Cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức

Thể hiện sự nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, đặc biệt là nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bổ sung nội dung nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức.

Trong đó, đạo đức cùng với các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức được Ban Thường vụ Thành ủy thảo luận, đánh giá tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả trong nhiệm kỳ tới, nhằm tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng để lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc sáng tạo, đổi mới và hội nhập. Từ đó, đưa TPHCM phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước và vì hạnh phúc của nhân dân.

Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 12 giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh: KIỀU PHONG

Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 12 giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh: KIỀU PHONG

Quyết tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng

Công tác xây dựng Đảng thường được đề cập trên 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức và ít đề cập đến mặt đạo đức. Trong khi đó, “xây dựng Đảng về đạo đức” là một điểm nhấn trong nội dung xây dựng Đảng. Vì vậy, việc làm rõ nội dung này trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI thể hiện rõ nét trong mong muốn, quyết tâm của Đảng bộ TPHCM về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trên địa bàn.

Trên thực tế, Bác Hồ đã từng nhiều lần đề cập đến tầm quan trọng của đạo đức trong xây dựng Đảng. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), ngay từ khi Đảng ta chưa ra đời, Bác đã chỉ rõ, người cách mạng phải “giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng ham muốn về vật chất”. Người cũng từng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Chỉ vài từ nhưng nội dung đã thể hiện rất sâu sắc với những đúc kết, khái quát và phản ánh mục tiêu, lý tưởng của Đảng cũng như đòi hỏi những phẩm chất cao đẹp về lương tâm, danh dự, trí tuệ, bản lĩnh, tâm và tầm của người cán bộ, đảng viên.

Bác nhấn mạnh, cán bộ phải rèn luyện đủ 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một đức thì không thành người. Rèn luyện cán bộ phải chú trọng cả đức và tài, tài là quan trọng nhưng đức là gốc. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Người tiếp tục căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thấm nhuần những lời dạy đó của Người, Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể để xây dựng Đảng về đạo đức, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Tại TPHCM, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức cũng được đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Cụ thể, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW, Quy định 55-QĐ/TW, Quy định 08-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhiều giải pháp nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, quan tâm phát hiện, biểu dương, lan tỏa các điển hình tiên tiến thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên được triển khai tương đối đồng bộ ở các cấp. Lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp đã quán triệt và gương mẫu, tự giác thực hiện tốt nội dung nêu gương, đề cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; chú trọng xem xét, tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết kịp thời các khó khăn, kiến nghị của nhân dân.

Nâng cao trách nhiệm nêu gương

Nhiệm kỳ qua, các cấp ủy thuộc Đảng bộ TPHCM tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của hệ thống chính trị hiệu quả. Đặc biệt là triển khai thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã có tác dụng thiết thực. Việc giải quyết thông tin phản ánh của từng cấp đã được phát huy, tạo được sức lan tỏa cho toàn hệ thống chính trị thành phố. Nhiều vụ việc do báo chí, nhân dân phản ánh đã được các cấp ủy nghiêm túc xem xét và xử lý; đồng thời, xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm, góp phần tích cực vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Việc triển khai thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU thể hiện sự chủ động và sáng tạo của TPHCM trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, từ đó giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời, quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) kết hợp với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị tại TPHCM đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu. Đây là kết quả đáng tự hào mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đem lại; là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy đổi mới toàn diện, đồng bộ và tạo ra những thành quả to lớn về mọi mặt của TPHCM.

Nhìn chung, công cuộc chống tham nhũng, suy thoái tại TPHCM đã có tiến bộ, song chưa căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân và đòi hỏi phát triển của TPHCM. Phải thẳng thắn nhìn nhận, hiện còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm bị xử lý theo pháp luật làm ảnh hưởng đến Đảng. Điều này làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, hệ thống chính trị TPHCM.

Một trong những nguyên nhân được xác định là, thời gian qua, TPHCM vẫn thiếu biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức. Nhận diện rõ tồn tại này, Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định “nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân” là một nội dung quan trọng của chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Trong đó, dự thảo đã đề cập đến các yêu cầu, giải pháp nhằm tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương để nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Các yêu cầu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức tựu trung lại là nhằm yêu cầu Đảng viên phải là người gương mẫu chấp hành pháp luật, chấp hành sự giám sát của tổ chức và nhân dân; đồng thời thể hiện đi đầu trong lao động có hiệu quả cao, đổi mới, sáng tạo. Trong công việc phải lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả sự lãnh đạo. Thông qua đó, Đảng bộ TPHCM thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo sự phát triển toàn diện của TPHCM và đảm bảo TPHCM không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức

Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu của từng Đảng bộ, đến từng chi bộ cơ sở. Nghiên cứu triển khai giải pháp đột phá đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng; thực hiện công tác giám sát chặt chẽ; khắc phục tình trạng chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết là “khâu yếu”.

Kiên quyết, kiên trì thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm. Kiên quyết xử lý đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện tốt quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở Đảng, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

(trích Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI)

PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cu-the-hoa-nhiem-vu-xay-dung-dang-ve-dao-duc-689312.html