Cua Kềnh vượt vũ môn

Nhà văn Phạm Thanh Quang (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng Nai) vừa cho ra mắt bạn đọc nhí cuốn truyện đồng thoại hấp dẫn Cua Kềnh vượt vũ môn do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành (ảnh).

Câu chuyện xoay quanh 2 cuộc thi bơi thu hút tất cả sinh vật dưới hồ tham gia: họ nhà cua hùng hậu với Cua Cụ, Cua Kềnh, Cua Choai; họ nhà cá với Chép Choai, Chép Vàng, Chép Đỏ, Săn Sắt, Lóc Choai, Kìm… Cuộc đọ sức còn kéo theo Rùa Vàng, Tôm Hùm, Tôm Đất, Ốc Bươu, Lươn Choai, Sứa, Cóc, Ễnh Ương…

Cuộc thi bơi nhanh, Lóc Choai về nhất nhờ tập luyện kiên trì, khôn ngoan, biết tận dụng thế mạnh của loài cá. Cua Kềnh về nhì nhưng vẫn hậm hực, không thừa nhận mình… thua.

Cuộc thi thứ 2 hóc búa hơn: bơi vượt chướng ngại vật. Cua Kềnh nhờ có sức khỏe và sự nỗ lực phi thường đã về nhất, tạo ra cơn chấn động dưới lòng hồ, lần đầu tiên, loài cua bị cho là “bò ngang” đã thắng loài cá vốn có sở trường bơi lội. Sau cuộc thi, cá, cua bày trò hãm hại nhau để trả đũa. Nhờ sự can thiệp kịp thời, thấu tình đạt lý của Cua Cụ, 2 loài cá, cua đã giảng hòa, kết bạn và cùng nhau tập luyện để “cạnh tranh lành mạnh”….

Cua Kềnh vượt vũ môn thể hiện khả năng quan sát tinh tế, thấu hiểu thế giới tự nhiên và cả tài kể chuyện có “duyên ngầm” của nhà văn Phạm Thanh Quang. Rất nhiều đoạn mô tả loài vật dưới nước vô cùng sinh động, lý thú mà nếu không giỏi quan sát, không thông tỏ cuộc sống đồng ruộng đến chân tơ kẽ tóc thì khó mà viết được.

Câu chuyện về chú Cua Kềnh và cuộc giao tranh ác liệt dưới nước đã đủ hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi. Nhưng nhà văn Phạm Thanh Quang còn làm được hơn thế. Không chỉ cung cấp kiến thức, làm giàu vốn sống cho trẻ em, ông còn khéo léo lồng vào các sự kiện, các mối quan hệ của “xã hội” loài vật nhỏ bé dưới lòng hồ sâu những bài học luân lý nhẹ nhàng mà thấm thía, những triết lý sống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: “Háo thắng cũng là một động lực. Nhưng háo thắng quá sẽ gây tai vạ” (tr50). “Ông tớ nói là trả đũa chỉ dẫn đến cuộc trả đũa khác… ban tổ chức đâu có đề ra cuộc thi để mình triệt hạ nhau” ( tr 91)…

Chú Cua Kềnh nông nổi, tự cao tự đại, sau cuộc thi đã thay đổi hoàn toàn, biết trọng danh dự, biết khoan dung với đối thủ và có tinh thần cầu tiến… Có thể thấy, thông điệp mà nhà văn đưa ra không chỉ có giá trị đối với bạn đọc nhỏ mà còn có giá trị với cả người lớn.

Sáng tác cho trẻ em, tác giả luôn phải “ trẻ hóa” tâm hồn, để cảm nhận và nhìn sự việc dưới lăng kính hồn nhiên, trong trẻo của các em. Nếu không có trái tim yêu trẻ thơ, cách viết không “khéo” dễ gây cảm giác sượng, giả tạo, hoặc đưa ra những bài học khô cứng, giáo điều. Giọng văn hóm hỉnh, hiện đại, lối viết tự nhiên, giàu hình ảnh… đó là ưu thế đáng kể của nhà văn Phạm Thanh Quang khi sáng tác cho thiếu nhi.

Hoàng Ngọc Điệp

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201907/cua-kenh-vuot-vu-mon-2954755/