Cử tri đồng tình, tự hào về sự phát triển đất nước trong nhiệm kỳ Chính phủ

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, sau khi nghe báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội thì các đại biểu, cử tri đều đồng tình, ủng hộ và tự hào về sự phát triển của đất nước.

Toàn cảnh phiên họp tại tổ chiều ngày 25/3. (Ảnh: Bích Liên)

Toàn cảnh phiên họp tại tổ chiều ngày 25/3. (Ảnh: Bích Liên)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 25/3 Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu cho ý kiến về Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, trong đó nhất trí với đánh giá là nhiệm kỳ “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đoàn Quảng Ngãi: Quan điểm chỉ đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ qua rất nhất quán, xuyên suốt, đó là đường lối đổi mới, mở cửa. Đây là vấn đề then chốt để chúng ta có điều kiện phát triển, hội nhập sâu rộng trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh. Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh việc chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. “Chúng ta thấy rất rõ vai trò trong chủ động hội nhập rất lớn, từ chỗ tham gia các khuôn khổ hợp tác quốc tế thì giờ chúng ta đã chủ động dẫn dắt, nhất là vai trò trong ASEAN. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, từ CPTPP đến gần đây là VASEP... đều khẳng định vị thế, uy tín của chúng ta, mang lại hiệu quả chiến lược hội nhập theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Chính nhờ điều này, kinh tế trong nước và xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mang tính bền vững, thể hiện qua các chuỗi cung ứng quốc tế", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, năm 2020 COVID-19 làm tất cả các nước tăng trưởng âm, chỉ có Việt Nam đạt tăng trưởng xuất khẩu 6,2%. Chính đà tăng trưởng này giúp chúng ta duy trì đà sản xuất, thị trường cho người nông dân, các doanh nhiệp và tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Với việc hội nhập, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp được khẳng định. Các sản phẩm của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo được khẳng định. Nông nghiệp tăng trưởng vô cùng ấn tượng, tác động lớn đến giao thương với các nước trên thế giới của Việt Nam...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị cần làm rõ các vướng mắc, bất cập của các chính sách pháp luật; cần tổ chức tốt hơn công tác xây dựng pháp luật, thực thi chính sách; tăng cường kỷ luật hành chính của đội ngũ cán bộ công chức các cấp.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Dương Quốc Anh (Gia Lai) nêu rõ, thành công nhìn thấy rõ ràng nhất trong nhiệm kỳ của Chính phủ đó là sự phát triển về kinh tế theo hướng hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh với đảm bảo sự tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.

“Thực sự là một Chính phủ kiến tạo, năng động, hoàn toàn là vì dân. Kết quả mà chúng ta cũng thấy là một sự sự thay đổi và cải cách thủ tục hành chính. Chúng ta đã xử lý được rất nhiều khó khăn đặt ra đối với nền kinh tế. Cả nhiệm kỳ vừa qua 4 năm đầu là tăng trưởng trung bình là khoảng 7%. Riêng năm cuối, khi chúng ta có 2,91 %, nhưng là một trong bốn nước mới có phát triển dương như vậy”, đại biểu bày tỏ.

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), điểm tích cực nhất trong hoạt động của Chính phủ, đó là mở rộng quan hệ đối ngoại, đồng thời từng Bộ có trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện những giải pháp quan trọng của mình. Cụ thể như trong tinh giản biên chế phòng, chống COVID-19, hoặc trong mở rộng đối ngoại. Hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam quan hệ giữa các nước ngày càng được mở rộng.

Quan tâm đến báo cáo của Chính phủ nhiệm kỳ qua, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho hay, sau khi nghe báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội thì các đại biểu, cử tri đều đồng tình, ủng hộ và tự hào về sự phát triển của đất nước.

Đại biểu cho biết, dù tác động của đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn là số ít nước đạt tăng trưởng kinh tế, người dân dân tự hào, hạnh phúc và thấy giá trị của cuộc sống an toàn do giữ được trạng thái sản xuất, sinh hoạt trong trạng thái bình thường mới, trong khi hiện nay rất nhiều quốc gia đang phải cách ly để ngăn chặn dịch bệnh. Việt Nam dù là nền kinh tế đi sau nhưng bắt kịp xu thế phát triển khi xây dựng nền kinh tế số. Bảo vệ môi trường có thay đổi tích cực như thông điệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Cải cách hành chính, thể chế được thực hiện mạnh mẽ trong suốt nhiệm kỳ.

Cũng nhấn mạnh yếu tố “con người” quyết định sự thành bại, đại biểu Thành cho rằng, cần tăng cường đổi mới, tiếp cận theo quan điểm mới hơn nữa trong giáo dục vì giáo dục là gốc tạo nên giá trị, tạo nền tảng. Bên cạnh đó, từ giáo dục cũng liên quan trách nhiệm của ngành Nội vụ để tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng và đánh giá cán bộ. Và chỉ khi nào chúng ta có thang bậc đánh giá chuẩn thì mới chọn được con người tốt vào bộ máy. Đại biểu mong rằng nhiệm kỳ tới có chỉ đạo nghiên cứu sâu sắc hơn vấn đề này, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa giáo dục và nội vụ vì giải quyết tốt hai khâu này sẽ tạo nền tảng tốt cho các khâu khác./.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/cu-tri-dong-tinh-tu-hao-ve-su-phat-trien-dat-nuoc-trong-nhiem-ky-chinh-phu-577259.html