Của ngon đem xuất khẩu: Bình thường, lời nhiều thì làm

Đại diện của các doanh nghiệp cho rằng không có nghịch lý gì trên thị trường Việt Nam giữa vấn đề xuất khẩu và thị trường nội địa.

Một thực tế được báo chí đăng tải trong thời gian qua, đó là trong khi trái cây Việt xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản... thu về hàng tỷ USD thì ở thị trường nội địa, người Việt khó mua được quả ngon để ăn.

Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định, thực tế trên không có gì là nghịch lý, trái lại, đó là điều hết sức bình thường bởi câu chuyện đơn giản là vấn đề lợi nhuận.

"Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, hễ có lời là làm. Lời nhiều thì ưu tiên nhiều, lời ít thì ưu tiên ít.

Doanh nghiệp rất tinh, nơi nào giá tốt thì họ tập trung bán trước. Trong trường hợp xuất khẩu được giá hơn, đương nhiên doanh nghiệp ưu tiên cho xuất khẩu hơn thị trường nội địa.

Như vậy, không có chuyện doanh nghiệp phân biệt xuất khẩu với trong nước hay bỏ quên thị trường nội địa, trừ khi họ không biết. Ví dụ, doanh nghiệp có thể không biết có nguồn trong nước mua giá tốt, hoặc có những trường hợp đã ký hợp đồng với nước ngoài và để giữ uy tín thì dù trong nước có trả giá cao hơn, doanh nghiệp cũng không bán để giữ khách hàng nước ngoài.

Tóm lại, vấn đề này phải đặt trong tình huống cụ thể, còn về tổng thể, như đã nói, thị trường nào trả giá tốt thì làm, không phân biệt nội địa hay xuất khẩu", ông Đinh Văn Hương chỉ rõ.

Thị trường nào mang lại nhiều lợi nhuận thì doanh nghiệp ưu tiên trước. Ảnh minh họa

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Vinh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm về những thông tin được cho là "không bình thường" trên thị trường cà phê, đó là những loại cà phê ngon nhất, đạt chất lượng nhất, đều được các doanh nghiệp đem xuất khẩu dưới dạng thô, không thương hiệu, còn trong nước, đa phần người dân hàng ngày vẫn uống cà phê trộn phụ gia, hương liệu...

Theo đó, ông Vinh khẳng định, các thành viên của Hiệp hội vẫn đang hướng đến hai mục tiêu: Thứ nhất, giữ vững vị trí quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Việc xuất khẩu này phải đáp ứng yêu cầu của các nước về chất lượng cà phê nhân, có như vậy mới có được giá tốt.

Thứ hai, tập trung vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng và tiêu dùng trong nước. Hiện cà phê hòa tan của Việt Nam nổi tiếng thế giới, lượng tiêu dùng trong nước cũng đã tăng. Tính trên toàn quốc, theo ông Vinh, có hơn 26.000 quán cà phê. Hiện nay, lượng tiêu thụ cà phê hòa tan trong nước tăng trưởng 7-8% và có thể tăng lên 10%, thậm chí cao hơn nữa.

"Hiệp hội khuyến khích các nhà sản xuất cà phê rang xay, chế biến cũng phải làm cà phê chất lượng cao phục vụ trong nước, phải có biện pháp ngăn chặn cà phê làm gia công.

Báo chí cứ nói cà phê bẩn, vậy thế nào là cà phê bẩn? Tới đây phải có bộ tiêu chuẩn quốc gia về cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Vấn đề này Bộ Nông nghiệp và các bộ ngành khác có liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đang triển khai xây dựng tiêu chuẩn, trên cơ sở kiểm tra giám sát", ông Nguyễn Viết Vinh thông tin.

Từ đây, ông khẳng định những thông tin nói về nghịch lý thị trường cà phê Việt Nam là cách nói đã rất cũ, không đúng định hướng phát triển của ngành cà phê.

"Các doanh nghiệp cà phê đang và sẽ tập trung vào chế biến sâu để phục vụ cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, nâng cao chất lượng cà phê cả trong nước và xuất khẩu", Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nói.

Ông Nguyễn Viết Vinh cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cà phê không thờ ơ với thị trường trong nước. Hàng năm, Hiệp hội vẫn tổ chức ngày cà phê Việt Nam, tổ chức lễ hội, làm triển lãm, mời doanh nghiệp nước ngoài vào giới thiệu, quảng bá cà phê Việt Nam, tăng tiêu dùng trong nước.

"Tóm lại, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh chất lượng cà phê. Muốn nâng cao chất lượng thì đưa ra các tiêu chuẩn, định hướng cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê rang xay, chế biến, tăng tỷ trọng hàng chế biến để tăng giá trị gia tăng.

Hiện kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt khoảng 3,5 tỷ USD và phấn đấu đến năm 2030 sẽ tăng lên 6 tỷ USD, trong đó đẩy mạnh chế biến sâu", ông Vinh cho biết.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/cua-ngon-dem-xuat-khau-binh-thuong-loi-nhieu-thi-lam-3368558/