếu kho bạc. ”

Nhưng, như ông Swagel thừa nhận, có lẽ đó là vấn đề. Sự thúc đẩy của Mỹ cho Trung Quốc để cho đồng Nhân dân tệ tăng giá là "một nỗ lực đáng sợ" để duy trì "lợi ích to lớn" mà Mỹ có được, từ chi phí Trung Quốc phải chịu và từ tỷ giá hối đoái cố định. Ngay cả nếu đây là một tai nạn, kết quả cuối cùng là "một chiến lược tuyệt vời để giữ cho thời điểm thuận lợi (với nước Mỹ) được duy trì”.

Với ông Trump, thời điểm tốt đẹp đó sắp kết thúc. Ông Trump tuyên bố rằng Mỹ đã thua trong "cuộc chiến thương mại" với Trung Quốc "trong nhiều năm trước bởi những kẻ ngu ngốc, hoặc không đủ năng lực, những người đại diện cho nước Mỹ."

Bài viết là quan điểm của Yu Yongding, cựu Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Thế giới Trung Quốc và là Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, từng công tác trong Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) từ năm 2004 đến 2006. Ông cũng là thành viên của Ủy ban Tư vấn Kế hoạch Quốc gia, thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc.

Tú Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cua-thang-am-tham-cua-trung-quoc-trong-chien-tranh-thuong-mai-voi-my-328926.html