Cưa sừng, hứng máu: Nghề hiếm, kiếm bộn tiền ở Hà Tĩnh
Cứ mỗi dịp sau Tết, khắp các vùng quê Hương Sơn, người dân tưng bừng thu hoạch lộc nhung. Cùng với đó là dịch vụ cắt nhung thuê ra đời, kiếm bội tiền mỗi khi mùa cắt lộc nhung đến.
Anh Trần Quốc Hương, một người cắt nhung thuê ở xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, giá cắt thuê mỗi cặp nhung dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng.
“Nếu mỗi ngày đội cắt nhung được 5 cặp thì cũng cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với những ngành lao động chân tay khác ở vùng này rồi”, anh Hương cho hay.
Theo anh Hương, hầu hết các xã đều có đội cắt nhung hươu thuê. Những xã có lượng đàn hươu nhiều như Quang Diệm, Sơn Giang, Sơn Châu, Sơn Kim 2,... có khi lên tới 2-3 đội.
Đội quân này thường thì 3 người, cũng có đội lên tới 5 người. Các thành viên của đội phải đạt yêu cầu về sức khỏe, nhanh nhẹn... Đặc biệt, phải có kỹ năng giữ hươu, vật hươu ngã xuống để cắt nhằm tránh cho hươu không bị thương, nhung hươu không bị gãy trong quá trình cắt; biết cách lấy một lượng huyết phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho hươu.
Đồ nghề của đội cắt nhung rất đơn giản, gồm: một sợi dây dù được buộc thắt nút thòng lọng để giật và giữ chân phía sau của hươu, một lưỡi cưa (thường là lưỡi thép loại nhỏ), một miếng ván có đóng vòng thép để giữ cho đầu hươu cố định trong quá trình cắt, một cây sào nứa hoặc nhành cây để đưa dây thòng lọng vào chuồng cho hươu giẫm vào.
Với đội quân “chuyên nghiệp” này, thời gian để cắt một cặp nhung cho một con hươu chừng 15 phút. Hươu sau khi cắt xong nhung sẽ được người cắt buộc lại cẩn thận để cầm máu. Trước khi buộc, người cắt sẽ bôi tro (tro thường được đốt bằng rơm, lá chuối hay lá hoàng xà... ) lên phần bị cắt xong rồi dùng lá chuối và dây bện lại từ rơm buộc vào.
Ông Nguyễn Xuân Đoài, xã Kim Hoa, nuôi tới 8 con hươu lấy lộc. Trước đây, mỗi lần cắt nhung, nhà ông phải mượn người dân trong xóm. Tuy nhiên, việc mượn người cũng khó do họ bận đi làm, trong khi khách đã hẹn theo giờ lấy lộc, quá trình cắt người này chờ người kia rất lâu.
Giờ đây có dịch vụ cắt nhung thuê này ông Đoài thấy rất tiện, chỉ cần hẹn trước là có đội đến cắt ngay, giá cả cũng hợp lý.
“Mỗi ngày đội của tôi thường cắt từ 5 đến 7 cặp, vào chính vụ sẽ nhiều hơn. Chúng tôi thường cắt ở các xã thuộc vùng hạ Hương Sơn”, anh Phạm Đồng, một người làm dịch vụ cắt nhung hươu ở xã Tân Mỹ Hà, chia sẻ.
Anh Đồng cũng cho biết, trong quá trình cắt, gặp cặp nhung đã đến “tuổi” phải cắt nhưng chủ nhà chưa có khách mua, nếu giá hợp lý thì đội cắt nhung sẽ mua sau đó bán lại cho những người có nhu cầu.
Anh Trần Văn Hà, vừa thu mua nhung, vừa làm dịch vụ cắt nhung thuê ở xã Sơn Lĩnh, kể rằng: Đội cắt nhung của anh gồm 3 người, trung bình mỗi ngày cắt 8-10 cặp. Tính ra mỗi ngày các thành viên thu nhập từ 600.000-800.000 đồng/người.
‘Nghề này vui vì sau khi cắt nhung xong thì luôn được chủ nhà thết đãi, thường là rượu huyết với lạc rang, trứng vịt lộn. Có gia đình còn làm cả thịt gà để đãi khách mua nhung và người cắt. Gặp chủ nhà hào phóng, gặp khách mua nhung dễ tính, lại mua được cặp nhung ưng ý thì đội cắt nhung có khi còn được cho thêm”, anh Hà hóm hỉnh.
Mỗi kg nhung hươu có giá dao động từ 10-12 triệu đồng (ảnh Đậu Bình).
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn, tổng đàn hươu ở huyện này có trên 38.000 con, trong đó số hươu cho lộc nhung khoảng 10.000 con; mỗi năm người dân toàn huyện thu hoạch số lượng nhung ước tính trên 17 tấn. Tổng giá trị thu nhập từ hươu khoảng 250 tỷ đồng.
Hươu sao là vật nuôi chủ lực của người dân ở huyện Hương Sơn. Trước đây, nhung hươu thường xay nhỏ, hoặc sấy khô tán bột để nấu cháo hoặc thái nhỏ ngâm rượu.
Nay người dân Hương Sơn đã chế biến ra nhiều sản phẩm từ nhung hươu mang tính tinh chế và tiện lợi hơn, như nhung hươu bột ở dạng hòa tan, cao nhung hươu, cao đế hươu,... Nhiều sản phẩm trong đó đã có thương hiệu và được đăng ký OCOP.
Theo Đông y, nhung hươu có tác dụng là bồi dưỡng sức khỏe, tăng sức đề kháng, đặc biệt tốt với người già, người mới ốm dậy, người có thể trạng yếu, trẻ em coi cọc và phụ nữ sau sinh.
Ông Phan Xuân Đức - Phó Phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn - cho hay, trong vài năm tới, số lượng đàn hươu sẽ tăng lên rất nhiêu; đồng thời sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới được chế biến từ nhung hươu.