Cụ thể hóa 'quyết tâm' bằng các giải pháp thiết thực

Thảo luận tại hội trường ngày 2-11, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động vì dân để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng kỳ vọng vấn đề này sẽ được cụ thể hóa bằng các giải pháp thiết thực và được triển khai mạnh mẽ trong suốt cả nhiệm kỳ ở tất cả các cấp, ngành và chính quyền.

Liên kết vùng - mới chỉ là sự ghép lối “cơ học”

Đề cập đến vấn đề liên kết vùng, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết, hiện việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng chưa phát huy hết tính hiệu quả trong định hướng điều phối phân bổ ngân sách, vai trò ràng buộc liên kết vùng và nội vùng vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc liên kết vùng hiện nay chủ yếu là sự ghép nối giữa các tỉnh, thành. Một số nơi là sự ghép nối cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, các cam kết giữa các địa phương trong vùng chưa có tính pháp lý, không có chế tài bảo đảm sự thực hiện lâu dài, hoặc nếu có chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ” - đại biểu Nguyễn Bá Sơn nêu rõ.

Thực tế, việc thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương tăng, nhưng theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn thì các địa phương đang hướng tới chạy đua, mạnh ai nấy làm và các địa phương thay nhau “trải thảm đỏ” nhằm mời gọi đầu tư với nhiều ưu đãi.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn liệt kê, theo đó, 63 tỉnh, thành với 245 bến cảng, 29 cảng biển, 21 sân bay, trong đó có 10 sân bay quốc tế - Như vậy, gần như tỉnh nào cũng có hoặc sân bay hoặc cảng biển. “Như vậy làm cho việc đầu tư dàn trải, lãng phí, không có trọng điểm”.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, thời gian qua, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thật sự phát huy được vai trò đầu tàu và tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thật sự vượt trội, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và vùng có lợi thế làm “đầu tàu” kéo nền kinh tế phát triển.

Và để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị: “Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của vùng gắn chặt với bảo về môi trường, biến đổi khí hậu trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của từng địa phương”.

Cần đánh giá thế mạnh của từng vùng để có thể tạo lên nhiều “chuỗi giá trị hàng hóa” trong chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời tập trung phát triển nhanh hơn các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo. Tập trung quản lý Nhà nước về kinh tế, bảo đảm giám sát tốt việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng, hài hòa lợi ích giữa các địa phương và vùng để tránh tình trạng trùng lắp lợi ích, cạnh tranh lẫn nhau. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương và bảo đảm tính thống nhất trong cả nước.

Cũng đề cập đến quy hoạch phát triển vùng, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể trên toàn quốc. Theo đại biểu Đình Thưởng, không nên mỗi địa phương, mỗi tỉnh tự quy hoạch như vậy sẽ dẫn việc “trăm hoa đua nở”, đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, liên kết, không hiệu quả, gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước và phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

Xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân đã gây thất thoát lãng phí

Báo cáo Chính phủ cũng nêu một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng lớn, quản lý tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Nhưng theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), trong tình hình ngân sách khó khăn, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, khuyết điểm nêu trên làm người dân bức xúc và bất bình.

Chúng ta đã có Luật Đầu tư công, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhưng vì sao vẫn còn tồn tại thực trạng này, trách nhiệm của những người có trách nhiệm ra sao? - đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị: “Chính phủ công khai địa chỉ vi phạm, không nêu chung chung và cần xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân”.

Phân tích báo cáo Chính phủ nêu số lượng của doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn, nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng: “Đây là biểu hiện cụ thể của việc có tiêu cực thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thái Học cũng cho biết, người dân rất đồng tình và ủng hộ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân”; tuy nhiên, trong thực tế nhiều tỷ đồng đã bị thất thoát trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ phải xem xét thế nào? Và đại biểu Nguyên Thái Học đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ xử lý sai phạm, để thu hồi số tiền của nhân dân bị thất thoát.

Lo ngại hiện vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp, chủ yếu là đi vay, nhưng các dự án do tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư đã tiêu tốn mấy chục nghìn tỷ đồng và hiện đang “đắp chiếu” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo xử lý sớm, tránh tình trạng “nợ chồng nợ”. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra đầu tư lãng phí, không hiệu quả và thất thoát; cần có giải pháp quyết liệt để không tái diễn tình trạng trên.

Cho biết cử tri hết sức quan tâm và ủng hộ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và được thể hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay với nhiều quyết sách đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng: “Cử tri hiện nay còn e ngại trong việc thực hiện sức-mạnh-chuyên-chính của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, trong đó trách nhiệm người đứng đầu thể hiện chưa cao”.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31147802-cu-the-hoa-%e2%80%9cquyet-tam%e2%80%9d-bang-cac-giai-phap-thiet-thuc.html