Cử tri Hà Nội đóng góp ý kiến phát triển hạ tầng đô thị

Trước thềm Kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV, chiều 14/11, tổ đại biểu số 2, HĐND thành phố tiếp xúc cử tri 18 phường của quận Hoàn Kiếm.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ mong muốn lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.

Nêu ý kiến về việc cải tạo nhà tập thể, chung cư cũ, cử tri Phùng Thị Bích Hải, phường Cửa Nam cho biết, trên địa bàn phường Cửa Nam và quận Hoàn Kiếm hiện có một số nhà tập thể, chung cư xuống cấp, đe dọa an toàn của cư dân. Chính quyền quận Hoàn Kiếm đã nỗ lực mời các đơn vị uy tín để tìm phương án cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ như chung cư 151 Lê Duẩn, chung cư 112 Trần Hưng Đạo, chung cư 92 Hai Bà Trưng… Tuy nhiên, đến nay, cử tri vẫn chưa rõ thông tin tiến độ triển khai các dự án. Cử tri phường Cửa Nam đề nghị thành phố sớm có thông tin, hướng dẫn triển khai các dự án này.

Chung ý kiến với cử tri Phùng Thị Bích Hải, cử tri Phạm Văn Nguyên, phường Phan Chu Trinh cho rằng, hiện nay, số chung cư cũ trên địa bàn thành phố được cải tạo rất ít. Có những chung cư sử dụng nhiều năm, xuống cấp trầm trọng gây mất an toàn cho cư dân sống tại đó. Không chỉ vậy, với thiết kế từ nhiều năm trước, các căn hộ thường nhỏ, không có tầng hầm gửi xe, cầu thang đi chung chật hẹp, đến nay vôi vữa bong tróc, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo.

Trong khi đó, một số hộ gia đình sống qua nhiều thế hệ, phải cơi nới khiến các chung cư biến dạng làm mất mỹ quan. Khi cải tạo, người dân muốn tái định cư tại chỗ, tăng diện tích sử dụng phù hợp với cuộc sống trong khi nhà đầu tư bị khống chế về tầng cao xây dựng, không có lợi nhuận nên không “mặn mà” triển khai. Cử tri đề nghị thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác cải tạo chung cư cũ, đưa ra những chính sách đặc thù để thu hút đầu tư như cho phép tăng số tầng, triển khai theo hình thức cải tạo chung cư cũ kết hợp xây dựng các dự án khác đi kèm để sinh lợi nhuận.

Đóng góp ý kiến về việc quản lý sử dụng quỹ nhà đất dôi dư trên địa bàn thành phố, cử tri Lê Tiến Hùng, Phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian qua, quận Hoàn Kiếm được thành phố chuyển giao một số cơ sở nhà đất sử dụng không hiệu quả làm trường học, khu vui chơi… Hiện, địa bàn quận vẫn còn một số cơ sở nhà đất dôi dư mà thành phố đang giao cho các tổ chức kinh tế thuê để phục vụ mục đích kinh doanh, tuy nhiên một số đơn vị sử dụng sai mục đích hoặc cho thuê lại. Cử tri đề nghị thành phố tạo điều kiện, bàn giao các cơ sở nhà đất dôi dư cho quận quản lý, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.

Bên cạnh đó, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố quan tâm triển khai các tuyến đường phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Cử tri Nguyễn Đắc Tiến, phường Phúc Tân kiến nghị, là phường nằm ngoài đê sông Hồng, có địa hình thấp trũng, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các hộ dân nơi đây thường xuyên bị đe dọa bởi úng ngập. Những năm trước, đường Hồng Hà, tuyến đường quan trọng của phường Phúc Tân được cải tạo giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, do việc xây dựng, cải tạo không theo quy hoạch, mật độ lưu thông lớn nên tuyến đường này nhanh chóng xuống cấp, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trước tình trạng trên, thành phố đã có quyết định cải tạo, nâng cấp đường Hồng Hà dài 2,7 km đoạn từ cầu Long Biên đến ngã tư Vạn Kiếp, nhân dân phường Phúc Tân rất mong chờ nhưng đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện. Cử tri phường Phúc Tân đề nghị thành phố quan tâm, sớm triển khai dự án này.

Cử tri Trịnh Viết Thoại thay mặt cử tri phường Chương Dương bày tỏ mong muốn thành phố quan tâm nối đường hầm từ Chương Dương Độ đến Trần Nguyên Hãn để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân trong khu vực.

Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của cử tri quận Hoàn Kiếm tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ năm 1956 đến nay, trên địa bàn có gần 1.600 chung cư. Riêng quận Hoàn Kiếm có 120 chung cư cũ, thành phố đã giao cho quận rà soát, kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo phương án chủ đầu tư tự thỏa thuận với cư dân, di dời dân cư trên cơ sở tính toán hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với chủ đầu tư và bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn quy hoạch của thành phố.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, từ quý II/2016, thành phố đã tiến hành rà soát lại hệ thống trường học trên địa bàn. Quá trình rà soát cho thấy số phòng học không quá tải nhưng phân bố không đồng đều. Khu vực trung tâm thành phố, nhất là 4 quận nội thành cũ, cơ sở vật chất trường học và giáo viên thiếu trầm trọng.

UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nâng số tầng, mở rộng các lớp học. Thời gian tới, khi trụ sở các sở, ban, ngành chuyển về khu liên cơ trên đường Võ Chí Công, thành phố ủng hộ chủ trương sắp xếp, phát triển các trường mẫu giáo trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có thời gian để ổn định xử lý.

Với dự án xây dựng hầm đường bộ Chương Dương, thành phố đã giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, hiện đang nghiên cứu thiết kế chiều cao để đảm bảo bảo phù hợp về mặt kiến trúc, cảnh quan. Dự kiến sẽ hoàn thành trước 10/10/2019, nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019). Với dự án cải tạo, nâng cấp đường Hồng Hà, thành phố đã giao Ban Duy tu, Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Sau Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố thông qua danh mục đầu tư, dự án sẽ được triển khai.

Mai Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-ha-noi-dong-gop-y-kien-phat-trien-ha-tang-do-thi-20181114202218131.htm