Cử tri các đồng bào dân tộc thiểu số hướng về ngày bầu cử

Không khí chuẩn bị cho ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang lan tỏa trong các vùng đồng bào dân tộc trên khắp cả nước.

Cử tri dân tộc Mông xã Pù Nhi, huyện biên giới Mường Lát hướng về ngày bầu cử. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Cử tri dân tộc Mông xã Pù Nhi, huyện biên giới Mường Lát hướng về ngày bầu cử. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Những ngày này, không khí chuẩn bị cho ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang lan tỏa trong các vùng đồng bào dân tộc trên khắp cả nước.

Thanh Hóa: Cử tri dân tộc Mông vùng biên hướng về ngày bầu cử

Tại huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, nơi có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, công tác chuẩn bị cho bầu cử đã hoàn tất.

Nhiều cử tri gửi gắm mong muốn, các ứng cử viên khi trúng cử sẽ thực hiện tốt trách nhiệm với nhân dân, phục vụ lợi ích chung của địa phương.

Bản Pù Ngùa, xã biên giới Pù Nhi là bản đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, để chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, giới thiệu ứng cử viên và vận động người dân tộc Mông trong bản Pù Ngùa cùng chuẩn bị cho ngày bầu cử. Đến nay người dân tộc Mông trong bản đã nhận được thẻ cử tri và phấn khởi hướng đến ngày bầu cử.

Ông Thao Trúc Pó, Bí thư kiêm Trưởng bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, cho biết Điểm bầu cử số 5 của bản Cá Tớp-Pù Ngùa có 705 cử tri. Ngày 22/5, tổ bầu cử tập trung dân bản để phát thẻ cử tri, người dân tộc Mông trong bản Pù Ngùa sẵn sàng cho ngày bầu cử.

Tại nhà văn hóa bản Pù Ngùa, danh sách cử tri ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp đã được công bố, khắp các tuyến đường bản Pù Ngùa đã được treo băngrôn, treo cờ, tạo ra không khí phấn khởi chờ ngày bầu cử trong đồng bào dân tộc Mông ở địa phương.

Chị Và Thị Xó, bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi cho hay: "Ngày mai là ngày bầu cử, tôi đã nói với người thân và dân bản luôn đeo khẩu trang khi đi bầu cử. Người dân bản Pù Ngùa chúng tôi đã nhận thẻ cử tri để sẵn sàng cho ngày bầu cử."

Xã Pù Nhi có 1.102 hộ với 5.071 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 73%, còn lại là dân tộc Khơ Mú, Dao, Thái, Mường…

Cờ Tổ quốc được treo khắp tuyến đường xã Pù Nhi, huyện biên giới Mường Lát để chào mừng ngày bầu cử. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Hiện công tác chuẩn bị bầu cử đã hoàn tất, danh sách cử tri ứng cử được dán tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã và nhà văn hóa các bản.

Huyện Mường Lát đã lập 70 tổ bầu cử, các cử tri sẽ bầu 3 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong số 5 ứng cử viên, bầu 30 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện trong số 50 ứng cử viên và bầu 280 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Ông Lò Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mường Lát, cho biết công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử trên địa bàn huyện đã hoàn thành. Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, huyện Mường Lát đã tuyên truyền đến các điểm bầu cử phải có máy đo thân nhiệt, khẩu trang và nước sát khuẩn, khoảng cách người đi bỏ phiếu đúng khoảng cách.

Tại các huyện miền núi khác như Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh của tỉnh Thanh Hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số các thôn, bản cũng đang háo hức chờ đến ngày 23/5 để đi bầu cử. Công tác chuẩn bị cho bầu cử của tỉnh đã hoàn tất để sẵn sàng cho ngày hội non sông.

Ngày hội non sông ở vùng núi Khánh Vĩnh

Chỉ chưa đầy một ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cùng với người dân cả nước, đồng bào các dân tộc trên vùng núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đang náo nức chờ đón ngày bầu cử bằng niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Cách trung tâm xã Khánh Phú khoảng vài km, đồng bào dân tộc thiểu số Raglai sống tập trung nhiều ở thôn Nước Nhĩ.

Để chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới, ngoài việc được Tổ bầu cử tuyên truyền, vận động bà con tới khu vực bỏ phiếu đúng giờ, bảo đảm đúng trình tự, quy định, tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19, những người dân nơi đây xác định rõ việc bỏ những lá phiếu để chọn ra những đại biểu có đức, có tài, có trình độ, thay mình quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, của địa phương.

Bởi vậy, bà con ngày ngày ra nhà văn hóa thôn để đọc thông tin về những ứng cử viên trên danh sách được niêm yết, từ đó lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho người dân nói lên những tâm tư, nguyện vọng của bà con trước Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Nhà cộng đồng Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa rực rỡ trước Ngày bầu cử. (Nguồn: TTXVN)

Ông Cao Bình, người đồng bào dân tộc Raglai - cử tri thôn Nước Nhĩ cho biết, ông có 2 người con, trong đó có con gái đầu đã 19 tuổi. Cùng với vợ, kỳ bầu cử lần này gia đình ông sẽ có 3 người tham gia bỏ phiếu bầu cử. Ông Cao Bình đã trải qua 4 lần thực hiện quyền công dân của mình, đến ngày 23/5 sắp tới là lần thứ 5 nhưng ông vẫn hồi hộp chờ đợi.

“Những ngày qua, gia đình tôi với những người trong thôn đều đến xem danh sách đại biểu, chúng tôi không hề có sự phân biệt đại biểu là người dân tộc nào, chỉ cần là họ là những người có đức, có tài chúng tôi sẽ hết lòng bầu chọn. Hy vọng đại biểu được chúng tôi bầu sẽ đem lại hạnh phúc, ấm no và đưa những tâm tư nguyện vọng của những người con núi rừng đến với các cấp giải quyết trong thời gian tới,” ông Cao Bình chia sẻ.

Trưởng thôn Nước Nhĩ, chị Cao Thị Hồng Hà nhấn mạnh bản thân chị là đảng viên người dân tộc thiểu số sinh ra và lớn lên tại Khánh Phú nên chị hiểu rất rõ về đời sống và đặc điểm của người dân nơi đây. Vì hiểu nên các công tác của thôn chị đều đi sâu đi sát cùng người đồng bào, với sự kiện bầu cử 5 năm diễn ra một lần, ngoài loa đài thông báo của thôn, xã, chị còn đến từng nhà tuyên truyền cho từng hộ về luật bầu cử, thời gian và ý nghĩa của việc bầu cử.

“Đa số đồng bào qua vận động đều cho biết sẽ đi bỏ phiếu sớm, bỏ phiếu đủ trong ngày bầu cử 23/5 rồi mới lên rẫy làm việc. Với những hộ ở xa nhà văn hóa, khó khăn đi lại, tôi tóm tắt tiểu sử cho họ nghe. Tôi vẫn khuyên các hộ nên đến khu nhà văn hóa của thôn để xem kĩ hơn để có sự lựa chọn sáng suốt nhất,” chị Cao Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Ông Cao Văn Toàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khánh Phú, cho biết thêm toàn xã có 5 điểm bỏ phiếu bầu cử. Mỗi điểm bỏ phiếu được bố trí sát với khu vực người dân sinh sống. Mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã hoàn tất từ ngày 20/5, tất cả đã sẵn sàng chờ đón Ngày hội non sông. Khánh Phú với đặc trưng hầu hết là người dân tộc thiểu số, theo nhiều tín ngưỡng, số cử tri nữ chiếm con số cao hơn cử tri nam, nên công tác tuyên truyền cũng được xã chú trọng rất nhiều.

“Chúng tôi thông tin đến các chùa, các nhà thờ để vận động, tuyên truyền bà con đi bỏ phiếu, không được tụ tập trên 10 người để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19,” ông Toàn khẳng định.

Không chỉ riêng tại xã Khánh Phú, không khí náo nức của người dân ở huyện miền núi Khánh Vĩnh hiện diện khắp nơi.

Tại xã Sông Cầu - xã nông thôn mới đầu tiên của huyện và là xã miền núi duy nhất của tỉnh cho đến nay đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, trước mặt nhà dân, các tuyến đường chính của xã được treo cờ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Ngọc Hoa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sông Cầu, thông tin xã có trên 900 cử tri, với 4 điểm bầu cử. Cùng với công tác tuyên truyền về ngày bầu cử, UBND xã còn thực hiện tuyên truyền nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đến người dân.

Trong ngày 23/5, mỗi cử tri đi bỏ phiếu sẽ được giãn cách 2 mét, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn trước và sau khi thực hiện bỏ phiếu. Tổ y tế của điểm bầu cử sẽ có 3 người đảm trách việc này.

“Tất cả phương án chính và kể cả dự phòng trong trường hợp có một ca dương tính với SARS-CoV-2 trước, trong và sau ngày bầu cử xã đều có. Còn bây giờ, tất cả đều đã hoàn tất, cử tri khắp xã đang hân hoan chờ đón ngày hội toàn dân đi thực hiện quyền thiêng liêng của mình,” ông Hoa cho biết.

Trước đó, đầu tháng Năm huyện Khánh Vĩnh là nơi có ca bệnh 3141 từng đi qua. Do đó công tác điều tra dịch tễ khoanh vùng ở đây nhanh chóng được triển khai.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngành Y tế huyện Khánh Vĩnh cũng sẵn sàng đầy đủ các phương án.

Đối với 28 người cách ly tập trung diện F1 liên quan bệnh nhân 3141, căn cứ theo công văn của Hội đồng bầu cử quốc gia để thực hiện.

Còn với 386 người thuộc diện F2, cách ly tại nhà theo danh sách của Trung tâm Y tế huyện sẽ bỏ phiếu tại nhà, để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 cho cộng đồng.

Bác sỹ Diệp Bảo Lộc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, chia sẻ đơn vị đã tổ chức tập huấn đảm bảo y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 cho các cán bộ, nhân viên của đơn vị và đơn vị phối thuộc phục vụ cho ngày bầu cử 23/5; phân công cán bộ phun khử khuẩn toàn bộ 65 điểm bầu cử của huyện trước trong và sau ngày bầu cử; đảm bảo trang bị đầy đủ vật tư y tế, 3 cán bộ y tế tại một điểm bầu cử; thiết lập đội phản ứng nhanh trực 24/24 giờ để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ nếu có trong ngày bầu cử.

Ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, kiểm tra danh sách cử tri tại điểm bỏ phiếu thôn Đông, xã Sông Cầu, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. (Nguồn: TTXVN)

Nhận định về tình hình, bà Lê Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Khánh Vĩnh, khẳng định đến giờ phút này, toàn huyện đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử. Là một huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc cùng với các panô, băng rôn, biểu ngữ trên các tuyến đường chính. Việc trang trí, khánh tiết tại các khu vực bỏ phiếu được thực hiện trang trọng.

Công tác tập huấn cho các cán bộ làm công tác bầu cử được chú trọng, đặc biệt là nghiệp vụ kiểm phiếu, ghi biên bản bầu cử, công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tất cả người dân đều được phát tờ khai y tế cùng với thẻ cử tri để khai báo y tế.

Đồng thời, tích cực vận động người dân tăng cường khai báo y tế điện tử, tăng cường cán bộ y tế tại mỗi khu vực bỏ phiếu để hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, thực hiện 5K để ngày bầu cử diễn ra an toàn, thuận lợi.

Mới đây, ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, đã trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện miền núi Khánh Vĩnh.

Tại buổi kiểm tra, Phó Bí thư Tỉnh ủy biểu dương, đánh giá cao công tác đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, công tác tổ chức chuẩn bị cho bầu cử tại địa phương; đồng thời đề nghị huyện tiếp tục triển khai tốt công tác chuẩn bị bầu cử. Trong đó, sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống xảy ra trong ngày bầu cử, không để bị động; bố trí nhân lực, vật lực đầy đủ, đảm bảo hoàn thành tốt công tác phục vụ bầu cử...

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh thông tin thêm thời gian qua Ủy ban bầu cử của tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Ở cả hai huyện đều thực hiện được việc quan trọng nhất là bố trí các điểm bầu cử gần với các khu vực dân cư tập trung. Theo báo cáo của huyện Khánh Vĩnh, 65 điểm bầu cử đảm bảo thuận lợi cho người dân đi lại thực hiện quyền công dân của mình.

Đồng bào Cơ Ho náo nức chờ đến ngày bầu cử

Toàn bộ 1.110 tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngày 21/5, nhóm phóng viên đến Khu vực bỏ phiếu số 22, thôn Đara Hoa, xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương-Lâm Đồng) khi những người làm công tác bầu cử và một số đồng bào người dân tộc Cơ Ho đang tập dượt một lần nữa, để ngày 23/5 thực hiện bầu cử không xảy ra sai sót.

Điểm bầu cử được bố trí trong hội trường thôn khang trang, được trang hoàng cờ hoa, băngrôn, biểu ngữ đúng quy định. Các bàn của nhân viên phục vụ bỏ phiếu, hòm phiếu đã chuẩn bị sẵn sàng. Đặc biệt, các bàn để cử tri viết phiếu bầu được ngăn bằng rèm vải để bảo đảm sự kín đáo khi cử tri gạch tên người ứng cử không được chọn.

Công tác kiểm tra y tế ở đây cũng được thực hiện khá nghiêm ngặt, những người đã từng đi làm ăn bên ngoài, khi về đều phải khai báo tại bàn của nhân viên y tế đặt ngoài sảnh của hội trường thôn.

Ông Cil Pam Ha Tiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã, Trưởng ban bầu cử xã Đạ Nhim, cho biết đến thời điểm hiện tại, mọi điều kiện cơ sở vật chất và tuyên truyền cho cuộc bầu cử vào ngày 23/5 đã được chuẩn bị tốt. Người dân rất mong đến ngày 23/5 được tự tay bỏ phiếu cho ứng cử viên mà mình đặt niềm tin. Ở đây phần lớn là người dân tộc thiểu số, mọi người đều nhận thức được chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước. Bà con làm việc gần nhà, ít đi làm ăn xa nên chỉ chờ ngày bầu cử để đến hội trường thôn bỏ phiếu.

Xã Đạ Nhim có 5 thôn với gần 5.000 nhân khẩu sinh sống. Trong đó có tới 78% dân số là người dân tộc Cơ Ho.

Ông Cil Ỹu Ha Giảng, 63 tuổi ở thôn Đara Hoa cho biết: “Cuộc bầu cử 5 năm diễn ra một lần, bà con rất mừng và rất vui vẻ chuẩn bị cho ngày bầu cử. Bản thân tôi sẽ lựa chọn người có đức, có tài, mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước về với bà con.”

Chị Cil Phi Criêu Ma Phin, 33 tuổi ở thôn Đara Hoa cho biết: “Các thành viên trong tổ bầu cử đã sắp xếp kỹ lưỡng các công việc cho ngày bầu cử. Bản thân chị và bà con trong thôn rất hồi hộp, mong đến ngày bầu cử để lựa chọn những người sẽ làm việc tốt cho xã hội, giúp đỡ cho buôn làng."

Chị Cil Phi Criêu Ma Phin cũng là nhân viên y tế của xã, tham gia công tác đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bà con đi bầu cử trong thời gian dịch COVID -19 diễn biến phức tạp.

Qua việc tập dượt những ngày cuối cùng, Ban bầu cử xã Đạ Nhim đã rút ra một số điểm chưa hoàn thiện, cần bổ sung. Đề phòng thời tiết có diễn biến bất thường, xã sẽ tổ chức căng rạp để bà con đứng bên ngoài sân, lần lượt từng người vào bỏ phiếu, đảm bảo khoảng cách an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Cử tri vùng cao Mù Cang Chải hướng về ngày hội lớn

Những ngày này, cùng với cử tri cả nước, đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang hướng về Ngày hội lớn với nhiều niềm tin và kỳ vọng.

Xã Mồ Dề, huyện vùng cao Mù Cang Chải có trên 3.000 cử tri sống rải rác ở các bản. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc tuyên truyền về công tác bầu cử qua hệ thống loa truyền thanh và loa kéo di động rất hiệu quả và an toàn.

Anh Sùng A Sơ, cán bộ văn hóa xã Mồ Dề, cho biết cán bộ cơ sở được giao nhiệm vụ chở loa đến các thôn bản đều là người dân tộc thiểu số, rất am hiểu cách suy nghĩ của đồng bào mình, cũng như nắm rõ thời gian người dân ở nhà hay đi làm nương để bật loa đúng lúc, đúng chỗ.

Trên khắp tuyến đường ở thị trấn và các thôn bản ở vùng cao Mù Cang Chải đều được trang hoàng chào đón ngày hội bầu cử. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nói về công việc được giao, anh Sơ cho hay: “Tôi thường xuyên mở loa truyền thanh ở xã 2 buổi/ngày, chủ yếu vào buổi sáng và buổi chiều. Với loa lưu động thì ít nhất 3 ngày đi lần lượt các bản một lần, chủ yếu chọn thời gian bà con đang ở nhà để tuyên truyền cho người dân nắm rõ tầm quan trọng của công tác bầu cử.”

Qua công tác tuyên truyền, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, cũng như quyền và nghĩa vụ của bản thân, nên cử tri vùng cao Mồ Dề ai cũng háo hức, mong đến ngày được đi bỏ phiếu, chọn ra những người đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình.

Cử tri Sùng A Lử ở bản Nả Háng, xã Mồ Dề phấn khởi nói: “Chúng tôi đã trực tiếp tham gia tiếp xúc các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, được nghe chương trình hành động của mỗi đại biểu, thế nên rất mong chờ tới ngày được cầm lá phiếu tự tay lựa chọn những người ưu tú nhất đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri vùng cao.”

Hơn 60 tuổi đời, nhiều lần được đi bỏ phiếu bầu ra các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, năm nay, lần đầu tiên ông Khang Vảng Khua ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha chứng kiến dịch bệnh diễn biến phức tạp đúng dịp tổ chức bầu cử.

Tuy nhiên, ông và các cử tri không lo lắng, bởi thấy được những nỗ lực của các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch COVID-19, cũng như triển khai tốt công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Ông Khua mong muốn các cấp chính quyền sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho bầu cử, để đến ngày bầu cử, ông cũng như các cử tri khác yên tâm đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Được gặp gỡ và trực tiếp nghe trình bày chương trình hành động của các ứng cử viên qua các buổi tiếp xúc cử tri; đặc biệt, thấy các ứng cử viên đều là những người có trình độ, trẻ tuổi, tỷ lệ ứng cử viên là người dân tộc thiểu số khá cao... , cử tri vùng cao Mù Cang Chải tin tưởng, kỳ vọng những người trúng cử sẽ đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho sự phát triển chung của đất nước, cũng như của quê hương Mù Cang Chải.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, cùng đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cử tri Sùng Thành Công, xã Chế Cu Nha cho biết: “Tôi rất tự hào vì trong danh sách đại biểu Quốc hội có 3 ứng cử viên nữ là người dân tộc Mông. Tôi cũng mong muốn các ứng cử viên trẻ người dân tộc thiểu số sẽ được cử tri tin tưởng bầu vào Quốc hội."

Hôm nay (22/5) - một ngày trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân" tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã diễn ra trong niềm vui, sự phấn khởi của cử tri trước ngày hội lớn của đất nước.

"Ngày cuối tuần cùng dân" là hoạt động được huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái duy trì trong suốt nhiều năm qua. Mục đích nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trước ngày bầu cử, "Ngày cuối tuần cùng dân" tại huyện vùng cao này rộn ràng hơn. Tất cả cán bộ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, xã, thị trấn cùng nhân dân tổng vệ sinh đường phố, ngõ xóm, thôn bản, chỉnh trang lại cơ sở vật chất, để mọi nơi, mọi chỗ đều gọn gàng, sạch đẹp đón Ngày hội lớn; để ngày mai, mỗi cử tri sẽ thấy phấn chấn hơn khi cầm lá phiếu đầy ý nghĩa, thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình.

Ông Sùng A Sử, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Ngày cuối tuần cùng dân" lần này còn là dịp để các cán bộ gặp gỡ, tuyên truyền, hướng dẫn thêm cho cử tri vùng cao về quy trình và ý nghĩa của cuộc bầu cử, cũng như cách phòng chống dịch bệnh.

Cử tri trẻ Tráng Thị Mây, dân tộc Mông, ở tổ 4, thị trấn Mù Cang Chải cho biết, đã nghiên cứu rất kỹ tiểu sử, cũng như chương trình hành động của các ứng cử viên.

Tráng A Mây tin tưởng các ứng cử viên đắc cử sẽ đem hết tâm huyết, cống hiến trí tuệ, có những quan tâm đặc biệt tới khu vực vùng cao, qua đó thúc đẩy kinh tế-xã hội các vùng miền còn khó khăn, trong đó có huyện Mù Cang Chải.

Tráng Thị Mây phấn khởi chia sẻ “Cùng với các cử tri khác, ngày mai, tôi sẽ mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đến dự lễ khai mạc bầu cử và tự tay bỏ lá phiếu tâm huyết của mình.”

Toàn huyện Mù Cang Chải có 68 đơn vị bầu cử, 92 tổ bầu cử với hơn 38.200 cử tri, đa phần là đồng bào dân tộc Mông. Ông Phạm Văn Quynh, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức-Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Mù Cang Chải cho biết đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử đã được huyện triển khai hoàn tất. Việc bố trí địa điểm bỏ phiếu, cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho ngày bầu cử đến nay đã được trang bị đầy đủ...

Với sự chuẩn bị chu đáo, tốt nhất cho công tác bầu cử, cùng với cả nước, cử tri huyện vùng cao Mù Cang Chải đã sẵn sàng cho Ngày hội non sông, tất cả đều đang hướng về Ngày bầu cử với niềm tin và kỳ vọng lớn./.

Nguyễn Nam (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cu-tri-cac-dong-bao-dan-toc-thieu-so-huong-ve-ngay-bau-cu/714550.vnp