Cử tri Madagascar bỏ phiếu trong hi vọng chấm dứt đói nghèo, tham nhũng

Hàng triệu cử tri Madagascar đã xếp thành hàng dài để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 5 năm tới, trong bối cảnh quốc đảo Ấn Độ Dương này đang đấu tranh để chống lại tình trạng thất nghiệp, đói nghèo và tham nhũng.

Các cử tri xếp hàng chờ đợi đến lượt bỏ phiếu tại cuộc bầu cử Tổng thống tại điểm bỏ phiếu ở Antananarivo, Madagascar, ngày 7/11/2018. Ảnh: REUTERS/Malin Palm

Reuters đưa tin, ngày 7/11, người dân Madagascarbắt đầu xếp hàng từ lúc 6 giờ sáng tại Thủ đô Antananarivo. Cử tri Sahondramalala Nirisoa nói với Reuters rằng, cô đã đến sớm để kịp giờ làm.

“Tôi hi vọng và cầu nguyện cho một sự thay đổi. Đó là lý do tại sao tôi đến đây để bỏ phiếu", Nirisoa nói.

Tham gia tranh cử Tổng thống Madagascar có 36 ứng cử viên, trong đó, 3 ứng cử viên được đánh giá có triển vọng nhấtlà cựu Tổng thống Hery Rajaonarimampianina (60 tuổi, nhiệm kỳ 1/2014 - 9/2018); cựu Tổng thống Marc Ravalomanana (68 tuổi, nhiệm kỳ 5/2002 - 3/2009, là lãnh đạo phe đối lập) và ông Andry Rajoelina (44 tuổi, nhiệm kỳ 2009 - 2014). Đây được đánh giá là cuộc bầu cử chưa từng có tiền lệ với 3 ứng viên tiềm năng nhất đều là các cựu nguyên thủ quốc gia.

Cả 3 ứng viên đều đã thực hiện các chiến dịch tranh cử và mỗi người đều cam kết đẩy nhanh sự phục hồi cho nền kinh tế mà theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sẽ tăng trưởng ở mức hơn 5% trong năm nay - mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.

Trong khi đó, các nhóm xã hội dân sự cáo buộc cả 3 ứng viên chạy đua ghế Tổng thống có hành vi làm giàu cho bản thân khi tại vị. Tuy nhiên, họ đều đã phủ nhận các cáo buộc.

Trong đó, có cáo buộc liên quan đến một hợp đồng thủy sản ký kết giữa Chính phủ của ông Rajaonarimampianina với các công ty Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua là thiếu minh bạch và hợp đồng này sẽ gây thiệt hại, khiến các ngư dân địa phương trở nên nghèo khổ.

Họ cũng cho rằng, cựu Tổng thống Ravalomanana đã thất bại trong việc giải quyết tham nhũng trong thời gian ông tại vị. Nhiệm kỳ của ông Ravalomanana kết thúc vào năm 2009 dưới sức ép từ các cuộc biểu tình do cựu Thị trưởng thủ đô Antananarivo là ông Andry Rajoelina, được sự hậu thuẫn của quân đội, đã lật đổ Tổng thống Marc Ravalomanana, mở đường cho việc đưa ông Andry Rajoelina lên làm Tổng thống lâm thời.

Các nhóm xã hội dân sự sau đó cáo buộc ông Andry Rajoelina đã thu lợi từ việc tham ô tài nguyên khoáng sản thiên nhiên.

Có gần 10 triệu cử tri đã tiến hành bỏ phiếu tại 24.582 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc ở quốc gia 25 triệu dân này, theo dữ liệu từ Ủy ban Bầu cử độc lập quốc gia (INEC) của Madagascar.

Công tác kiểm phiếu được tiến hành ngay sau khi các điểm bầu cử đóng cửa. Kết quả được công bố trước ngày 19/11 tới.

Một số ít nhà phân tích mong đợi một chiến thắng hoàn toàn từ cả 36 ứng cử viên.

Trong số các ứng viên được xem là tiềm năng tại cuộc bầu cử lần này, ngoài 3 cựu Tổng thống còn có 2 cựu thủ tướng, một số mục sư và một ngôi sao nhạc rock. Để giành chiến thắng, ứng viên phải giành được ít nhất 50% số phiếu bầu.Nếu không, sẽ phải bỏ phiếu vòng 2 vào ngày 19/12, khi ấy chỉ có 2 ứng viên đứng hàng đầu tham gia tranh cử.

Kể từ sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Andry Rajoelina hồi năm 2009 cho đến cuộc bầu cử hòa bình năm 2013, cộng đồng thế giới đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Madagascar và giới đầu tư quyết định đóng băng các khoản hỗ trợ ngân sách quan trọng đối với nước này. Các nhà đầu tư nước ngoài dời bỏ đất nước được cho là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới mặc dù giàu trữ lượng niken, coban, vàng, uranium và các khoáng sản khác.

Mới đây, quốc đảo này đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra vào tháng 4 vừa qua, bắt nguồn từ nỗ lực thay đổi Luật Bầu cử của Chính phủ ông Rajaonarimampianina đã không đạt được đồng thuận, dẫn tới các cuộc biểu tình kéo dài. Những người biểu tình đã chiếm giữ quảng trường trung tâm Thủ đô Antananarivo từ tháng 4 đến tháng 6 để phản đối việc Tổng thống Rajaonarimampianina thay đổi luật bầu cử được cho là để có lợi cho đảng cầm quyền.

Ông Rajaonarimampianina sau đó đã cho thông qua một đạo luật mới loại bỏ điều khoản gây tranh cãi, cho phép cựu Tổng thống Ravalomanana có thể đăng ký làm ứng viên Tổng thống trong cuộc bầu cử lần này.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/cu-tri-madagascar-bo-phieu-trong-hi-vong-cham-dut-doi-ngheo-tham-nhung_t114c52n140995