Cử tri bức xúc vụ 7.000 người dân Đà Nẵng 'trở tay không kịp', bỗng nợ tiền tỷ sau 10 ngày nghỉ Tết

Cử tri TP.Đà Nẵng cho rằng, việc ban hành quyết định điều chỉnh giá đất rơi đúng dịp Tết Nguyên đán khiến họ trở tay không kịp. Từ việc chỉ nợ vài chục, vài trăm triệu họ biến thành con nợ bạc tỷ.

Ngày 23/4, đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri tại các quận, huyện trên địa bàn nhằm chuẩn bị cho kỳ họp 7 Quốc hội khóa XIV.

Tại đây, nhiều vấn đề nóng trong thời gian qua của TP.Đà Nẵng lẫn cả nước được cử tri nêu ra, và đề nghị ĐBQH TP.Đà Nẵng báo cáo lên Quốc hội, như chuyện nâng điểm ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình; bạo lực học đường; việc khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó VKSND TP.Đà Nẵng; kết luận sai phạm đất đai và loạt quan chức bị bắt ở TP.Đà Nẵng...

Đáng chú ý nhất là hàng loạt cử tri lên tiếng về việc UBND TP.Đà Nẵng ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 về điều chỉnh giá đất, khiến hàng ngàn người dân nợ tiền đất tái định cư phải trả nợ cao gấp nhiều lần so với nợ gốc.

Đây cũng là vấn đề mà báo điện tử Người Đưa Tin đã nhiều lần phản ánh. Theo con số cơ quan chức năng cung cấp, có đến khoảng 7.000 hộ dân thuộc diện này, trong đó, có khoảng 5.300 hộ thuộc diện nợ tiền sử dụng đất đã quá hạn 5 năm, có trường hợp nợ từ vài trăm triệu đồng lên đến vài tỷ đồng sau điều chỉnh.

Giá đất sau Quyết định 06/2019/QĐ-UBND TP.Đà Nẵng tăng cao khiến hàng ngàn người dân thêm nợ nần.

Giá đất sau Quyết định 06/2019/QĐ-UBND TP.Đà Nẵng tăng cao khiến hàng ngàn người dân thêm nợ nần.

Tại hội trường tiếp xúc với đoàn ĐBQH ở quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, cử tri Phan Năm nói, nếu theo giá đất cũ, gia đình ông phải đóng tiền sử dụng đất khoảng 170 triệu đồng, nhưng theo giá mới thì ông phải đóng gần 1 tỷ đồng. "Đây là số tiền quá khủng khiếp, tôi không thể nào trả nổi", ông Năm chia sẻ.

Nhiều cử tri khác cũng lên tiếng rằng, việc ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND của TP.Đà Nẵng liệu có hợp tình, hợp lý hay chưa. Họ phân tích rằng, quyết định ra đời vào ngày 31/1/2019 tức 26 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và có hiệu lực vào ngày 11/2/2019 tức mồng 7 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

"Sau ngày 26 Tết thử hỏi còn ai làm việc để dân chúng tôi đi đóng tiền. Ngày 11/2, quyết định có hiệu lực đúng vào mồng 7 Tết - ngày đi làm đầu tiên của công sở. Chúng tôi trở tay không kịp...", cử tri nói.

Một cử tri khác bức xúc cho rằng chính việc ban hành quyết định tăng giá đất vào dịp Tết như vậy như "đánh đố" người dân. Chẳng khác nào sau 10 ngày nghỉ Tết, hàng ngàn người dân vướng phải nợ nần bạc tỷ.

Trước những phản ánh của cử tri, ĐQBH kiêm Giám đốc sở Tư pháp TP.Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa cho biết, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật Quyết định 06/2019/QĐ-UBND ngày 31/1/2019 là đúng pháp luật.

Theo đó, sau khi sở TN&MT lấy ý kiến nhiều bên liên quan thì gửi sang sở Tư pháp để thẩm định tính hợp pháp, khả thi, có trái Hiến pháp hay không?.

"Thực tế vì sao cử tri thắc mắc giá đất cao là vì TP.Đà Nẵng trong quá trình thời gian dài giá đất đã biến động rất nhiều lần, nhưng hầu như các cơ quan chức năng không điều chỉnh. Năm 2018 là năm điều chỉnh mạnh nhất. Trước đây, TP.Đà Nẵng chỉ điều chỉnh theo hệ số giá đất. Theo quy định thì nếu hệ số điều chỉnh giá đất vượt quá 200% thì phải sửa đổi bảng giá đất.

Chúng ta thấy giá đất TP.Đà Nẵng tăng rất nhiều nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường. Ví dụ như, giá đất cao nhất là đường Lê Duẩn là 98,8 triệu đồng, nhưng giá thị trường gấp 2,3 lần...", bà Hoa phân tích.

ĐBQH kiêm Giám đốc sở Tư pháp TP.Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa khẳng định quy trình ban hành quyết định là đúng. Tuy nhiên, có một số vướng mắc khi áp dụng thực tế. Hiện, các cơ quan chức năng đang tháo gỡ vấn đề này.

Bà Võ Thị Như Hoa cũng nhìn nhận rằng: "Khi triển khai Quyết định vào thực tế đã vướng phải một số khúc mắc. Trong đó, có trường hợp một số hộ giải tỏa. Ở đây, UBND TP.Đà Nẵng đã có kiến nghị với Chính phủ, vì trong quá trình các hộ giải tỏa được bố trí tái định cư thì chưa làm giấy tờ. Khi đi làm giấy tờ thì giá đất tăng cao, mà thời hạn nợ cũng đã hết. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến giao bộ Tài chính nghiên cứu xem xét vấn đề này.

Thứ hai, một số đối tượng ở trên đất đã mấy chục năm nên phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc. Ở đây cũng toàn hộ dân nghèo gặp khó, khi giá đất sau điều chỉnh tăng.

Nói về vấn đề cử tri cho rằng, thời gian ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND khiến người dân "trở tay không kịp", bà Như Hòa thừa nhận, đúng là hơi cập rập. Theo quy định, khi Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ban hành thì 10 ngày sau văn bản sẽ có hiệu lực.

"10 ngày này rơi vào dịp Tết khiến người dân trở tay không kịp để đi nộp. Đó là vấn đề nảy sinh và UBND TP.Đà Nẵng đã thấy và nghiên cứu thêm, xem xét giải quyết vướng mắc cho bà con. Những gì thuộc thẩm quyền thì đoàn ĐBQH sẽ kiến nghị", bà Hoa kết luận.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách TP.Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn khẳng định sẽ có kiến nghị đến UBND TP.Đà Nẵng cân nhắc xem có phương án nào để xử lý vấn đề này hay không. "Thời điểm ký và áp dụng bảng giá mới trùng vào dịp giáp Tết và sau Tết. Thành phố cũng đã thấy nên chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm, phối hợp với các sở tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho người dân”, ông Sơn nhấn mạnh.

VIDEO: Buổi tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng

Lê Nhâm Thân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cu-tri-buc-xuc-vu-7000-nguoi-dan-da-nang-tro-tay-khong-kip-bong-no-tien-ty-sau-10-ngay-nghi-tet-a431088.html