Cửa sông Cu Đê bị vùi lấp nghiêm trọng

Cửa sông Cu Đê nằm giữa ranh giới hai phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), phần phía Hòa Hiệp Nam thuộc địa phận Nam Ô, phần phía Hòa Hiệp Bắc thuộc địa phận Thủy Tú.

Cửa sông Cu Đê nằm giữa ranh giới hai phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), phần phía Hòa Hiệp Nam thuộc địa phận Nam Ô, phần phía Hòa Hiệp Bắc thuộc địa phận Thủy Tú. Mấy năm qua, cứ sau mỗi mùa mưa bão, cửa sông lại bị cát biển bồi lấp nặng bởi một cồn cát khổng lồ, gần như chắn toàn bộ cửa sông. Phần phía Hòa Hiệp Nam cửa sông cách xa khu dân cư, nhưng phần phía Hòa Hiệp Bắc sát ngay khu dân cư xóm Cầu, Thủy Tú, nơi có hơn 200 hộ dân đang sinh sống. Hầu hết người dân đều làm nghề biển và đánh bắt hải sản khu vực cửa sông Cu Đê, nên tình trạng cửa sông bị bồi lấp gây khó khăn cho việc làm ăn, nhất là việc đi lại, neo đậu tàu thuyền mỗi khi từ sông ra biển và ngược lại. Hơn thế, vào mùa mưa bão, cửa sông bị vùi lấp khiến nước sông dâng đột ngột, gây nguy hiểm cho các hộ dân sinh sống gần cửa sông...

Cửa sông Cu Đê bị vùi lấp nghiêm trọng ngay đầu mùa nắng năm 2019.

Cửa sông Cu Đê bị vùi lấp nghiêm trọng ngay đầu mùa nắng năm 2019.

Lão ngư Võ Mỹ, trú tổ 28, xóm Cầu, Hòa Hiệp Bắc vừa gỡ mẻ lưới lơ thơ vài con cá con tôm, vừa trò chuyện: cửa sông Cu Đê bây giờ gần như bị bịt kín, chỉ còn một lạch nhỏ vừa đủ một chiếc thuyền bé xíu qua lại, còn thuyền lớn muốn ra khơi đánh bắt đành chịu. Ông Mỹ bảo, thuyền lớn muốn ra biển đánh bắt phải chờ nước thủy triều lên, nhưng lúc đó đã muộn, ra khơi đánh bắt rồi, nước xuống cũng chẳng vào cửa sông neo đậu được, thôi đành đánh bắt quanh quẩn trong cửa sông này. Bị bồi lấp, cá tôm từ biển ra vào cửa sông bây giờ cũng ít lắm. Mấy năm trước, thả lưới một đêm thu được từ 300 đến 400 nghìn đồng, bây giờ hôm nào may lắm mới được chừng 200 nghìn đồng. Hàng chục hộ dân xóm Cầu sống nhờ vào cửa sông, cửa biển này nhưng bây giờ thu nhập bấp bênh, đời sống cũng khó khăn thêm nhiều...

Được biết, thực ra từ năm 2017, ngành văn hóa- du lịch đã đưa ý tưởng về một đề án cho nạo vét cửa sông Cu Đê để tạo thông thoáng luồng lạch, hình thành tuyến du lịch trên sông, góp phần vào phát triển KT-XH thành phố và địa phương đã được đưa ra bàn tại một số hội thảo, hội nghị cấp thành phố và địa phương nhưng kết quả chưa đi đến đâu. Tình trạng cát bồi lấp cửa sông Cu Đê lại xảy ra theo mùa. Mùa khô, cửa sông bị bồi lấp dữ dội, gần như lấp hẳn với hàng trăm nghìn mét khối cát. Mùa mưa, do lượng nước sông Cu Đê chảy về mạnh nên tình trạng bồi lấp cũng giảm hẳn. Có ý kiến cho rằng nếu nạo vét cửa sông Cu Đê sẽ tạo nên tình trạng biển xâm thực, gây sạt lở bờ biển khu vực Thủy Tú, ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu đường sắt, đường bộ, Thủy Tú- Nam Ô.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, thành phố đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống kè bờ biển từ Thủy Tú lên tận Kim Liên, sát chân đèo Hải Vân nên việc nạo vét cửa sông Cu Đê là hoàn toàn có thể. Bởi lẽ, nếu làm được như vậy, sẽ khơi thông luồng lạch sông Cu Đê ra biển, tạo được một tuyến du lịch đường sông, từ biển ngược thượng nguồn sông Cu Đê, đầy tiềm năng và vô cùng hấp dẫn du khách. Tuyến đường sông này sẽ tạo điều kiện, góp phần cho sự phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Bắc Liên Chiểu, Hòa Vang, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con ngư dân nghèo ở khu vực Thủy Tú, Nam Ô. Bà con ở xóm Cầu rất đồng tình với những ý kiến trên.

Tuy vậy, dù thế nào cũng cần phải được cơ quan chức năng chuyên ngành nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường khu vực và những lợi ích khi cửa sông Cu Đê được nạo vét. Được biết, mới đây, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa TP Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện trên 8 tuyến đường sông phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, tuyến sông Cu Đê - Trường Định nghiên cứu kêu gọi đầu tư xây dựng cầu tàu, nhà chờ...; phát triển các điểm tham quan như Miếu Bà, Bến Hầm Vàng, Đình làng Thủy Tú, Cồn Dâu... Thời gian thực hiện bắt đầu từ quý II-2019, hoàn thành trong năm 2020. Việc mở tuyến du lịch đường thủy, trong đó có tuyến trên sông Cu Đê nhằm mục tiêu đầu tư hình thành dịch vụ, điểm đến trên tuyến du lịch thủy nội địa, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của Đà Nẵng, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố Đà Nẵng. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa lịch sử phục vụ du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, giảm thiểu tác động của thiên tai, bão lũ... Với đề án này, việc nạo vét cửa sông Cu Đê có lẽ là vấn đề nên nghiên cứu, tiến hành đầu tiên.

Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_205104_cua-song-cu-de-bi-vui-lap-nghiem-trong.aspx