Cử tri mong muốn tiếp tục tập trung xây dựng thể chế trong nhiệm kỳ mới

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 29/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ. Bên cạnh sự tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ, đại biểu Quốc hội cũng nêu một số tồn tại trong việc xây dựng thể chế, cần được khắc phục trong nhiệm kỳ mới, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), nhiệm kỳ của Chính phủ 2016 - 2021 có nhiều đổi mới, quyết liệt, sâu sắc, sáng tạo và linh hoạt, tạo sự chuyển biến trong toàn hệ thống của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương đã dành sự quan tâm lớn, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời động viên, thăm hỏi, lắng nghe, khích lệ người lao động nỗ lực, sáng tạo trong lao động sản xuất; đồng thời quan tâm ban hành chính sách giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của công nhân viên chức, người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho biết nhiệm kỳ mới, cử tri mong muốn Chủ tịch nước và Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, trong đó tập trung xây dựng thể chế, coi thể chế không chỉ là hành lang pháp lý mà trước hết là tài nguyên và nguồn lực phát triển.

Nhấn mạnh Quốc hội khóa XIV đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều Nghị quyết, trong đó hầu hết các dự án luật, các dự thảo do Chính phủ trình, theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An), điều này cho thấy Chính phủ đã rất sâu sát, kịp thời nắm bắt nhu cầu pháp lý của xã hội, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Tuy nhiên, theo đại biểu, khi xây dựng các dự án luật, việc tổ chức lấy ý kiến cần tổ chức rộng rãi hơn, đặc biệt là các ý kiến trong báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban. Như vậy Quốc hội sẽ không mất thêm thời gian cho những dự án chưa chín muồi, chưa được chuẩn bị chu đáo, chưa đảm bảo phù hợp khả thi.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Nhiệm kỳ qua công tác này đã được chú trọng đổi mới, thực hiện thông qua cải cách hành chính, sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật liên quan đến thẩm quyền của cá nhân, cơ quan, đơn vị trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn trở ngại khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quản lý, điều hành, giải quyết yêu cầu hành chính của doanh nghiệp, người dân đã bị động, thiếu thông suốt, thiếu kịp thời. Nhiều công việc mà cơ quan, chính quyền địa phương có khả năng giải quyết nhưng không có thẩm quyền giải quyết. Các cơ quan cấp trên không có khả năng giải quyết hiệu quả nhưng lại có thẩm quyền giải quyết dẫn đến nhiều công việc ùn tắc, chậm trễ, kém hiệu quả.

"Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương với phạm vi thẩm quyền của mình kết hợp với những thế mạnh riêng, địa phương sẽ phát huy được tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạn chế được việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc trông chờ, ỷ lại vào trung ương, chủ động các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình", đại biểu kiến nghị.

Phân tích về vấn đề xây dựng chính sách pháp luật, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được Chính phủ tập trung triển khai trong nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, văn bản quy định chi tiết vẫn còn chậm ban hành dẫn đến việc thực thi pháp luật chậm đi vào cuộc sống. Đại biểu lấy ví dụ như Luật Quy hoạch, mặc dù Chính phủ đã chủ động đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai thi hành luật nhưng các địa phương, các ngành vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ khi lập quy hoạch.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế, chính sách mạnh hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cụ thể là người dân và doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ đại dịch COVID-19. Đây không chỉ là các gói hỗ trợ, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn mà còn là giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các đối tượng người lao động và doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp khó khăn, chậm trễ trong tiếp các cận gói hỗ trợ của Chính phủ; đồng thời có những giải pháp tháo gỡ để thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra...

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/xay-dung-the-che-khong-chi-la-hanh-lang-phap-ly-ma-con-la-nguon-luc-de-phat-trien-20210329170830948.htm