Cử tri các địa phương quan tâm đến chính sách an sinh, phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 22/6, các đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại địa phương, thông báo về kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; giải đáp một số kiến nghị của cử tri đối với các lĩnh vực an sinh xã hội, công tác phòng, chống dịch COVID-19...

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Đánh giá cao quyết sách đúng đắn trong phòng, chống dịch COVID-19

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã tiếp xúc cử tri xã Hiếu Thành (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), báo cáo về kết quả của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Hiếu Thành đánh giá cao những quyết sách đúng đắn, kịp thời, mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của người dân và gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương quan tâm đầu tư về vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay; quan tâm thực hiện chế độ chính sách cho vợ liệt sỹ tái giá; hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát sông trái phép; ưu tiên thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới tại những địa phương là nơi căn cứ cách mạng trước đây…

Cử tri xã Hiếu Thành phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Cử tri Lê Thanh Bình cho rằng việc đầu tư kết nối đồng bộ các dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Do đó, Chính phủ cần bổ sung đủ nguồn vốn để đẩy nhanh thực hiện các dự án này đúng tiến độ để khi đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực cho việc phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tránh tụt hậu so với các vùng kinh tế khác của cả nước. Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm thực hiện các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn ngày càng ảnh hưởng khốc liệt tại khu vực này.

Đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sắp tới, cử tri Phan Văn Thu mong muốn chất lượng những đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cần được nâng cao hơn nữa, phải thật sự là những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Ghi nhận ý kiến của cử tri, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào 23/5/2021. Để nâng cao chất lượng đại biểu, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị về cuộc bầu cử này. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu kiên quyết không giới thiệu ứng cử chức danh đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp với những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Hiện nay, cả nước đang tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở và trên cơ sở, do đó các cấp ủy đảng cần quan tâm chất lượng nhân sự tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới. Đây cũng là cơ sở để giới thiệu, lựa chọn những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ghi nhận ý kiến của cử tri về đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, dự kiến dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021 và dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ đưa vào sử dụng vào năm 2025.

Tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng thông tin thêm nhiều vấn đề được cử tri quan tâm hiện nay. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, đại dịch COVID-19 gây thiệt hại rất lớn về người và của trên khắp thế giới, hiện đã có trên 9 triệu người mắc bệnh và hơn 470.000 người tử vong. Thế giới cũng đánh giá cao thành công trong phòng chống dịch của Việt Nam. Đến thời điểm này, Việt Nam có tổng cộng 349 ca mắc COVID-19, trong đó đã có 327 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và chưa có ca nào tử vong. Ngoài cộng đồng, đã hơn 60 ngày không có ca lây nhiễm.

Đẩy mạnh chính sách an sinh, phát triển kinh tế - xã hội

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn, đã tiếp xúc cử tri huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nhân dịp này, Đoàn đã trao 20 phần quà tặng các thương, bệnh binh, các đối tượng chính sách có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tặng quà các thương, bệnh binh, đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Triệu Sơn. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Tại các buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo với các cử tri về nội dung chương trình, kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đây là kỳ họp thành công ngoài mong đợi trong việc cụ thể hóa, thông qua được nhiều điều luật quan trọng. Đồng thời, đoàn đã thông tin những nét lớn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; xóa bỏ hình thức đòi nợ thuê, mạnh tay ngăn chặn tình trạng xã hội đen lộng hành ở nhiều nơi… Riêng về các chính sách an sinh, phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra được nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, giải pháp hỗ trợ để vực dậy phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh…

Trên tinh thần dân chủ, cởi mở, các cử tri huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã thẳng thắn phản ánh những trăn trở, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và nhiều kiến nghị tới các đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm có các giải pháp để phát huy những công trình hạ tầng, công sở sau khi sáp nhập xã, thôn; cần có chính sách và hỗ trợ để các địa phương thu gom, tích tụ đất nông nghiệp bỏ hoang, sau đó có cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô lớn, hiện đại. Có ý kiến đề nghị Nhà nước cần khuyến khích nhập khẩu lợn nái, lợn giống trong bối cảnh giá lợn giống hiện đang quá cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Trong cách tính giá điện theo bậc thang được áp dụng từ năm 2015, đến nay đã không còn phù hợp, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo ngành điện xem xét, nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp...

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cần thực hiện công bằng, trung thực, khách quan

Tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có buổi tiếp xúc cử tri khối Mặt trận và các tổ chức thành viên sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, trả lời về những kiến nghị liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Sau khi hết thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, các trường tập trung vào củng cố kiến thức cho học sinh khi đi học trở lại. Đến nay, nhiều sở giáo dục và đào tạo báo cáo rằng về cơ bản khi học trực tuyến trong thời gian giãn cách học sinh nắm được kiến thức và hiện tại kiến thức tiếp tục được củng cố để học sinh khối lớp 9 chuẩn bị thi vượt cấp và lớp 12 ôn tập để thi tốt nghiệp vào ngày 9 và 10/8/2020.

Cũng theo Bộ trưởng, thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi đánh giá chất lượng trên phạm vi toàn quốc. Kết quả của kỳ thi này dùng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, do đó cần phải thực hiện công bằng, trung thực, khách quan. Theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông do các địa phương tổ chức, tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chịu trách nhiệm chỉ đạo chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành quy chế thi, đề thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm; tập huấn cán bộ coi thi, thanh tra và chấm thi. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ huy động khoảng 5.000 - 6.000 giảng viên đại học về coi thi nhưng sẽ tăng cường các khâu thanh tra, kiểm tra. Về chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng chương trình chú trọng đến kỹ năng sống và phát triển phẩm chất, còn kiến thức có thể học ở trong sách giáo khoa hoặc ở nhiều kênh, tài liệu khác nhau. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phát huy tính sáng tạo của thầy, cô giáo, sự chủ động của học sinh.

Trả lời ý kiến vấn đề dạy thêm và học thêm hiện nay chưa được kiểm soát triệt để, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi Thủ tướng và các bộ, ngành về việc đưa "dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông" vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, ban hành văn bản thay thế Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm cho phù hợp với tình hình thực tế sau khi hoạt động về dạy thêm, học thêm được bổ sung vào danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư.

Cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tại tỉnh Bình Định.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-cac-dia-phuong-quan-tam-den-chinh-sach-an-sinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20200622211542746.htm