Cú sốc trên chính trường Đức

Hầu như ít ai có thể tưởng tượng rằng, các cuộc đàm phán để thành lập một chính phủ mới ở Đức có thể thất bại. Nhưng mọi điều đều có thể xảy ra. Chính trường Đức đang đứng trước tình thế chưa từng có tiền lệ kể từ Thế chiến 2: Thành lập chính phủ thiểu số hoặc bầu cử mới.

Thủ tướng Đức Anglela Merkel có thể mất nhiệm kỳ thứ tư sau khi thành lập liên minh thất bại. Ảnh: Reuters

“Hôn nhân vụ lợi” thất bại

Thủ tướng Đức Angela Merkel rơi vào tình huống khó vì các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh đã sụp đổ sau khi đối tác tiềm năng là đảng Dân chủ Tự do (FDP) rút lui hôm 19.11. Ở một nước Đức ổn định và thành công về kinh tế, nơi được xem là trái tim Châu Âu và đầu tàu của Liên minh Châu Âu EU, thì giờ đây hoàn toàn không rõ chính phủ mới sẽ như thế nào.

Theo báo Đức Deutsche Welle, ngay trước nửa đêm 19.11, lãnh đạo đảng FDP Christian Lindner tuyên bố, các cuộc đàm phán sơ bộ thành lập liên minh đã thất bại vì không có “cơ sở tin tưởng” với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel và đảng Xanh về những vấn đề chủ chốt như nhập cư, khí hậu và chi tiêu. Ông Lindner tuyên bố: “Thà rằng không tham gia điều hành chính phủ thay vì điều hành sai”. Những lời lẽ khắc nghiệt của ông Lindner được đưa ra sau 4 tuần thảo luận gay gắt để thành lập liên minh cầm quyền, liên minh mà ngay từ đầu đã giống như “một cuộc hôn nhân vụ lợi” chứ không phải “hôn nhân vì tình yêu”.

Các đảng phái tham gia đàm phán chia rẽ sâu sắc về các chính sách thuế, người tị nạn và môi trường. Đảng Xanh muốn Đức chấm dứt sử dụng than đá và động cơ đốt trong vào năm 2030, các bên khác cũng cam kết giảm phát thải carbon, nhưng đảng của bà Merkel không đưa ra thời hạn cụ thể, còn FDP bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của vấn đề này với việc làm và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Đức.

Vấn đề nổi cộm nhất là tranh cãi về việc liệu người tị nạn có nên được phép đưa gia đình vào Đức hay không. Chính sách nhập cư tự do của Thủ tướng Angela Merkel được xem là một trong những lý do quan trọng khiến đàm phán thất bại. Sự thất bại này cho thấy, nước Đức cũng đang phải đối mặt với ngã rẽ của riêng họ. Thành công về mặt kinh tế không xóa đi được nỗi lo sợ của người dân về một tương lai mà ở đó, người tị nạn tượng trưng cho sự bất ổn trong một thế giới toàn cầu hóa.

Điều gì tiếp theo với nước Đức?

Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel và Dân chủ Xã hội (SPD) nắm quyền ở Đức từ năm 2013-2017. Đại liên minh này chiếm 504 trong 631 ghế Quốc hội nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 vừa qua, SPD trở thành đảng đối lập. Với việc không đưa được FDP trở lại bàn đàm phán, Thủ tướng Merkel sẽ phải cố gắng thuyết phục SPD. Song lãnh đạo SPD Martin Schulz một lần nữa bác bỏ khả năng trở thành đại liên minh với liên đảng của Thủ tướng Merkel.

Liệu một chính phủ thiểu số có là một lựa chọn? Thực sự là không. Sẽ rất khó để bà Merkel yêu cầu sự ủng hộ của đảng đối lập, để thông qua từng luật một.

Một liên minh có thể có giữa đảng Dân chủ Thiên chúa giáo - Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) và FDP sẽ thiếu 29 ghế để trở thành đa số trong quốc hội, trong khi liên minh giữ CDU/CSU và đảng Xanh sẽ thiếu 42 ghế. Trong bất kỳ trường hợp nào, mô hình khá thông dụng ở những nước khác như thế này lại chưa từng được thử nghiệm ở cấp liên bang tại Đức. Ngay sau cuộc tổng tuyển cử, Thủ tướng Merkel đã tuyên bố: “Tôi muốn có một chính phủ ổn định ở Đức”. Trong khi đó, SPD đã thẳng thừng tuyên bố, không ủng hộ chính phủ thiểu số của bà Merkel. Như vậy, khả năng còn lại là Đức có thể phải đối mặt với nguy cơ tổ chức các cuộc bầu cử mới...

Tuy nhiên, việc tổ chức bầu cử mới là điều tất cả các bên đều muốn tránh, vì lo ngại sẽ có thêm lợi thế cho đảng cực hữu AfD. Ngoài ra, các khảo sát hiện tại cũng cho thấy, nếu tổ chức một cuộc bầu cử mới thì nhiều khả năng kết quả sẽ như hiện tại, và việc thành lập một chính phủ liên minh mới tiếp tục gặp khó khăn.

Sự thất bại trong thành lập chính phủ ở Đức - nền kinh tế lớn nhất Châu Âu - có thể kéo theo nhiều hệ lụy ở lục địa già này. Trong nhiều tuần tới, thậm chí nhiều tháng tới, tương lai bất định đang chờ Châu Âu ở phía trước.

VÂN ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/cu-soc-tren-chinh-truong-duc-577247.ldo