Cử tri hỏi đại biểu QH 'ai ký quyết định cưỡng chế nhà dân Thủ Thiêm'?

Đến hơn 18h giờ tối, buổi tiếp xúc cử tri vẫn tiếp tục, người dân Thủ Thiêm liên tục 'truy' trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM. Nhiều ý kiến chất vấn bà Tâm, rằng người đưa ra quyết định cưỡng chế có đáng bị truy cứu hình sự không?

Bà Lê Thị Thơ, phường An Lợi Đông bức xúc: “Nhà tôi bị cưỡng chế năm 2009, nếu không bồi thường, chúng tôi sẽ quay về nơi cũ cất nhà ở, không lang thang đầu đường xó chợ mãi nữa". Là gia đình liệt sỹ ở Thủ Thiêm mấy đời nhưng năm 2009 nhà của bà Thơ bị cưỡng chế, tài sản mất mát không còn tiền nuôi con. Bà Thơ nói, chính quyền chuyển thẳng tiền bồi thường nhà đất vào thanh toán căn hộ tái định cư. "Tiền bồi thường một hai trăm triệu, căn hộ giá cả tỷ đồng thì làm sao mua nổi”, bà Thơ nghẹn ngào.

Dù đã tối, người dân vẫn ngồi lại hành lang xem buổi tiếp xúc cử tri

Dù đã tối, người dân vẫn ngồi lại hành lang xem buổi tiếp xúc cử tri

Còn bà Trịnh Tố Quyên, phường Bình An nhớ lại thời gian bị cưỡng chế. “Dân đã nhường nhịn quá lâu rồi. Giấy tờ chỉ đạo trung ương đưa vào, TPHCM ém luôn, quá hạn báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhưng TP cũng không thực hiện, làm khổ dân”.

Dân Thủ Thiêm yêu cẩu xử lý cá nhân sai phạm, dù đã về hưu

Tiếp tục truy hỏi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, bà Nguyễn Thị Hà, ngụ phường Bình An nói, Tổ Đại biểu Quốc hội nhiều lần gặp dân nhưng có đại biểu tránh né dân. "Chúng tôi muốn chính quyền, đại biểu Quốc hội phải trả lời ai đã ký quyết định cưỡng chế nhà chúng tôi dù trong ranh hay ngoài ranh?"- bà Hà đặt câu hỏi.

Về hưu cũng phải xử lý

“Mười mấy năm nay chúng tôi đấu tranh, cầu cứu tới lãnh đạo cấp cao nhưng Trung ương dù có chỉ đạo song chưa bao giờ TP giải quyết mà chỉ làm một việc là cưỡng chế”, ông Đặng Văn Truyền, phường Bình An bức xúc, kể tội.

Nhiều người đón con đi học về và ghé lại theo dõi

Trong khi đó, bà Đào Bé, phường Bình An, đại diện 21 giáo viên, công nhân viên kiến nghị nên mở hội nghị nhân dân giải quyết vấn đề Thủ Thiêm. Tại sao đã hơn 3 tháng kể từ lúc TTCP kết luận nhưng lãnh đạo TP HCM không trực tiếp xuống gặp dân, xem dân sinh sống như thế nào?

Dân Thủ Thiêm theo dõi qua màn hình

Bà Bé cũng cho rằng, TP HCM phải có giải pháp căn cơ và quyết tâm. Nếu làm theo kiểu "ném đá ao bèo" thì sẽ không bao giờ khép lại được vụ này. "Đề nghị TP HCM kiến nghị Thủ tướng lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện, công khai kết quả cho dân", bà Bé kiến nghị.

Bà Lê Thị Sáu kiến nghị: “Đề nghị cán bộ làm sai dù về hưu vẫn phải đưa ra xử, không được tư duy nhiệm kỳ, hạ cánh an toàn. Cán bộ làm sai, tham nhũng để xây biệt phủ.

Một số cử tri cho rằng, Thủ Thiêm là đại án, 160 ha tái định cư của dân thì phải trả lại cho dân. Những gì thuộc của dân phải trả lại cho dân. "Tết sắp đến, đề nghị lãnh đạo TP HCM vi hành đến nơi ở của những hộ còn sót lại để hiểu dân sống khổ sở thế nào", một cử tri nói.

Trả lời cử tri, bà Quyết Tâm cho rằng, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu chính quyền đưa ra các phương án "sửa sai bằng được" rồi sẽ thảo luận với người dân để giải quyết.

"Ưu tiên số một của Ban Thường vụ Thành ủy là giải quyết quyền và lợi ích người dân, đồng thời sẽ kiểm điểm, xử lý cán bộ sai phạm... Để sai sót ở Thủ Thiêm thế này là trách nhiệm của thành phố", bà Tâm nói.

Huy Thịnh - Đình Du

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cu-tri-hoi-dai-bieu-qh-ai-ky-quyet-dinh-cuong-che-nha-dan-thu-thiem-1348186.tpo