Cử tri quan tâm tình trạng thiếu GV và vướng mắc trong triển khai Nghị định 116

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, người dân rất mong con em học sư phạm được nhận hỗ trợ theo Nghị định 116, song, có rất nhiều SV chưa được nhận hỗ trợ.

Chiều ngày 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cử tri đặc biệt quan tâm đến giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, cử tri đánh giá rất cao việc Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

“Điều này khiến cử tri dễ dàng tiếp cận được những thông tin về giải quyết kiến nghị của cử tri tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng hơn và cũng tạo điều kiện để cử tri cùng giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan chức năng. Mặt khác, điều này cũng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri sao cho kịp thời, chất lượng nhất” - nữ đại biểu chia sẻ.

Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 26/5. Ảnh: quochoi.vn.

Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 26/5. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết thêm: “Liên quan đến những kiến nghị của cử tri qua công tác tiếp công dân và tiếp xúc cử tri, tôi thấy có một vấn đề hiện đang được cử tri đặc biệt quan tâm và đang đề nghị được tháo gỡ những khó khăn.

Đó là việc thiếu giáo viên và nhiều vướng mắc, bất cập khi thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ban hành ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Tính đến thời điểm hiện tại, có rất ít các địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, dù Nghị định 116 đã ra đời được gần 3 năm”.

Theo nữ đại biểu, nguyên nhân của tình trạng trên là do có nhiều vướng mắc trong thực tiễn, nhưng vướng mắc điển hình là:

Thứ nhất, việc đấu thầu đào tạo giáo viên là coi việc đào tạo giáo viên như cung cấp một mặt hàng và các cơ sở đào tạo là đơn vị cung cấp mặt hàng đó, trong khi chất lượng, uy tín, bề dày kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục là không giống nhau. Khi đấu thầu, sẽ ra sao nếu những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng có bề dày kinh nghiệm và thành tích đào tạo giáo viên lại trượt thầu và ngược lại.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn.

Thứ hai, sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng, nhưng khi tốt nghiệp muốn trở thành giáo viên và phục vụ trong ngành giáo dục thì phải qua kỳ thi tuyển viên chức. Theo Nghị định 116, nếu sinh viên tốt nghiệp và không công tác trong ngành sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Nếu sinh viên không trúng tuyển kỳ thi viên chức, nghĩa là không do ý muốn chủ quan của người học thì có phải bồi hoàn chi phí hay không. Nếu không phải bồi hoàn thì sẽ dẫn đến trường hợp người thi sẽ cố tình thi trượt để né việc bồi hoàn.

Thứ ba, có những địa phương có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên nhưng chưa bố trí được kinh phí và nhiều địa phương lại không có nhu cầu đặt hàng.

“Chính sách đã có nhưng đi vào thực hiện thì rất khó khăn, trong khi tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương vẫn chưa được cải thiện.

Người dân rất mong muốn con em mình theo học khối ngành sư phạm được nhận hỗ trợ như quy định của Nghị định 116.

Hiện nay, có rất nhiều sinh viên thuộc đối tượng như thế nhưng chưa được nhận hỗ trợ, bởi vì địa phương chưa thực hiện được.

Cử tri tha thiết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, bất cập để Nghị định 116 được thực hiện thông suốt và hiệu quả” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.

Cần có cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành để giải quyết kiến nghị cử tri

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định bày tỏ thống nhất cao về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo đó, đại biểu cho biết, nhiều kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, trả lời cụ thể. Nhiều vụ việc khó, phức tạp đã tồn tại lâu đã được giải quyết.

Tuy nhiên theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, vẫn còn nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến nhiều Bộ, ngành chưa được giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, cần có cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và quy định rõ trách nhiệm chủ trì trong việc giải quyết những kiến nghị có liên quan đến nhiều bộ ngành, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến chính sách.

Đồng thời, kiến nghị khi triển khai những chính sách, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, cân nhắc, xem xét những tác động trực tiếp, gián tiếp để có những quy định hợp lý ngay từ đầu, góp phần giảm thiểu những khiếu nại, khiếu kiện.

Và trong quá trình thực hiện, cần tăng cường vai trò giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc, có cơ chế điều chỉnh, bổ sung.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng đề nghị để đảm bảo theo dõi tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, và giám sát các kiến nghị cần có danh mục các kiến nghị và liên thông với các đoàn đại biểu Quốc hội để Quốc hội theo dõi, giám sát các kiến nghị này đến cùng, và để cácđại biểu Quốc hội có thể trả lời các cử tri.

Huệ Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cu-tri-quan-tam-tinh-trang-thieu-gv-va-vuong-mac-trong-trien-khai-nghi-dinh-116-post235301.gd