Cú xuất siêu 'ngược dòng' ngoạn mục

Xuất siêu đã trở lại từ nửa đầu tháng 10 và duy trì đến thời điểm này. Nếu nhìn lại khoảng thời gian đầu năm - khi có những thời điểm chúng ta đã nhập siêu vượt cả con số Quốc hội cho phép thì đây là một kết quả đáng ghi nhận..

Cả nước xuất siêu mạnh sau 11 tháng.

Cả nước xuất siêu mạnh sau 11 tháng.

Vượt khó để cân bằng thương mại
Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) ước tính đạt 193,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (NK) ước tính đạt 191 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2017, nước ta xuất siêu 2,8 tỷ USD.

Xuất siêu đã được duy trì liên tục từ tháng 10 đến nay, sau một thời gian dài nhập siêu. Trước đó, tính đến hết 10 tháng năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa cả nước đã thặng dư 2,56 tỷ USD. Đây cũng là thời điểm bước ngoặt xuất siêu trở lại trong năm nay.

Đây là dấu hiệu đáng mừng và là cú “lội ngược dòng” bền bỉ, bởi liên tục trong sáu tháng đầu năm, cán cân thương mại thâm hụt kéo dài và tương đối lớn. Chỉ riêng bốn tháng đầu năm, nhập siêu đã đạt mức hơn 4% tổng kim ngạch XK, cao hơn con số Quốc hội cho phép (không quá 3,5%) do các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài như Samsung Display và các dự án trong nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Vietel)… liên tục giải ngân, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng và sắt thép, kim loại… tăng cao.

Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực không ngừng, mức nhập siêu đã giảm dần kể từ đầu tháng 5. Xuất siêu cũng chính thức quay trở lại từ nửa cuối tháng 7 với con số 233 triệu USD và liên tục tăng cho đến nay, giúp giảm dần nhập siêu. Tính đến tháng 10, cán cân thương mại cả nước đã chính thức chuyển từ nhập siêu lớn sang xuất siêu.

Thành quả này có được nhờ rất nhiều nhóm mặt hàng đã có sự “lội ngược dòng” thành công. Đơn cử, suốt thời gian trước, ngành thủy sản đã gặp phải không ít khó khăn như xu hướng bảo hộ tại Hoa Kỳ thông qua rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại, hay hiện tượng truyền thông bôi nhọ tại EU, gây bất lợi cho XK; XK thủy sản sang Trung Quốc - thị trường tiềm năng tuy tăng trưởng mạnh nhưng chưa ổn định do phần lớn được xuất qua đường tiểu ngạch; giá nguyên liệu cá tra và tôm trong nước tăng đẩy giá thành sản xuất lên cao, làm giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ khác; chất lượng thủy sản XK vẫn bị cảnh báo; hải sản bị EU rút thẻ vàng về chống khai thác bất hợp pháp … Tuy nhiên, sau quý đầu tiên suy giảm, bằng các giải pháp đa dạng hóa thị trường XK, minh bạch hóa chất lượng sản phẩm XK… đến hết tháng 11, kim ngạch XK mặt hàng này đã tăng cao trở lại 18,7% so với cùng kỳ, đạt 7,6 tỷ USD.

Hoặc một trong những mặt hàng XK chủ lực của nước ta, điện thoại luôn được xếp vào tốp đầu với kim ngạch XK chiếm đến 20% tổng kim ngạch XK cả nước. Tuy nhiên, do sự cố sản phẩm Samsung Galaxy Note 7 phát nổ từ cuối năm 2016, toàn bộ sản phẩm phải thu hồi, kim ngạch XK điện thoại đã suy giảm liên tục từ cuối năm 2016 đến hết quý I năm nay. Chỉ tính trong ba tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK mặt hàng này đã giảm đến 888 triệu USD.

Sau sự cố này, Samsung Vietnam đã liên tục cho ra đời nhiều sản phẩm mới, bù đắp lại sự cố thiếu hụt do sản phẩm cũ. Doanh nghiệp này cũng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và dự án Samsung Display được đầu tư mở rộng từ đầu năm nay đã chính thức cho ra sản phẩm vào cuối năm. Nhờ đó, kim ngạch XK của Samsung Việt Nam bắt đầu phục hồi và đóng góp tích cực cho tăng trưởng XK mặt hàng điện thoại và linh kiện nói chung. Trong 11 tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK điện thoại và linh kiện đạt 41,3 tỷ USD, tăng 30,6%. Mức kim ngạch XK này đã chiếm 21,3% tổng kim ngạch XK của cả nước (193,8 tỷ USD).

Với con số lên tới 21,1%, tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa của nước ta sau 11 tháng năm 2017 đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2017. Tính đến thời điểm này, kim ngạch XK hàng hóa của nước ta đã vượt mục tiêu XK 188 tỷ USD đề ra trong năm 2017. Con số xuất siêu cũng là thành quả ngoài mong đợi bởi từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương luôn dự báo tính đến hết năm nay, khả năng nước ta sẽ nhập siêu khoảng 0,5% - 3,5% tổng kim ngạch XK.

Năm 2017 sẽ xuất siêu
Trong bối cảnh XK đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011, với mức tăng trưởng vào khoảng 18,9%, đạt 210 tỷ USD. Mức tăng trưởng trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như XK hàng hóa của Việt Nam.

Theo phân tích của Bộ Công thương, tăng trưởng XK của nước ta trong năm 2017 có nguyên nhân lớn do sự hồi phục của các dòng thương mại trong khu vực châu Á và nhu cầu NK ở Bắc Mỹ tăng trở lại, sau khi bị đình trệ trong năm 2016. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu NK và thúc đẩy thương mại trong khu vực. Sự phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn này đã tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước tiếp tục mở rộng thị trường chủ lực và tìm kiếm các thị trường mới.

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam đang ngày được nâng cao. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động. Đồng thời, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác FTA đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác. Cùng với cơ hội tăng trưởng XK từ các mặt hàng chủ lực, dự báo kim ngạch XK sẽ tiếp tục tăng trong tháng cuối cùng của năm 2017.

Trong khi đó, kim ngạch NK hàng hóa được dự báo sẽ không có tăng trưởng đột biến, bởi hầu hết các dự án yêu cầu giải ngân vốn đầu tư lớn đã hoàn thành. Một số dự án mới như đường sắt Cát Linh - Hà Đông dù được giải ngân vốn cho NK thiết bị nhưng dự kiến cũng không khiến tổng kim ngạch NK cả nước tăng quá cao. Do đó, nếu không có biến động quá đột biến, cán cân thương mại cả nước trong năm nay sẽ nghiêng về hướng xuất siêu. Từ đó, góp phần quan trọng cho mục tiêu GDP đạt 6,7% trong năm nay, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34862602-cu-xuat-sieu-%E2%80%9Cnguoc-dong%E2%80%9D-ngoan-muc.html