Cửa khẩu Móng Cái đìu hiu tháng giáp Tết

Những năm gần đây, Trung Quốc thực hiện cấm biên khiến hoạt động buôn bán tại các cửa khẩu của TP. Móng Cái (Quảng Ninh) gần như đóng băng, đẩy các doanh nghiệp làm dịch vụ xuất - nhập khẩu lâm vào cảnh khó khăn, tác động trực tiếp tới hàng vạn lao động vùng biên.

Chợ trung tâm Móng Cái khá đìu hiu những ngày giáp Tết.

Đường phố thưa thớt, chợ buôn bán ế ẩm

Trái ngược với những gì chúng tôi tưởng tượng và hình dung về TP.Móng Cái xa hoa, đông đúc và nhộn nhịp, tại cửa khẩu Ka Long, đường phố, nhà cửa thênh thang nhưng thưa thớt người, xe, nhiều công trình xây dựng lớn đang dang dở, có dấu hiệu bỏ hoang. Dòng sông Ka Long xưa nay vốn nhộn nhịp tàu, bè trở nên ìm lìm với một dãy thuyền sắt gỉ sét nằm phơi bụng. Cách đó không xa là chợ trung tâm Móng Cái cũng lâm vào tình trạng tương tự, bãi xe trống trơn, nhiều ki-ốt bán hàng tại khu chợ 3 đã dừng hoạt động. Nhìn xung quanh, những người bán hàng vẫn tỏ ra nhàn hạ, một số người còn tụ tập đánh bài “giết” thời gian.

Chợ Vinh Cơ, dân buôn bán thường gọi là chợ “điện tử của người Tàu” là khu chợ lớn nhất và gần như chỉ chuyên buôn các dòng điện thoại, đồ điện tử... Khu chợ này được thiết kế hai tầng, kéo dài 200m trên mặt tiền đại lộ Hòa Bình, ngay trước Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Được biết, chủ đầu tư của trung tâm này là người Trung Quốc, sang Việt Nam thuê đất và xây dựng để kinh doanh mặt bằng. Tiểu thương phần lớn là người Trung Quốc, sang Việt Nam để buôn bán, các sản phẩm được bày bán đều được đưa từ Trung Quốc sang. Tuy nhiên, hoạt động của khu chợ thương mại cũng không được “khấm khá” cho lắm, ki-ốt bán hàng cái mở cái đóng, mấy cô chủ ngồi sau quầy hàng, người thảnh thơi thêu tranh, người chăm chú lướt web.

Trao đổi với phóng viên, anh Cường, quê Nghệ An, chủ khách sạn Quảng An, cho biết: “Tôi kinh doanh ở cửa khẩu này 10 năm rồi, nhưng 2 năm nay khổ lắm chú ơi. Trung Quốc cấm biên, phía ta thắt chặt quản lý lữ hành, nên khó càng khó hơn. Cách đây 8 năm, khi 2 bên còn “thông thương”, khách sạn lúc nào cũng trong tình trạng “cháy phòng”. Tuy nhiên, 2 năm nay, lượng khách thuê phòng chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Để minh chứng cho điều này, anh Cường chỉ tay về phía khu chợ Vinh Cơ và nói: Ngày trước mặt tiền đại lộ Hòa Bình này nườm nượp người đi. Chợ Vinh Cơ lúc nào cũng nhộn nhịp buôn bán, các tiểu thương người Trung Quốc thường dọn hàng lúc trời tối mịt. Tuy nhiên, những năm gần đây, các tiểu thương người Trung Quốc thường dọn hàng ra về lúc giữa trưa; đa số người còn bám trụ bán hàng lúc chiều muộn là người Việt Nam.

“So với vài năm trước thì 2 năm nay làm ăn chán hơn rất nhiều. Mọi năm tầm này là quần áo, giày dép bày tràn cả ra đường rồi. Tết nhất đến nơi mà buôn bán ế ẩm quá chú ạ”, anh Minh làm nghề vận tải cho chợ trung tâm Móng Cái cho hay.

Cửa khẩu Bắc Phong Sinh vắng bóng xe chở heo

Mặc dù nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc rất lớn và giá bán tại nước này khá cao, tuy nhiên, từ trước đến nay, xuất khẩu lợn qua đường chính ngạch chiếm một phần rất nhỏ trong tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi lợn được xuất khẩu, trong khi xuất khẩu lợn thịt sống qua đường tiểu ngạch lớn hơn gấp nhiều lần.

Theo như lời giới thiệu của nhiều thương lái thì Cửa khẩu Bắc Phong Sinh trước đây được ví là “thiên đường”của hoạt động xuất khẩu lợn cho nước bạn Trung Quốc. Chính vì vậy, để được chứng kiến tận mắt cảnh tấp nập của hoạt động buôn bán heo giữa hai nước, phóng viên lặn lội tìm đến Cửa khẩu Bắc Phong Sinh và thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, nơi tiếp giáp với thôn Thán Sản, Phòng Thành (Trung Quốc).

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh không có những hình ảnh đoàn xe chở heo tấp nập nối đuôi nhau sang Trung Quốc như những lời giới thiệu mà chúng tôi được nghe và mường tượng. Bên ngoài cửa khẩu, lác đác vài chiếc xe container nằm im lìm, hàng chục lao động ngồi quán nước vỉa hè túm năm tụm bảy tán gẫu, khung cảnh trông khá ảm đạm.

Tại Pò Hèn (nơi thương lái các nơi đổ về tập kết heo để xuất sang biên giới qua đường tiểu ngạch, cách cửa khẩu Bắc Phong Sinh 6km), chỉ duy nhất có 1 xe chở heo, nằm chờ không biết đến bao giờ có thể sang bên kia biên giới. Nơi đây, quá khứ sôi động cho việc buôn bán heo đã chỉ còn là kỷ niệm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Riểng, thương lái có thâm niên buôn heo sang Trung Quốc, cho hay: “Suốt thời gian qua, gia đình đã chuyển từ xuất heo đi nước bạn chuyển sang thu mua và phục vụ cho lò mổ, việc xuất đi bây giờ quá khó khăn, phần vì số lượng thấp, giá cả khắt khe, dịch bệnh và hoàn toàn có thể bị tịch thu bắt giữ tại bên kia biên giới. Hiệu quả không có nên gia đình hoàn toàn tập trung cho lò mổ và thị trường nội địa”.

Ông Riểng cho rằng: “Heo được tiêu thụ chủ yếu trong nội địa, tại các lò mổ, vì vậy, khả năng rất cao giá heo trong thời gian tới sẽ không có nhiều biến động và biên độ giá vẫn nằm ở mức 31.000 - 35.000 đồng/kg, hoặc nếu có dao động thì không đáng kể”.

Theo anh Thắng, lao động tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, thời điểm cách đây 2 năm, nơi này nhộn nhịp lắm, thương lái đưa heo về đây tập kết khá nhiều, công việc làm không xuể. Nhưng từ khi bên kia (Trung Quốc) cấm biên, lượng người, lượng hàng cứ thế thưa dần...

Thực tế èo uột đã cho chúng tôi cái nhìn không mấy hài lòng về chuyến đi của mình, nhưng dù sao lời giải cho bài toán phát triển bền vững chăn nuôi heo cũng đã rõ, đó là, các bộ ngành, địa phương cần bàn bạc với Trung Quốc để có thể xuất khẩu chính ngạch.

Thanh Xuân

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/cua-khau-mong-cai-diu-hiu-thang-giap-tet-post6326.html