CỬ TRI TỈNH THÁI BÌNH ĐỀ NGHỊ MỘT SỐ VẤN ĐỀ NỔI CỘM VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ, ngành Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương các cấp xem xét bố trí tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục; nghiên cứu kỹ lưỡng để làm tốt công tác cải cách giáo dục; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, sách in lậu, sách tham khảo tràn lan...

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình gửi tới sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bổ sung tại Công văn số 451/BDN ngày 30/12/2020 của Ban Dân nguyện. Theo đó, cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ, ngành Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương các cấp xem xét bố trí tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dạy học. Bên cạnh đó là tăng cường khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến người dân từ đó xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để làm tốt công tác cải cách giáo dục, đặc biệt là vấn đề đổi mới nội dung, chương trình học, sách giáo khoa. Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác giáo dục - đào tạo, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, sách in lậu, sách tham khảo tràn lan; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh, tăng sức răn đe với các vi phạm này.

Trước những đề nghị trên, tại văn bản số 831/BGDĐT-GDTrH gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời cụ thể từng vấn đề.

Cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị với ngành Giáo dục và Đào tạo một số vấn đề nổi cộm được nhân dân quan tâm (ảnh minh họa).

Về việc Bố trí tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục: Nhằm tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục nhất là trong giai đoạn hiện nay khi toàn ngành giáo dục đang tổ chức triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) và để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa (SGK), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, địa phương trình Chính phủ các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong đó đặc biệt để xuất đầu tư tăng cường cơ sở vật chất. Cụ thể như sau:

Đối với chủ trương, chính sách: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1428/BGDĐT- CSVCTBTH ngày 07/4/2017 đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, GDPT trong đó có nội dung về ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội (dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; khuyến khích, huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực...). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT trong đó có nội dung yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, SGK GDPT mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Công văn số 4470/BGDĐTCSVC ngày 28/9/2018 hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trong các cơ sở giáo dục mầm non, pho thông để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ năm học mới và triển khai theo lộ trình đại mới chương trình, SGK, trong đó bao gồm các nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp học; quản lý sử dụng cơ sở vật chất, lập kế hoạch và tổ chức mua sắm thiết bị dạy học...

Đối với các chương trình, đề án, dự án: Ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1436/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 20172025 với mục tiêu bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình GDPT theo lộ trình đổi mới chương trình, SGK trong giai đoạn 2017-2025. Ngày 27/4/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1449/BGDĐT-CSVC gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Quốc hội và Chính phủ đề xuất Chương trình mục tiêu về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng tới xây dựng trường chuẩn quốc gia...

Về nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dạy học: Việc bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục, trước hết là trách nhiệm của các địa phương. Tuy nhiên, để hỗ trợ các địa phương khó khăn tăng cường cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ cân đối, bố trí các nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương có điều kiện khó khăn thực hiện đầu tư cơ sở vật chất như: nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học tại các xã đặc biệt khó khăn; nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020; nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020...

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, theo đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung: hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; đảm bảo ngân sách địa phương chi cho Giáo dục và Đào tạo, dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu Chính phủ; khuyên khích, huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng...) để góp phần đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đề nghị Chính phủ quan tâm tới các địa phương, nhất là các tỉnh vùng núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và các tỉnh còn khó khăn, để hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDPT mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Về tăng cường khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến người dân: Thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Quốc hội “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai, nghiên cứu, khảo sát thực tế và xây dựng kế hoạch cùng các giải pháp để tổ chức thực hiện. Riêng vấn đề đổi mới nội dung, chương trình học, sách giáo khoa, Bộ đã tổ chức rất nhiều đoàn, nhiều lần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhiều tầng lớp nhân dân trước khi thực hiện cũng như trong quá trình triển khai thực hiện để bảo đảm việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn.

Về tăng cường thanh tra, kiểm tra giáo dục: Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có hướng dẫn về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các Sở GDĐT, Sở Giáo dục - Khoa học công nghệ Bạc Liêu và Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng, trong đó, các địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các vấn đề nóng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngày 11/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3530/BGDĐT-TTr về việc Hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2020-2021, tại mục III của Hướng dẫn có yêu cầu về xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện kế hoạch trong đó tập trung một số nội dung: Việc quản lý dạy thêm, học thêm; quản lý thu chi trong nhà trường; việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (lựa chọn, thẩm định, mua sắm sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, thiết bị dạy học...); tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời đối với các biểu hiện tiêu cực, dấu hiệu sai phạm được dư luận, phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong công tác giáo dục - đào tạo./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=54698