Cụ Thêm chia 6,7 tỷ tiền oan sai: Sự thật cay đắng

Hành trình kêu oan vắng những người con của cụ Thêm. Đến khi nhận được tiền đền bù thì việc chia số tiền đó cho ai lại đang bị làm khó.

Chưa một lần cùng cha đi kêu oan

Ngày 10/7/2019, cơ quan chức năng huyện Yên Phong - Bắc Ninh vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ số tiền 6,7 tỷ đồng đền bù oan sai của cụ Trần Văn Thêm (83 tuổi, ngụ xã Yên Phụ) theo đơn tố cáo của ông Trần Văn Sau - con trai cụ Thêm.

Vào tháng 3/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đền bù cho hơn 40 năm mắc án oan giết người của cụ Thêm. Để có được kết quả này, cụ Thêm cùng luật sư và một người cháu trai trong gia đình đã phải đấu tranh ròng rã suốt nhiều năm liền.

Ngày nhận được tiền đền bụ, cụ Thêm chia cho luật sư 40%. Phần mình còn lại được hơn 3 tỷ đồng, cụ Thêm chia ra làm 6 sổ tiền kiệm, cho mỗi con trai 500 triệu đồng, con gái 200 triệu đồng, riêng người cháu cùng cụ đi tìm lại sự trong sạch thì được cụ cho 900 triệu đồng.

Anh Trần Văn Sáu (ngoài cùng bên trái) cùng người thân trong gia đình.

Anh Trần Văn Sáu (ngoài cùng bên trái) cùng người thân trong gia đình.

Khi biết được số tiền này, những người con trong gia đình cụ Thêm đã làm đơn tố cáo, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vì cho rằng số tiền cụ Thêm thực nhận chỉ có hơn 2 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Sáu (43 tuổi, con trai út của cụ Thêm) cho biết, các con trong gia đình không ai hay biết gì về số tiền mà TAND Cấp cao tại Hà Nội chi trả cho bố mình. Chỉ đến khi đọc được thông tin trên báo chí, các con mới "ngớ người".

Lúc đó, các con cụ Thêm mới gọi nhau lại, hỏi tình hình và theo tính toán thì bố mình chỉ thực nhận có hơn 2 tỷ đồng chứ không phải 6,7 tỷ đồng.

"Trong quá trình bố tôi đi kêu oan, do bận việc gia đình nên anh em chúng tôi không tham gia cùng bố một lần nào mà chỉ có người cháu trai Trần Văn Được đi cùng ông" - ông Sáu thừa nhận.

Tuy nhiên, với tư cách là những người con của cụ ông chịu oan sai hơn 40 năm, các con cụ Thêm cho rằng, chuyện chia tiền như thế nào là quyền của bố mình nhưng số tiền cụ ông này thực nhận bao nhiêu thì các con của cụ cũng có trách nhiệm phải làm rõ.

Giải oan vẫn chưa hết buồn

Trong khi đó, cụ Thêm khẳng định đã nhận đủ số tiền 6,7 tỷ đồng từ TAND Cấp cao tại Hà Nội. Chuyện chia cho luật sư 40% số tiền được nhận, cụ giải thích đó là do trong hành trình kêu oan suốt nhiều năm qua, cụ nhận ra vị luật sư ấy là người nhiệt tình, thật tâm muốn gỡ oan cho mình nên cụ cho rằng, số tiền ấy là sự đến đáp xứng đáng với vị luật sư đó.

Cụ Trần Văn Thêm.

Tuy nhiên, sau khi được cơ quan chức năng tính toán giúp, cụ Thêm nhận thấy vị luật sư này còn cầm của mình hơn 500 triệu đồng. Nay cụ Thêm mong muốn được nhận lại.

Còn với người cháu trai, cụ Thêm cũng không cảm thấy hối tiếc khi đã cho anh này 900 triệu đồng. Đó cũng là vì anh đã giúp cụ lo việc giấy tờ, đơn thư trong thời gian kêu oan.

"Có những thứ mất đi không bao giờ lấy lại được, bồi thường bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng tôi rất vui vì thấy được Nhà nước trân trọng, đã bồi thường" - cụ Thêm chia sẻ.

Nhưng điều khiến cụ Thêm băn khoăn nhất là những người thân trong gia đình khi biết tin cụ được đền bù 6,7 tỷ đồng bỗng nhiên tìm đến "xin tiền".

"Họ nói rằng để có được như ngày hôm nay cũng có một phần công của họ giúp tôi kêu oan. Tôi không tiếc và cũng không bao giờ quên những người đã giúp đỡ mình dù là nhỏ nhất. Nhưng thực sự rất buồn và thấy phiền khi một số người đến nhận công" - cụ Thêm bày tỏ.

Cụ Thêm bị cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (cũ) cáo buộc đã giết em họ để cướp của.

Đến cuối năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú đưa ra xét xử và kết tội cụ Thêm án tử hình về tội giết người, cướp tài sản.

Năm 1974, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm, kết tội y án sơ thẩm với mức án tử hình.

Tuy nhiên, năm 1975, cơ quan chức năng lại xác định Phan Thanh Nhàn (17 tuổi, trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) mới là hung thủ vụ án.

Vụ việc bị “treo” suốt mấy chục năm trời. Tháng 8/2016, tại hội trường trung tâm ở thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), các cơ quan tố tụng Trung ương đã công bố quyết định đình chỉ bị can và công khai xin lỗi cụ Thêm và gia đình, kết thúc 43 năm oan sai.

Cụ Thêm đã làm đơn yêu cầu bồi thường 12 tỷ đồng, nhưng qua nhiều phiên thỏa thuận, cuối cùng việc bồi thường chốt lại là hơn 6,7 tỷ đồng.

Theo giấy ủy quyền của cụ Thêm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chuyển toàn bộ số tiền này vào tài khoản cá nhân của luật sư Nguyễn Văn Hòa - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Vân Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/cu-them-chia-67-ty-tien-oan-sai-su-that-cay-dang-3383555/