Cử tri mong muốn tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường các vấn đề về kinh tế - xã hội.

Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi. Phóng viên TTXVN tại Thanh Hóa, Đà Nẵng và Trà Vinh đã ghi nhận ý kiến của cử tri.

Toàn cảnh phiên họp sáng 27/10. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cần có những kế hoạch, mục tiêu cụ thể đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm

Cử tri Dương Thị Thúy Huệ (tổ 19, An Hải Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát tốt. Các tổ chức tài chính quốc tế đều có đánh giá tốt về triển vọng và việc điều hành kinh tế của nước ta. Các chỉ tiêu mà Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện vượt và đạt. Nhiều chuỗi giá trị như sản phẩm nông nghiệp, dệt may đã có thế đứng trên thị trường thế giới, giá trị xuất khẩu không ngừng tăng lên hàng tỷ USD. Nhưng việc sản xuất, kinh doanh vẫn chưa mang tính bền vững, nguy cơ được mùa mất giá và ngược lại được giá mất mùa vẫn còn xảy ra. Chính vì vậy, Chính phủ, các ngành như nông nghiệp, công thương, khoa học và công nghệ… cần thực sự có sự liên kết, chia sẻ và chịu trách nhiệm rõ ràng trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đảm bảo có những sản phẩm sạch, đạt chất lượng, đặc biệt là khâu chế biến và đầu ra sản phẩm cho người dân.

Cử tri Nguyễn Thảo Ly (925 Ngô Quyền, Đà Nẵng) chia sẻ băn khoăn, trong tình hình hiện nay, mối quan hệ giữa các nền kinh tế đang có nhiều biến chuyển phức tạp, khó lường. Chính phủ và các bộ, ngành cần có những kế hoạch, mục tiêu cụ thể hơn nữa trong việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là tăng cường kim ngạch xuất khẩu đối với những mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Theo cử tri Nguyễn Thảo Ly, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chỉ đạo, tạo ra những bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế tham nhũng vặt, chi “bôi trơn”…, tạo sự thoải mái, rõ ràng cho doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư sản xuất kinh doanh. Cử tri Nguyễn Thảo Ly mong muốn, trong thời gian tới, các cơ quan hành pháp cần mạnh tay hơn nữa trong việc minh bạch hóa các văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm hơn đối với những cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, công bằng đối với tất cả doanh nghiệp, góp phần củng cố hơn nữa niềm tin trong đông đảo nhân dân.

Tạo cơ chế thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân

Nhiều cử tri tỉnh Thanh Hóa đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ trước những kiến nghị của đại biểu Quốc hội. Cử tri Ngô Xuân Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, phiên thảo luận khá thẳng thắn, các đại biểu cũng đã có nhiều đề xuất, kiến nghị đến Quốc hội để thực hiện tốt hơn việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Cử tri Ngô Xuân Nhân cũng cho biết, năm 2018 mục tiêu tỉnh Thanh Hóa thành lập mới 3.000 doanh nghiệp.

Tính đến tháng 9/2018, toàn tỉnh đã thành lập mới 2.066 doanh nghiệp, tăng 21,2% so với cùng kỳ và đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới. Qua đó nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên trên 18.000 doanh nghiệp, trong đó có 11.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã đóng góp ngày càng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành, tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa; các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt. Đồng tình với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) về mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có triệu doanh nghiệp, đây là mục tiêu khó thực hiện, bởi tốc độ thành lập doanh nghiệp đang giảm dần.

Cử tri Phạm Quang Thư, Phó Chủ tịch Hội da cam tỉnh Thanh Hóa bày tỏ đồng tình với ý kiến thảo luận của các đại biểu về tình trạng làm giả hồ sơ để được hưởng chế độ thương, bệnh binh, đề nghị cần có giải pháp bảo vệ người đứng ra tố cáo các đối tượng có dấu hiệu làm giả hồ sơ thương, bệnh binh bởi họ là người cùng làng, cùng xã nên dễ bị các đối tượng này trả thù.

Trong năm 2018, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra, xác minh trên địa bàn thành phố Sầm Sơn và huyện Quảng Xương có 12 trường hợp cung cấp hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ thương binh không đúng quy định. Căn cứ vào kết quả điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa thu hồi giấy chứng nhận thương binh, truy thu số tiền hưởng sai quy định của các trường hợp nêu trên để xung công quỹ Nhà nước.

Giúp nông dân làm chủ và phát triển những kỹ thuật sản xuất tiên tiến

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh cho rằng không khí thảo luận tại Quốc hội rất sôi nổi, có chiều sâu và khá toàn diện. Việc tổ chức tường thuật trực tiếp phiên thảo luận về các vấn đề nóng liên quan đến quốc kế dân sinh là hết sức cần thiết. Đây chính là việc cải tiến, đổi mới phương pháp hoạt động của Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội. Phần tham luận của các đại biểu, có tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn và đóng góp được nhiều ý kiến vào báo cáo của Chính phủ. Các đại biểu thảo luận sôi nổi và có tinh thần trách nhiệm rất cao.

Cùng với việc ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước thời gian qua, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới. Nhìn chung, các thành viên của Chính phủ đã nắm chắc tình hình, thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình. Phần thảo luận của các đại biểu báo hiệu những tín hiệu khả quan về tình hình phát triển kinh tế thời gian tới. .

Trong quá trình thực hiện kế cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020, ở lĩnh vực khoa học công nghệ, nhìn từ góc độ 1 đơn vị phụ trách về khoa học công nghệ trên địa bàn 1 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhận thấy một trong những hạn chế cơ bản đang tồn tại là tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa được phổ biến và ứng dụng triển khai ở phạm vi rộng. Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 18 triệu dân, nhưng chỉ một phần rất nhỏ có khả năng cập nhật và làm chủ các công nghệ tương đối hiện đại. Đa phần người dân tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp không có khả năng làm chủ và phát triển những kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Điều này cho thấy một bức tranh tương phản so với những nước phát triển. Trong lĩnh vực nông nghiệp như ở Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, đa số các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tự đầu tư thiết bị máy móc và làm chủ công nghệ. Đây có thể nói là một hạn chế về lâu dài đối với khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Trà Vinh nói riêng nên tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ở những nội dung thiết thực, có đóng góp trực tiếp cho nền nông nghiệp Việt Nam. Ví dụ như trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xử lí chất thải hữu cơ, chế biến bảo quản sau thu hoạch, việc người dân áp dụng công nghệ và đồng thời hiểu được công nghệ mình đang áp dụng sẽ có vai trò quyết định để công nghệ là bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đang tập trung triển khai những nhiệm vụ giúp người dân tham gia trực tiếp vào quá trình ứng dụng công nghệ trong các loại hình sản xuất như nuôi tôm, chăn nuôi bò thịt, xử lí các phụ phẩm nông nghiệp, quản lí vùng nguyên liệu của các hợp tác xã …

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng tổng hợp Trà Vinh cho biết, ý kiến thảo luận của các đại biểu có chiều sâu, làm rõ nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận trong nhân dân thời gian qua. Doanh nghiệp rất đồng tình với những ý kiến thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Đúng như nhận định của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay còn thiếu minh bạch, nhiều rào cản và thủ tục.

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Thời gian qua, đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước; nhất là nguồn vốn vay tín dụng. Bên cạnh đó, việc gia tăng chi phí lao động và chi phí thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước cũng là những lo ngại đối với doanh nghiệp hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Quang mong muốn Chính phủ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo điều kiện phát triển một cách hài hòa giữa các khu vực trong nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép thành lập đăng ký kinh doanh, thủ tục thuê đất, thủ tục cấp tín dụng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng của các doanh nghiệp.

Để có thể phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách đẩy mạnh sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Chính phủ cũng cần tập trung cải cách bộ máy thực thi các chính sách, pháp luật thuế hiện hành theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng thuế điện tử, giảm bớt các hoạt động thanh kiểm tra không cần thiết. Đặc biệt, Nhà nước nên cân nhắc giảm bớt các loại phí.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-mong-muon-tao-dieu-kien-de-cac-doanh-nghiep-phat-trien-20181027133603729.htm