Cử tri TP.HCM: Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?

Cử tri Nguyễn Văn Hạnh nhắc lại từ năm 2010, Chính phủ đã nêu chủ trương giáo viên sống được bằng lương nhưng hiện nhiều thầy, cô vẫn khó khăn.

Chất lượng giáo dục một lần nữa trở thành vấn đề được quan tâm tại buổi tiếp xúc của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 6 với cử tri quận Bình Thạnh sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, diễn ra sáng 19/11. Tại buổi tiếp xúc diễn ra vào tháng 10/2020, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc về vấn đề sách giáo khoa cùng chương trình học của học sinh lớp 1.

 Cử tri Nguyễn Văn Hạnh chất vấn về chất lượng giáo dục. Ảnh: Thu Hằng.

Cử tri Nguyễn Văn Hạnh chất vấn về chất lượng giáo dục. Ảnh: Thu Hằng.

Cử tri Nguyễn Văn Hạnh (phường 22, quận Bình Thạnh) nhắc lại rằng từ năm 2010, Chính phủ đã đặt giáo dục là quốc sách và có chủ trương để giáo viên có thể sống bằng lương. Thế nhưng, theo ông Hạnh, nhiều nhà giáo đến nay vẫn còn khốn khó, phải đi dạy thêm ở ngoài để tăng thu nhập.

Ông cho rằng dù Nhà nước có tham vọng cải cách giáo dục, Trung ương cũng trăn trở về vấn đề này nhiều năm nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể, sĩ số từ mẫu giáo đến THPT tại nhiều nơi vẫn trên 50 em/lớp. Năm nay, nhiều học sinh lớp 1 phải mua trên 20 đầu sách với chi phí trên 800.000 đồng. Trong khi đó, cử tri nhấn mạnh rằng học phí cấp mẫu giáo đến phổ thông lẽ ra Nhà nước phải trả 100% để các em được đi học.

"Để đời sống thầy cô khó khăn, chất lượng học tập của học sinh kém là trách nhiệm chính của tư lệnh ngành", cử tri nhấn mạnh và đặt câu hỏi bao giờ các thầy, cô giáo có thể sống được bằng lương.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 6 tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thu Hằng.

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Phan Văn Lực (phường 12, quận Bình Thạnh) đặt vấn trách nhiệm của các tư lệnh ngành trong những thảm họa thiên tai liên tiếp vừa xảy ra.

Theo ông Lực, sự cố tại thủy điện Rào Trăng 3 và nhiều vụ sạt lở liên tiếp buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc hơn trong chiến lược phát triển thủy điện.

"Tháng 10/2020, giữa lũ chồng lũ, tang thương chồng tang thương, nhiều người giật mình nhớ lại 3 năm trước dư luận từng bất bình trước quyết định phá 200 ha rừng khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền để làm thủy điện. Thế là do thiên tai hay nhân tai?", cử tri Lực đặt câu hỏi.

Ông Lực dẫn lại ý kiến của nhiều chuyên gia trên báo chí và cho rằng thảm họa tại miền Trung thời gian qua không hoàn toàn do thiên tai mà là những hệ quả đến từ việc mất rừng tự nhiên. Cử tri khẳng định việc bảo vệ "tấm áo giáp thiên nhiên" là trách nhiệm của mỗi người dân. Đồng thời, ông kiến nghị với Quốc hội một số giải pháp mà ông tha thiết mong Chính phủ thực hiện trong thời gian tới.

Trước mắt, ông Lực cho rằng các địa phương cần rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao và di dời người dân đến nơi an toàn. Về giải pháp lâu dài, cử tri đề xuất cần xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất tới cấp huyện với tỷ lệ 1/5.000 và cấp xã với tỷ lệ 1/1.000 đến 1/2.000.

Bà Phạm Khánh Phong Lan gửi lời cảm ơn tới cử tri trong buổi tiếp xúc cuối cùng. Ảnh: Thu Hằng.

Phát biểu cuối buổi họp, bà Phạm Khánh Phong Lan thay mặt tổ đại biểu tiếp thu ý kiến. Bà Lan chia sẻ đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIX và gửi lời cảm ơn vì sự quan tâm của cử tri đến đại biểu Quốc hội thời gian qua.

"Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì còn nhiều điều chưa làm tới, chưa làm được. Nhiều bức xúc của cử tri chưa được giải quyết", bà Lan thừa nhận.

Đại biểu Lan khẳng định nhiệm kỳ tới, dù các đại biểu tái cử tại địa phương nào, cũng sẽ luôn lắng nghe ý kiến cử tri để xứng đáng là người đại biểu nhân dân.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-tri-tphcm-bao-gio-giao-vien-song-duoc-bang-luong-post1154559.html