Cửa nào cho doanh nghiệp nội thất Việt khi IKEA, Muji đổ bộ?

Doanh nghiệp nội thất Việt đang đứng trước những cơ hội, thách thức đan xen trước làn sóng đổ bộ của những tập đoàn bán lẻ đồ nội thất danh tiếng thế giới như IKEA hay Muji.

IKEA là một “người khổng lồ” ở thị trường nội thất thế giới, tính đến tháng 10/2018, tập đoàn bán lẻ của Thụy Điển này đã mở được 424 cửa hàng ở 52 quốc gia. Doanh thu năm tài chính 2018 đạt 38,8 tỷ Euro. Website của IKEA có tới 12.000 sản phẩm, thu hút khoảng 2 tỷ người truy cập trung bình mỗi năm.

Đế chế của IKEA được tạo nên bởi 3 lý do: Nghiên cứu rất kỹ những thị trường mới trước khi quyết định đầu tư, luôn cố gắng tối ưu hóa giá thành và liên tục cải tiến sản phẩm để khách hàng có thể tự lắp ráp được – đây cũng chính là điều tạo nên sự khác biệt của IKEA so với các doanh nghiệp cũng lĩnh vực.

Tại hội nghị Tổng kết ngành công thương tổ chức ngày 17/1 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, IKEA đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm bán lẻ - kho hàng ở Hà Nội với tổng mức đầu tư khoảng 450 triệu Euro. Hệ thống này của IKEA sẽ trở thành một trung tâm cung ứng đồ nội thất, thiết kế cho toàn thị trường Đông Nam Á.

Thông tin IKEA đổ bộ Việt Nam với một dự án quy mô lớn như vậy đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới kinh doanh nội thất ở Việt Nam, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại nhất những doanh nghiệp có sản phẩm ở phân khúc của IKEA.

Tuy nhiên, trao đổi với TheLEADER, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) lại cho rằng, sự có mặt của IKEA tại Việt Nam xét ở nhiều khía cạnh lại có tác động tích cực với ngành gỗ nội thất hơn là tiêu cực.

KTS Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA

KTS Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA

Thông tin về những tập đoàn bán lẻ đồ nội thất nổi tiếng thế giới như IKEA hay Muji vào Việt Nam có khiến ông có cảm thấy lo lắng cho các doanh nghiệp nội thất trong nước?

Ông Nguyễn Chánh Phương: Tôi là người lạc quan nên thấy vui hơn là lo. Việc IKEA đến Việt Nam đang chứng minh cho câu “nước lên thì thuyền lên” - ngành gỗ nội thất Việt Nam là nước, còn IKEA chính là thuyền. Thế nên, IKEA cũng là thuyền thôi, cái quan trọng nhất vẫn là nước, không có nước thì thuyền không nổi được, ngược lại – không có thuyền này sẽ có thuyền khác.

Quyết định đầu tư một dự án lớn như vậy rõ ràng IKEA đánh giá rất cao về thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc họ có chiếm lĩnh được thị phần hay không thì chưa thể dự đoán được nhưng chắc chắn họ không thể nào khai thác được hết 100%.

Vậy theo ông, IKEA vào sẽ giúp gì cho thị trường nói chung và các doanh nghiệp Việt kinh doanh nội thất?

Ông Nguyễn Chánh Phương: Các sản phẩm của IKEA thường dành cho số đông nên khi IKEA vào nó sẽ thúc đẩy thị trường này, điều đó rất tích cực.

Ở thị trường bán lẻ nội thất Việt Nam, thương hiệu đi theo kênh kinh doanh hiện đại (modern trade) đầu tiên phải kể đến Nhà Xinh và sau đó là Phố Xinh, tiếp theo nữa là một loạt thương hiệu nhập khẩu, trong đó người Thái là mạnh nhất. Có một thời gian, phong trào modern trade của cả doanh nghiệp Việt và nhập khẩu rất sôi nổi, bây giờ mới đến IKEA.

Cách đây vài năm, tôi có nghe thông tin là IKEA sẽ chỉ đến những thị trường khi thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000USD/người. Con số này ở Việt Nam hiện nay mới chỉ vào khoảng 2.600 - 2.700USD gì đó, mà IKEA đã đến thì có vẻ hơi sớm. Tuy nhiên, tôi nghĩ họ đến sớm hơn cũng có cái lý của họ.

Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, trong đó TP. HCM khoảng 12 triệu người, Hà Nội khoảng hơn 8 triệu. Trong 20 triệu dân ở 2 thành phố lớn này, tôi nghĩ sẽ có từ 5 - 10% những người có thu nhập khoảng 5.000 USD/tháng, con số này là đủ thị trường cho IKEA hoạt động.

Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ không dễ dàng cho IKEA vì hiện tại cũng có nhiều doanh nghiệp Việt có sản phẩm ở phân khúc tầm trung như IKEA, họ đang làm rất tốt.

Vậy ông đánh giá thế nào về tương quan giữa IKEA và những doanh nghiệp Việt có sản phẩm ở cùng phân khúc?

Ông Nguyễn Chánh Phương: Với ngành đồ gỗ nội thất, thương hiệu được hình thành bởi 3 yếu tố: Chất lượng, thiết kế và quy mô dịch vụ sản phẩm.

Với những sản phẩm như của IKEA, nhiều đơn vị ở Việt Nam đã làm được và đạt chất lượng thậm chí còn cao hơn IKEA (chất liệu tốt hơn và đường nét sắc sảo hơn). Còn riêng về thẩm mỹ, tôi nghĩ có những doanh nghiệp Việt đầu tư ở những phân khúc khác, thậm chí làm ra sản phẩm còn tinh tế hơn IKEA.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, doanh nghiệp Việt thua IKEA về quy mô dịch vụ sản phẩm. IKEA có khách hàng và những cửa hàng rất lớn trên toàn cầu, chuỗi sản phẩm hết sức đa dạng và có tất cả dịch vụ từ thiết kế cho đến bán hàng. Một người muốn sắm nội thất cho ngôi nhà của mình vào IKEA là gần như sẽ có đủ.

IKEA vào Việt Nam chỉ là chuyện sớm muộn, họ sẽ vào và mình không thể nào chống lại được việc đó. Doanh nghiệp Việt cũng cần cởi mở trong việc này, không nên chống lại IKEA. Việc IKEA gây thuận lợi hay trở ngại còn tùy thuộc vào bản thân các doanh nghiệp. Biết đâu, IKEA sẽ tạo nên trào lưu mua sắm đồ nội thất mạnh hơn nữa tại Việt Nam và điều này sẽ kích thích những đơn vị cung cấp đồ nội thất trong phân khúc của IKEA phát triển dữ dội.

Ví dụ: cách đây 10 năm, ai cũng nói làm đồ gỗ phải sử dụng gỗ tự nhiên, thậm chí phải là gỗ nhiệt đới như cẩm lai, lim, xoan đào... những loại gỗ đó hiện nay đâu còn nhiều nữa nhưng các doanh nghiệp vẫn phát triển tốt, thị trường cũng đang hài lòng với những đồ gỗ nội thất làm từ gỗ nhập khẩu, thậm chí cả ván công nghiệp. Những vật liệu này, trước đây người ta chê nhưng bây giờ đã được chấp nhận. Do đó, khách hàng sẽ mua đồ của IKEA và cũng sẽ mua đồ của các doanh nghiệp Việt khác.

Hiện tại, HAWA đang tìm một số chương trình để nghiên cứu xem tác động của IKEA lên các nước lân cận của mình như thế nào. Tôi hỏi một số thương hiệu nội thất mạnh ở Hàn Quốc họ rất lạc quan bởi họ đã tìm ra được những cách có thể chung sống tốt với IKEA trong thị trường nội địa. Các doanh nghiệp Malaysia thì có bi quan hơn một chút. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ, vì sao các doanh nghiệp Hàn Quốc hay các nước khác thành công khi chung sống với IKEA.

Đâu là những thách thức của IKEA khi vào thị trường Việt Nam?

Ông Nguyễn Chánh Phương: Khi vào Việt Nam, IKEA sẽ đối diện với những thách thức như ở nhiều nước châu Á khác.

Một trong những thứ đặc trưng tạo nên thương hiệu IKEA là họ có rất nhiều đồ nội thất để khách hàng tự lắp, tuy nhiên điều này chưa hẳn đã phù hợp với một bộ phận người Việt nhất là những người có tiền bởi họ không muốn phải tự lắp ráp đồ hoặc không có kỹ năng làm việc này.

Ở khía cạnh khác, các kho hàng của IKEA thường rất lớn, để có diện tích lớn như vậy ở các đô thị như Hà Nội hay TP. HCM hiện nay thì chỉ có thể xây dựng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm.

Những đại siêu thị nội thất ở xa khu vực trung tâm muốn phát triển tốt theo tôi cần phải có thời gian. Thực tế cũng cho thấy, chưa nhiều cửa hàng nội thất ở ngoại thành thành công.

Tuy nhiên, với tiềm lực và danh tiếng của mình, một khi đã quyết định xâm nhập thị trường Việt Nam, tôi nghĩ rằng IKEA chắc đã có giải pháp vì họ cũng đã thành công ở Trung Quốc và nhiều nước khác.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cua-nao-cho-doanh-nghiep-noi-that-viet-khi-ikea-muji-do-bo-1551933854786.htm