Cử tri đề nghị xem xét lại việc tăng giá điện

Cho rằng việc muốn đóng dấu mật thông tin giá điện, xăng dầu là tham vọng, cử tri Hà Nội bình luận Bộ Công Thương đang chặn đường giám sát của người dân.

Sáng 4/5, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội (đơn vị bầu cử số 1) có buổi tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình, Hoàn Kiếm trước thềm kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo nội dung chương trình tại kỳ họp tới đây, đại biểu Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, cho biết kỳ họp dự kiến khai mạc vào ngày 20/5, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 9 dự án luật, thông qua 7 dự án Luật và 2 Nghị quyết.

Một số dự án Luật được thông qua tại kỳ họp này là Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Kiến trúc (sửa đổi), Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công…

Ngành điện gây bất bình cho người dân

Nhắc đến vụ việc đang khiến dư luận rất bức xúc, cử tri Trần Công Dân (phường Thành Công, quận Ba Đình) cho hay quyết định tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế đã ảnh hưởng một phần đến cuộc sống hiện nay. Không bị thuyết phục khi các cơ quan luôn giải trình tăng giá điện do trời nóng, dùng quá nhiều… ông Dân đề nghị phải xem lại việc tăng giá điện của Bộ Công Thương.

Chung bức xúc, ông Kiều Quang Long (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) cho rằng trong khi người dân đang xôn xao tiền điện tăng đột biến theo giá mới, Bộ Công Thương lại có tham vọng đóng dấu mật vào thông tin giá điện, xăng bán ra cho người dân.

Cử tri Kiều Quang Long đề nghị công khai, minh bạch giá điện, tiến tới phá thế độc quyền của ngành điện. Ảnh: Ngọc Thắng.

Cử tri Kiều Quang Long đề nghị công khai, minh bạch giá điện, tiến tới phá thế độc quyền của ngành điện. Ảnh: Ngọc Thắng.

Nhấn mạnh những gì liên quan đến giá cả đều rất nhạy cảm, ông cho rằng mặt hàng điện do Nhà nước quản lý với cơ chế thị trường nên đòi hỏi phải minh bạch. Hiện, giá thành của mặt hàng này còn mơ hồ, chưa được tính toán công khai, cụ thể, bởi vậy, theo ông Long, “càng mật càng gây bất bình với người tiêu dùng”.

Ông thay mặt cử tri đề nghị minh bạch giá thành sản xuất điện, minh bạch giá chuyển tải và phân phối điện, không được phân biệt đối xử trong đàm phán mua bán điện với các đối tác sản xuất. Việc giá điện đang thiếu minh bạch mà Bộ lại muốn đóng dấu mật nữa thì "quá nuông chiều với ngành điện".

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về danh mục bí mật Nhà nước của ngành. Theo đó, báo cáo điều hành kinh doanh, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật.

Khoảng 10 năm trở lại đây không có văn bản Nhà nước nào quy định không công khai cách tính giá điện và chi phí đầu vào. Tuy vậy, thực tế các doanh nghiệp sản xuất điện tự thống nhất với nhau, đưa những thông tin này vào danh mục cấm.

"Nay Bộ Công Thương lại đề xuất đưa phương án điều chỉnh giá điện chưa công bố vào danh mục bí mật Nhà nước, nghĩa là đã, đang chính thức chặn đường giám sát giá điện của người dân", ông Long nêu ý kiến và cho rằng việc này trái ngược với các nguyên tắc giá cả các mặt hàng phải được công khai cho cả hai phía người mua và người bán, để đảm bảo điều kiện chi trả của người dân.

Theo ông, ngành điện đã và đang độc quyền nên phải bắt buộc công khai tính giá, chi phí đầu vào để khách hàng kiểm soát, tiến tới phải phá thế độc quyền và minh bạch giá điện.

“Ở nhiều quốc gia, việc mua hàng càng nhiều giá càng rẻ nhưng ở ta thì ngược lại”, ông bình luận.

Giải đáp băn khoăn của cử tri, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chính thức có ý kiến về việc tăng giá điện.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành thành lập đoàn kiểm tra và báo cáo lại Chính phủ toàn bộ các vấn đề liên quan đến giá điện trong tháng 6, đảm bảo công khai, minh bạch.

Quy định tuổi nghỉ hưu cho chính khách gây thiệt thòi cho đất nước

Tham gia ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Trần Đình Khai (ngụ Giảng Võ, Ba Đình) cho biết cử tri rất quan tâm đến chế định tuổi nghỉ hưu. Đây là vấn đề lớn, chúng ta cũng có rất nhiều cuộc họp nhưng chưa giải quyết được căn cơ .

Cử tri Trần Đình Khai đề xuất không quy định tuổi nghỉ hưu với các chính khách. Ảnh: Ngọc Thắng.

Ông đồng tình việc thay đổi tuổi nghỉ hưu vì như hiện tại đã không còn phù hợp, làm lãng phí lượng chất xám lớn và kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia - những người đã được Nhà nước đầu tư đào tạo rất công phu và bài bản.

Cử tri phường Giảng Võ góp ý nên lượng hóa triệt để các đối tượng lao động theo từng ngành nghề để quy định tuổi nghỉ hưu, không nên có quy định chung như hiện nay.

Cụ thể hơn, với những người lao động nặng thì có thể giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại, nhưng với nhóm công chức, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao thì có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Dẫn chứng quy định ở một số nước không quy định độ tuổi nghỉ hưu cho các chính khách, lãnh đạo cấp cao mà điều này phụ thuộc vào việc bầu và sự tín nhiệm của nhân dân, ông Khai cho rằng chúng ta có thể xem xét nghiên cứu sửa đổi theo hướng đó.

"Quy định tuổi nghỉ hưu cho chính khách rất thiệt thòi cho đất nước. Có những người làm rất tốt nhưng vừa được bầu một nhiệm kỳ đã đến tuổi nghỉ hưu, người mới vào phải bắt đầu lại từ đầu", ông Khai nói và kiến nghị có quy định riêng về tuổi nghỉ hưu cho chính khách, lãnh đạo.

Buổi tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng.

Về ngày nghỉ của người lao động, ông cho rằng việc đề xuất thêm một ngày nghỉ lễ trong năm “không giải quyết được gì”. Thay vào đó, nên nghiên cứu nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài để người lao động có cơ hội sum họp với gia đình.

Vị cử tri này cũng lưu ý mục tiêu hạn chế lợi ích nhóm trong làm luật. Bởi lẽ với kinh nghiệm tham gia xây dựng luật nhiều năm, ông thấy ngành nào cũng giành lợi về mình, còn đẩy người lao động vào thế yếu.

Hoài Thu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tham-vong-dong-dau-mat-thong-tin-gia-dien-xang-gay-bat-binh-cho-dan-post942603.html