Cử tri nêu nhiều kỳ vọng cho TP.HCM khi tiếp xúc Chủ tịch nước

Cử tri nêu các vấn đề như phát triển thành phố, cải thiện hạ tầng, giáo dục, phòng chống dịch Covid-19... tại buổi tiếp xúc với các ứng viên vận động bầu cử đại biểu Quốc hội.

Sáng 10/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng viên cùng đơn vị bầu cử có buổi tiếp xúc thứ 3 với cử tri huyện Hóc Môn để vận động bầu cử.

Trong chương trình hành động của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quan tâm tới 4 vấn đề chính: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội; giải quyết kiến nghị người dân, đấu tranh phòng chống tham nhũng; thúc đẩy triển khai 4 chương trình phát triển thành phố đã đề ra; thúc đẩy sáng kiến, đưa TP.HCM thành hình mẫu của cả nước.

"Hóc Môn nên trở thành đô thị sinh thái"

Nói riêng về huyện Hóc Môn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề lớn hiện nay tại huyện Hóc Môn, Củ Chi là hạ tầng giao thông. Các công trình như đường vành đai, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), tuyến ven sông, đường phố mới cần được quy hoạch trên tinh thần phát triển hạ tầng huyện Hóc Môn thành đô thị sinh thái.

"Tôi vừa nói với Bí thư huyện Hóc Môn là đầu nhiệm kỳ hoặc giữa nhiệm kỳ này, Hóc Môn nên trở thành đô thị sinh thái của TP.HCM. Không là huyện nữa, phải là quận trong tương lai gần", ông Phúc nói.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội tại TP.HCM đơn vị huyện Củ Chi, Hóc Môn. Ảnh: Y Kiện.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội tại TP.HCM đơn vị huyện Củ Chi, Hóc Môn. Ảnh: Y Kiện.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP.HCM cũng như Hóc Môn phải thúc đẩy các chương trình đã được đề ra như chuyển đổi số, thu hút tài năng... Ví dụ, Hóc Môn, Củ Chi không nên theo quảng canh nông nghiệp năng suất thấp mà cần chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao. Ông nhận định Hóc Môn đang đi đúng hướng và rất tiến bộ khi chuyển đổi sang cơ cấu kinh tế dịch vụ, chiếm 55%.

"Chúng tôi mong muốn Hóc Môn sớm trở thành một quận đô thị sinh thái của TP.HCM trong thời gian sớm nhất để nâng đời sống vật chất, tinh thần của người dân đi lên", ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Phát biểu tại hội nghị, ứng cử viên Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cam kết nếu được cử tri tín nhiệm, ông sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật; đồng thời, nghiên cứu biện pháp nhằm đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường.

Ông Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM, ứng cử viên duy nhất không thể tham dự tiếp xúc cử tri do ông đã tiếp xúc với F1, hiện phải cách ly tại nhà. Trong chương trình hành động được thông báo tại hội nghị, ông Xựng cam kết sẽ tận dụng sự am hiểu của một cán bộ quân đội cao cấp để góp phần giúp Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

TP.HCM cần trở thành hình mẫu trong phát triển

Cử tri thể hiện sự đồng thuận cao với chương trình hành động của các ứng cử viên. Bên cạnh đó, cử tri đặt thêm nhiều kỳ vọng vào đại biểu Quốc hội tương lai về các vấn đề như phát triển thành phố, cải thiện cơ sở hạ tầng, sớm chuyển huyện thành quận, giáo dục, phòng chống dịch Covid-19...

Cử tri Đinh Thị Hỏi đề xuất những vấn đề cụ thể về chính sách. Ảnh: Thu Hằng.

Phát biểu tại hội nghị, bà Đinh Thị Hỏi, cử tri xã Trung Chánh, có 3 kiến nghị.

Đầu tiên, cử tri đánh giá cao kết quả phòng chống dịch Covid-19 trong thời kỳ nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đương nhiệm, chặn đứng 3 đợt dịch bùng phát. Cử tri mong muốn đại dịch Covid-19 tiếp tục được ngăn chặn trong bối cảnh biến chủng mới lây nhiễm nhanh hơn, đồng thời, đẩy mạnh việc tiêm vaccine diện rộng.

Thứ hai, bà Hỏi kiến nghị Quốc hội giám sát chặt việc đổi mới sách giáo khoa, việc xây dựng nội dung sách giáo khoa nên lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, nhà giáo lão thành để không phải điều chỉnh nhiều lần, gây lãng phí.

Cuối cùng, cử tri bày tỏ mong muốn tăng số lượng nữ đại biểu trong Quốc hội, bà đề xuất trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội cần có một nữ phó chủ tịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cử tri. Ảnh: Thu Hằng.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự biết ơn vì sự đóng góp cụ thể, chân thành, có trách nhiệm của người dân.

Về việc phát triển TP.HCM, ông Phúc nhắc lại giai đoạn công tác với vai trò Thủ tướng, ông từng khẳng định TP.HCM phải trở thành hình mẫu trong phát triển kinh tế, văn hóa, là đô thị đáng sống.

Ông cũng cho biết nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã đặc biệt nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ tịch nước khẳng định tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri và sẽ tổng hợp những vấn đề này để đưa lên Quốc hội.

Chủ tịch nước khẳng định "không thể làm chính sách trong phòng lạnh mà phải từ thực tế cuộc sống" và cam kết các đại biểu Quốc hội sẽ đề cao trách nhiệm thảo luận chính sách với nhân dân ở những vấn đề quan trọng.

TP.HCM có 10 đơn vị bầu cử với 50 ứng cử viên để bầu 30 đại biểu Quốc hội khóa XV (37 người do TP.HCM giới thiệu, 13 người do Trung ương đề xuất).

Tổ bầu cử đơn vị số 10 (huyện Củ Chi và Hóc Môn) có 5 ứng viên, gồm: Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ông Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM; và ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Trong đợt bầu cử lần này, TP.HCM có 5,5 triệu cử tri tại 3.092 tổ bầu cử. Bên cạnh việc bầu ra 30 đại biểu Quốc hội khóa XV, cử tri trên địa bàn sẽ bầu ra 95 đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch nước thăm hỏi gia đình có công với cách mạng ở Củ Chi Sau buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo TP.HCM tới thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, gia đình có công với đất nước.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-tri-neu-nhieu-ky-vong-khi-tiep-xuc-voi-chu-tich-nuoc-post1213633.html