Cử tri Hà Nội đề nghị giám sát việc 'duyệt' các dự án nhà ở

Cử tri Hà Nội đề nghị kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm của các sở ngành thành phố liên quan đến các dự án xây dựng nhà ở, cũng như quản lý chặt chẽ các khu đất sau di dời, đấu giá công khai minh bạch, để tránh thất thu cho ngân sách.

Dưới chiêu cổ phần hóa, khu đất "vàng" 47 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) của Cty Dệt mùa đông đã thành tổ hợp nhà chung cư để bán, trong khi người lao động người thì mất việc, người thì buộc phải đi làm xa sau khi di dời.

Đề nghị kiểm tra, giám sát các dự án BĐS

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 HĐND TP, với những phản ánh, kiến nghị của về nhiều vấn đề bức xúc.

Trong đó vấn đề về quản lý đô thị, quy hoạch, đất đai được cử tri nhiều quận, huyện đề cập, với việc đề nghị thành phố không xây dựng nhiều chung cư mới cao tầng trong trung tâm làm ảnh hưởng giao thông-đô thị của Thủ đô.

Cử tri quận Hoàn Kiếm, đề nghị thành phố chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm của các Sở ngành, thành phố quận, huyện liên quan đến dự án xây dựng nhà ở, trong đó các dự án nhà ở chung cư cao tầng.

Trả lời vấn đề này, theo UBND TP Hà Nội liên quan đến dự án xây dựng nhà ở, thành phố có văn bản về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản (BĐS).

Trong đó giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện… như: Sở Kế hoạch- Đầu tư theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư dự án BĐS triển khai đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ; Tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án có tiến độ thực hiện dự án chậm so với tiến độ đã được phê duyệt, xác định rõ nguyên nhân.

Thành phố giao Sở TN-MT chủ trì kiểm tra, rà soát, tổng hợp danh mục các dự án bất động sản đã được bàn giao đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng phải xử lý theo quy định. Thành phố cũng yêu cầu các sở ngành, trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, thẩm định chủ trương đầu tư, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng đối với các dự án BĐS cần thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án (nhất là các dự án cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp), bảo đảm tuân thủ pháp luật. Ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.

Thành phố cho rằng, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình cao tầng trong khu vực nội đô theo đúng Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không để xảy ra quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực.

Hà Nội yêu cầu công bố công khai các dự án BĐS đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh; Công bố công khai các dự án chậm tiến độ, các dự án đã được giao đất nhưng chủ đầu tư chậm trễ trong việc xác định nghĩa vụ tài chính của dự án, các dự án chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân.

Cử tri quận Thanh Xuân đề nghị công khai đấu giá các khu đất sau khi di dời tránh thất thoát ngân sách nhà nước. (Trong ảnh là khu đất 47 Nguyễn Tuân sau khi di dời thay vì xây dựng công trình công cộng đô thị là những khu nhà chọc trời với cả nghìn căn hộ cao cấp được bán của các đại gia BĐS)

Yêu cầu công khai đấu giá các khu đất sau di dời

Ngoài lo ngại về việc phê duyệt nhiều khu nhà ở cao tầng nội đô gây ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng, cử tri quận Thanh Xuân đề nghị thành phố quản lý chặt chẽ các khu đất của các đơn vị sau di dời. Tổ chức đấu giá công khai minh bạch, để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Trả lời, kiến nghị này của cử tri, theo UBND TP Hà Nội tại Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị (ban hành kèm theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ) quy định các hình thức xử lý đất tại vị trí cũ sau di dời như: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN phải di dời thực hiện bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Nhà nước thu hồi đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN phải di dời để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đối với DN phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo lý giải của UBND TP Hà Nội, việc sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng trường học cần căn cứ hình thức xử lý nêu trên và phải phù hợp quy hoạch. Trên cơ sở hình thức xử lý đất sau di dời của từng đơn vị, thành phố tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất căn cứ khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013. “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản ngày 7/3/2017, thành phố đã chỉ đạo tạm dừng thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ”, báo cáo nêu rõ.

Tú Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/dia-oc/cu-tri-ha-noi-de-nghi-giam-sat-viec-duyet-cac-du-an-nha-o-1214667.tpo