Cứ xe to là phạt!

Tớ nhớ có lần trả lời phỏng vấn về tình hình tai nạn giao thông, có bạn đọc nói: 'Nói đến Luật Giao thông của ta thì buồn lắm. Vẫn cái kiểu ô tô sợ xe máy, xe máy sợ xe đạp, xe đạp sợ người đi bộ…'…

- Quả đúng thế thật, nên anh ô tô còn “ngại” luật một chút, đến anh xe máy đã giảm phần nào, còn anh đi xe đạp, anh đi bộ thì nhiều khi coi như không có luật.

- Tại các ngã tư, ngã ba đèn đỏ hẳn hoi nhé, vậy mà có xe đạp vẫn vô tư đi. Vì sao vô tư ư? Bởi CSGT ít khi “sờ” đến anh xe đạp.

- Chỉ vì anh xe đạp này có khi cả một dòng xe phải chững lại. Từ cái chững lại này dẫn đến nhiều xe mất nhịp, gây hỗn loạn giao thông cục bộ.

- Nguy hiểm là thế, mà nếu không chững lại, nếu có xe máy hoặc ô tô nào đâm phải anh xe đạp, thì chắc chắn người điều khiển ô tô, xe đạp không nhiều thì ít vẫn phải chịu trách nhiệm.

-Còn đối với anh đi bộ thì vô tội vạ, bất kể chỗ nào cũng đi, nhiều khi như làm xiếc giữa đường phố. Ấy vậy mà có va chạm là chả bao giờ anh đi bộ bị phạt.

-Đúng là nói đến anh đi bộ thì phức tạp lắm, nhưng chú cũng phải thông cảm. Vỉa hè không có, không đi bộ dưới lòng đường thì đi vào đâu. Vạch ngang ký hiệu cho người đi bộ qua đường vừa ít, vừa không có hệ thống đèn tín hiệu, nếu chấp hành có mà cả ngày không về đến nhà.

-Bác nói đúng quá. Cứ quan sát thì thấy, rất nhiều trường hợp đi bộ qua đường đúng vị trí kẻ vạch mà chả có xe nào giảm tốc độ hoặc dừng lại cả (hiếm hoi lắm mới có người dừng xe), vậy không đi cũng không được.

-Thôi thì phó mặc cho số phận biết làm sao. Chứ có dịp đi nước ngoài, tớ thấy cái khoản này họ thực hiện nghiêm lắm. Người đi bộ muốn qua đường, đến đúng vị trí có kẻ vạch, bấm đèn tín hiệu là tất cả các phương tiên phải dừng nhường đường cho người đi bộ.

-Thôi bác ạ, bàn về chuyện này thì còn dài lắm. Nhân bác nói đến chuyện xử phạt của mình, nhiều khi cái anh không phải là nguyên nhân gây ra tai nạn vẫn bị xử, em muốn bác nói rõ hơn quan điểm của bác xem thế nào.

-Lại chả thế à. Đấy cái anh xe đạp hay đi bộ sai luật khiến các phương tiện khác như ô tô, xe máy gây tai nạn là phải chịu trách nhiệm liền à. Chứ cứ như các nước tớ biết, Luật Giao thông của họ xử rất nghiêm, anh nào sai anh ấy chịu, bất kể là phương tiện gì. Anh đi sai luật mà bị phương tiện khác đâm có chết người thì anh sai vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Chuyện bồi thường chỉ là chuyện thỏa thuận giữa các bên, pháp luật không can thiệp.

-Em hỏi lại bác vậy là để chứng minh cho bác một chuyện…

-Cần gì phải chứng minh, những trường hợp này đầy ra đấy, nếu tớ nhớ không nhầm thì hình như ta mới xử một vụ cho phương tiện đâm chết người đi bộ sai quy đinh thắng kiện.

-Đấy bác nói đến xét xử em mới càng muồn chứng minh. Chắc người thạo tin như bác phải biết được cái vụ xe 7 chỗ lùi trên đường cao tốc, khiến xe container phía sau đâm vào làn thiệt mạng 4 người.

-Biết quá ấy chứ, tớ biết cả thông tin cái xét xử vụ này. Cụ thể, bên cạnh việc tuyên lái xe 7 chỗ 9 năm tù, bồi thường trên 700 triệu đồng, tòa còn tuyên phạt anh lái xe container 6 năm tù và phạt bồi thường cho các nạn nhân trên 500 triệu đồng.

-Đúng thế bác ạ. Bản án này nhận được rất nhiều phản ứng của công chúng, nhất là các luật sư và cánh lái xe. Nguyên nhân chính để phạt tù anh lái xe container là không giữ đúng khoảng cách giữa hai xe khi di chuyển nên mới đâm vào xe 7 chỗ.

-Thật vô lý. Khoảng cách chỉ có thể kiểm soát được khi hai xe cùng chiều thẳng tiến, chứ một xe tiến, một xe lùi thì “có giời” mà tính được.

-Vậy xét xử như thế có phải vì xe contener to hơn xe 7 chỗ không bác? Nói vui vậy thôi, chứ cái xét xử này, chả phải là luật sư em cũng thấy nó vô lý quá.

-Tớ thấy nhiều ý kiến phản biện cái xét xử này nghe rất có lý. Tòa cho rằng Cái tội danh vô ý và tự tin hoàn toàn không có căn cứ: Kết luận điều tra đã chỉ rõ, tài xế container lái xe trong tình trạng tỉnh táo, xe đúng tải trọng, chạy đúng làn đường, đúng tốc độ, giấy tờ kiểm định xe tốt. Như vậy là không có lỗi.

-Đúng thế bác ạ, nếu tài xế container phanh gấp thì 10 cuộn thép sẽ tống tới phía trước làm lật cabin và đè lên xe 7 chổ, lúc đó số người chết còn hơn số 4 người, hoặc nếu lái xe container đánh lái sang làn đường bên trái có xe chạy cùng chiều từ phía sau lên hay mất lái leo qua giải phân cách tung vào xe ngược chiều, chắc chắn hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

-Theo kết luận điều tra, trong vụ tai nạn này, tài xế xe container hoàn toàn chấp hành tốt các quy định của Luật giao thông đường bộ. Anh ta không đi quá tốc độ, không chạy sai làn, không vi phạm tải trọng, không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Trong khi đó, tài xế xe 7 chỗ đã bất chấp mọi quy định của pháp luật. Anh ta lùi xe ngược chiều trên cao tốc, chở quá số người, sử dụng rượu bia. Đó là hành vi sai phạm rất nghiêm trọng.

-Vậy mà Tòa tuyên án các hình phạt hai lái xe gần như ngang nhau, như vậy là chưa thấu tình đạt lý.

-Tớ thấy là quá vô lý. Vừa mấy hôm trước, Quốc hội đã được nghe báo cáo của ngành Tòa án, cơ bản là chất lượng xét xử đã được nâng cao, số vụ án oan, sai đã giảm…

-Chính vì thế mà em nghĩ rằng vụ án này cần được xem xét lại kỹ lưỡng. Tránh tình trạng “cứ xe to là phạt”.

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cu-xe-to-la-phat-82441.html