Của chung

Nguyệt dửng dưng nhìn bó hoa để trên bàn. Nếu như là ba năm trước chị đã reo lên sung sướng rồi chạy lại ôm cổ chồng và đặt lên môi anh một nụ hôn nhẹ nhàng. Sau đó Nguyệt sẽ ôm lấy bó hoa ngắm nghía, miệng khe khẽ ngân nga một điệu nhạc gì đó.

Ngày đó tâm hồn Nguyệt lãng mạn…

Nguyệt nhìn thẳng vào người đàn ông đang ngồi trước mình, đôi mắt anh ta buồn buồn. Chị cất giọng nhẹ thôi nhưng dứt khoát:

- Anh về đi!

- Em à, hãy cho anh cơ hội làm lại. Ba mẹ con hãy về với anh đi.

- Về đâu?

Câu hỏi lạnh lùng cùng ánh mắt sắc lẹm của Nguyệt như xoáy vào người đàn ông khiến anh ta co người lại. Ánh mắt anh ta đầy vẻ hối lỗi, ngượng ngùng lẩn trốn về phía đôi bàn tay đang đan vào nhau để trên đùi.

- Anh xin lỗi. Anh biết, anh đã sai rồi. Anh có lỗi lớn với mẹ con em…

- Anh đừng nói những lời sáo rỗng đó nữa. Tôi thật sự không muốn nghe những lời xin lỗi của anh nữa. Tôi đã nghe quá nhiều rồi. Tôi đã nói rồi, nếu anh còn muốn gia đình này đoàn tụ thì hãy lo tu chí làm ăn. Chí ít, anh phải làm lại được ngôi nhà để mẹ con tôi về còn có chỗ chui ra chui vào chứ?

Nguyệt ngồi thừ ra ghế, nhìn theo cái dáng lầm lũi của Vinh - chồng Nguyệt đi ra ngoài sân rồi khuất sau cánh cổng. Nếu là trước đây chị đã khóc. Nhưng giờ đây, nước mắt của chị đã cạn cả rồi. Bao khổ cực, đau đớn, sợ hãi mà Nguyệt phải trải qua đã khiến tâm hồn chị đanh quánh lại. Chị thở dài. Gần bốn mươi, cũng có thể coi là đã đi qua bên kia cái dốc của cuộc đời. Ở tuổi này, Nguyệt đâu còn trẻ như thời mười tám đôi mươi để mà bắt đầu những mơ mộng. Nhưng Nguyệt cũng chưa hẳn già đến độ có thể dửng dưng trước mọi yêu thương. Nguyệt vẫn yêu và vẫn muốn được yêu. Người đàn bà dù có mạnh mẽ đến mấy vẫn muốn có một chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời; vẫn muốn được vỗ về an ủi. Nhất là khi Nguyệt chưa hoàn toàn hết tình cảm với chồng. Gặp lại Vinh, trái tim chị vẫn rộn lên, chị vẫn khao khát được anh vòng cánh tay rộng lớn ôm mình vào lòng.

Nhưng cứ nghĩ đến những điều anh đã làm, Nguyệt lại giận, lại sợ. Chị không thể nào dễ dàng nói lời tha thứ, bởi điều đó có thể sẽ khiến anh không thực sự cố gắng sửa đổi bản thân.

- Con còn yêu nó, sao không nói cho nó biết con không còn giận nữa. Nhìn nó buồn vậy cũng tội nghiệp.

- Mẹ à, chỉ cần nhìn thấy anh ấy sửa đổi con sẽ tha thứ tất cả. Nhưng bây giờ thì không được. Con muốn anh ấy nhận thấy lỗi sai của mình mà tu chí làm ăn. Nếu anh ấy thực sự vẫn yêu con, vẫn cần có gia đình này thì một vài năm đâu có nghĩa lý gì. Con còn chờ được mà.

Bà Tho nhìn con gái không nói gì thêm. Bà hiểu khi Nguyệt đã quyết thì không gì có thể lay chuyển được. Năm con rể bỏ đi trốn nợ, một mình con gái bà vừa làm cha vừa làm mẹ, vừa gồng mình lo món nợ mà chồng để lại với bao lời đe dọa của đám người cho vay nặng lãi, bảo sao giờ nó chẳng gai góc, cương quyết như vậy. Bà Tho nhìn ra ngoài, trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Bà ngóng một lúc chưa thấy hai thằng cháu về thì ca cẩm:

- Hai cái đứa này, đi chơi giờ này còn chưa biết đường về!

- Hồi chiều chúng nó xin con đi ra bãi đất trống khu mới san lấp để tập xe mẹ ạ.

- Muộn rồi mà chúng còn chưa về tắm rửa, rồi còn cơm nước nữa chứ. Cả cái ông này nữa, đi gì mà giờ này còn chưa về.

Bà bỗng nhớ trong buổi chập choạng như thế này của mấy năm trước, mẹ con Nguyệt hoảng hốt chạy ập vào sân rồi vội vàng đóng cổng lại. Hai đứa con Nguyệt mặt tái mét, chúng sợ đến nỗi tay chân run lẩy bẩy. Khi Nguyệt ngồi thụp xuống sân ôm mặt khóc, hai đứa cũng ôm chặt lấy mẹ mà khóc òa lên. Ông bà Tho chưa kịp hiểu có chuyện gì với mẹ con chúng thì đã nghe ngoài cổng tiếng người nhốn nháo, rồi tiếng xe vít ga, tiếng đập mạnh vào cổng, tiếng quát tháo:

- Ra đây, chúng mày không trốn được bọn ông đâu.

- Chuyện này là thế nào vậy con? Sao bọn họ lại đuổi theo mẹ con bay, sao lại phải trốn?

- Anh Vinh, anh ấy thua cá độ, vay nợ người ta không trả được…

Nguyệt không nói thêm được nữa bởi những tiếng nấc nghẹn liên tục, nước mắt chị giàn giụa chảy ướt cả mặt mũi, quện cả vào những sợi tóc đang xổ ra lòa xòa trước mặt. Chị ghì chặt hai đứa nhỏ vào lòng.

Ông Tho bước ra phía cổng, cố gắng lấy giọng bình tĩnh, ôn hòa để nói chuyện phải trái với mấy người đang hùng hổ kia:

- Thằng Vinh nó thiếu nợ các anh, vậy các anh gặp nó…

Ông chưa kịp nói hết câu một người đã lớn tiếng quát:

- Thằng đó nó trốn mẹ nó rồi! Chồng trốn thì vợ phải trả, lôi thôi không xong với bọn này đâu. Có chơi có chịu!

Nói rồi bọn họ rồ máy phóng đi. Mẹ con Nguyệt ở lại với ông bà chứ không dám về nhà nữa. Về đó, ngộ nhỡ bọn họ đến, biết đằng nào mà chạy. Mà ở đây, tuần nào họ cũng mò đến quát tháo, chửi bới, hăm dọa một hai lần. Bao nhiêu đêm Nguyệt khóc. Vinh trốn biệt, số điện thoại cũng thay luôn, không dám liên lạc về cho gia đình. Nguyệt thương mình, thương hai đứa con bao nhiêu thì lại giận chồng bấy nhiêu. Nguyệt chẳng ngờ Vinh lại sa vào con đường cờ bạc như vậy. Số tiền lớn như vậy, biết lấy đâu để trả? Vay mượn cũng có chừng. Thấy con lo lắng đến tiều tụy, các cháu lúc nào cũng len lén sợ hãi, ông bà Tho chẳng đành lòng, bàn nhau nói con gái bán ngôi nhà của vợ chồng nó đi trả nợ, rồi ba mẹ con cứ yên tâm ở đây với ông bà.

“Còn người còn của, tìm cách báo cho thằng Vinh về. Rồi vợ chồng bảo nhau tu chí làm ăn”. Nguyệt nghe lời. Chị không thể để các con cứ phải sống trong phấp phỏng sợ hãi mãi được. Còn chuyện Vinh, chị chẳng muốn nghĩ nữa. Liệu rồi anh ta có lại ngựa quen đường cũ không? Tiền bán căn nhà cộng với gần một cây vàng bà Tho vay mượn giùm mới đủ trả. Sau đó một năm thì Vinh cũng về. Anh ta tự tìm về chứ chẳng phải vì Nguyệt nhắn. Phần vì hối hận, phần vì xấu hổ, phần vì Nguyệt còn chưa tha thứ nên Vinh không dám đến nhà bố mẹ vợ nhiều. Hàng xóm có lần thấy có buổi chiều anh ta đứng nép phía ngoài cổng nhìn vào sân xem hai đứa con nô đùa, một lúc rồi lại lặng lẽ đi.

Đang nghĩ ngợi vẩn vơ chuyện cũ, bà Tho thấy chồng về cùng hai đứa cháu. Bà bước xuống sân, vừa giục hai đứa cháu đi rửa chân tay vừa nói:

- Bà tưởng ông cháu bây đi quên mất đường về rồi chứ.

- Tôi đã về từ sớm, rồi gặp thằng Vinh ở đoạn Dốc Đèo Ngựa, hai cha con đi làm vài ly. (Ông Tho nghé sát vợ hỏi nhỏ) Nó vào đây à? Thế nào?

Thấy vợ lắc đầu, ông biết là con gái vẫn còn rất giận con rể. Ông nói lớn, cốt là để cho Nguyệt nghe thấy:

- Nó làm cửu vạn dưới cảng đấy, một ca ba trăm rưỡi. Có ngày làm luôn hai ca. Nó bảo đang trọ ở gần cảng, vừa rẻ lại tiện đi làm. Mỗi tháng, trừ chi phí ăn ở nó cũng tiết kiệm được tầm mười lăm triệu đấy. Mà nhìn nó gầy đi nhiều quá! Tôi có nhắc nó ăn uống đầy đủ, chú ý sức khỏe, làm có chừng còn phải nghỉ ngơi nữa. Nó bảo nó cố gắng tiết kiệm để mua lại ngôi nhà đó (nghe đâu người ta không ở đang có ý bán lại). Tôi thấy có vẻ nó quyết tâm lắm, nó còn thương mẹ con cái Nguyệt nhiều lắm.

Nói rồi ông Tho đi vào trong nhà, thấy Nguyệt ngồi ở ghế, ông hỏi:

- Chắc con đã nghe thấy cả rồi?

- Vâng!

- Nó đã cố gắng thay đổi, con cũng nên cho nó cơ hội. Một tay chẳng vỗ nên bộp con ạ.
Nguyệt không nói gì nhưng cô thấy cha nói đúng. Hai đứa con cô cũng rất nhớ bố nó.

Nguyệt biết chỉ vì sợ mẹ buồn nên bọn chúng mới không kể với chị chuyện thi thoảng bố chúng vẫn đến gặp chúng ở trường. Những hôm gặp bố, về nhà chúng vui tíu tít, cứ rúc rích nói cười với nhau.

Gần một năm sau, Vinh đến. Lần này, anh có vẻ vui và tự tin lắm. Anh bảo đã thương lượng với chủ nhà, anh đưa họ trước hai phần ba số tiền ngôi nhà, số còn lại anh cắm sổ đỏ vay ngân hàng rồi giao hết cho họ. Anh rụt rè hỏi Nguyệt:

- Em và các con sẽ về chứ?

Nguyệt lặng lẽ đi vào trong nhà, sau mang ra một bọc gói kín để lên bàn, đẩy đến trước mặt Vinh. Chị nhẹ nhàng:

- Em cũng có một chút góp với anh. Anh xem, chắc không cần cắm sổ đỏ nữa!

- Không, ngôi nhà mất là lỗi do anh. Để tự anh…

- Ngôi nhà là của chung, em cũng nên góp phần. Chỉ mong anh sau này đừng đi con đường cũ.

- Sẽ không bao giờ có chuyện đó nữa đâu em. Bây giờ đối với anh, em và các con là quan trọng nhất.

Nguyệt để yên đôi bàn tay mình trong tay Vinh. Chị thấy hai đứa con đang thập thò ở cửa phòng, len lén nhìn ra, mắt chúng hấp háy vui. Vừa thấy mẹ vẫy tay, chúng sung sướng chạy ra, thằng nhỏ ngồi vào lòng bố, thằng lớn ôm cổ bố ríu rít. Vinh vòng tay ôm cả hai đứa con, Nguyệt nghe giọng anh như nghẹn lại:

- Đây là của chung lớn nhất mà anh may mắn được đứng tên. Cảm ơn em. Cảm ơn ba mẹ con nhiều lắm.

Truyện ngắn của Trương Thị Thúy

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhocnghethuat/2020/05/31/1ec4d2/