Cử tri kiến nghị về xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng

Cử tri còn băn khoăn về quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách

Trong năm 2020 có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng - (Ảnh minh họa)

Trong năm 2020 có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng - (Ảnh minh họa)

Theo ý kiến cử tri, việc xác định mức độ nghiêm trọng của vụ án tham nhũng để xác định hình thức xử lý trách nhiệm đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng có một số điểm không phù hợp.

Vào ngày 12/12 tới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020. Đây cũng là lĩnh vực được cả đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm.

Nhiều năm nay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri cả trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, cử tri đều bày tỏ bức xúc trước sự hoành hành của tham nhũng, đề nghị đẩy mạnh phòng chống loại "giặc" này. Cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tiếp xúc với Tổng bí thư, Chủ tịch nước, cử tri đều bày tỏ đánh giá cao kết quả công tác phòng chống, tham nhũng.

Tuy nhiên, gửi kiến nghị đến kỳ họp thứ 10 vừa qua của Quốc hội, cử tri còn băn khoăn về quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi chung là người đứng đầu) khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/ 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu được căn cứ vào bốn mức độ của vụ việc tham nhũng: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Cụ thể, vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng chưa đến mức bị xử lý hình sự hoặc bị xử lý hình sự bằng hình thức phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

Vụ việc tham nhũng nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm;

Vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 07 năm đến 15 năm;

Vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 05 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nếu để cơ quan, đơn vị xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng thì người đứng đầu bị khiển trách, để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng thì bị cảnh cáo, để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng thì bị cách chức.

Theo kiến nghị của cử tri thì những trường hợp bị cáo được giảm nhẹ hình phạt do có các tình tiết giảm nhẹ “chỉ liên quan đến bị cáo” như nhân thân tốt (có công với cách mạng, gia đình có người là liệt sĩ), tự thú, lập công chuộc tội … theo Bộ Luật hình sự, nhưng không có ý nghĩa làm giảm trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong công tác quản lý để xảy ra tham nhũng. Do đó việc căn cứ mức án để xác định hình thức xử lý trách nhiệm thủ trưởng để xảy ra tham nhũng là cần phải xem xét lại.

Cử tri cũng cho rằng, trường hợp các bị cáo đều bị kết án trong cùng khung án, thì trách nhiệm của thủ trưởng nơi để xảy ra tham nhũng chưa hợp lý. Cụ thể là 1 vụ án có nhiều bị cáo trong cùng đơn vị và 1 vụ án có 1 bị cáo, nhưng theo quy định hiện hành mức xử lý đối với Thủ trưởng đơn vị là giống nhau. Quy định này về bản chất không hợp lý, cần phải xem xét lại.

Liên quan đến vấn đề cử tri quan tâm, gửi báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 đến Quốc hội ở kỳ họp thứ 10 vừa qua, Chính phủ cho biết, các cấp, các ngành đều chú trọng thực hiện nghiêm các quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng. Đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tiếp nhận, xử lý các phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng; kịp thời tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ để phục vụ điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Như Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến…

Những người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách đều được xem xét để xử lý theo quy định. Trong năm có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự.

Cụ thể Bộ Tài chính 4 người; Bộ Xây dựng 4 người; Bảo hiểm xã hội 1 người; Sơn La 2 người; Cao Bằng 2 người; Thái Nguyên 5 người; Hải Phòng 1 người; Hòa Bình 3 người; Thái Bình 1 người; Gia Lai 1 người; Bình Thuận 23 người; Khánh Hòa 6 người; Đồng Nai 1 người; Tây Ninh 3 người; Tiền Giang 3 người; Đồng Tháp 1 người; An Giang 6 người; Kiên Giang 2 người.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cu-tri-kien-nghi-ve-xu-ly-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-phong-chong-tham-nhung-d134299.html